MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ đề xuất Quốc hội giảm mạnh thuế cho xe ô tô có dung tích nhỏ

Các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị đầu tư (cần khoảng từ 1 đến 2 năm tùy doanh nghiệp để chuẩn bị, xây dựng nhà máy) và phù hợp với lộ trình giảm thuế nhập khẩu.

Sáng ngày 27/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế.

Một trong những nội dung đáng chú ý đó là việc sửa đổi thuế tiêu thu đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng ô tô trong thời gian tới.

Theo lịch trình, đây là dự án luật dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua ngay tại kỳ họp này.

Đánh giá của Bộ Tài chính cho biết, trước bối cảnh thuế nhập khẩu được cắt giảm mạnh, cơ bản về 0% vào năm 2018 (98% dòng thuế) theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN và sau đó theo các Hiệp định khác, nếu tiếp tục duy trì quy định hiện hành thì các mặt hàng chịu thuế TTĐB như ô tô chở người dưới 24 chỗ ngồi nhập khẩu sẽ càng có lợi thế cạnh tranh về giá so với những sản phẩm sản xuất trong nước.

Để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị đầu tư (cần khoảng từ 1 đến 2 năm tùy doanh nghiệp để chuẩn bị, xây dựng nhà máy) và phù hợp với lộ trình giảm thuế nhập khẩu, Chính phủ trình Quốc hội lộ trình thực hiện thuế suất thuế TTĐB đối với một số dòng xe như sau:

Đối với xe ô tô chở người 9 chỗ ngồi chở xuống:

- Loại có dung tích xi lanh từ 1.000 cm3 trở xuống: Từ ngày 01/7/2016 áp dụng thuế suất 25% (giảm 20% so với hiện hành), từ ngày 01/01/2018 áp dụng thuế suất 20% (giảm 25% so với hiện hành);

- Loại có dung tích xi lanh từ trên 1.000 cm3 đến 1.500 cm3: Từ ngày 01/7/2016 áp dụng thuế suất 30% (giảm 15% so với hiện hành), từ ngày 01/01/2018 áp dụng thuế suất 25% (giảm 20 % so với hiện hành);

- Loại có dung tích xi lanh trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3: Từ ngày 01/7/2016 áp dụng thuế suất 40% (giảm 5% so với hiện hành), từ ngày 01/01/2018 áp dụng thuế suất 30% (giảm 15% so với hiện hành).

- Loại có dung tích xi lanh trên 2.000 cm3 đến 3.000 cm3: Từ ngày 01/7/2016 áp dụng thuế suất 60% (tăng 10% so với hiện hành), từ ngày 01/01/2018 áp dụng thuế suất 55% (tăng 5% so với hiện hành).

- Đối với xe ô tô có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3:

+ Loại có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 đến 4.000 cm3: Từ ngày 01/7/2016 áp dụng thuế suất 90% (tăng 30% so với hiện hành);

+ Loại có dung tích xi lanh trên 4.000 cm3 đến 5.000 cm3: Từ ngày 01/7/2016 áp dụng thuế suất 110% (tăng 50% so với hiện hành);

+ Loại có dung tích xi lanh trên 5.000 cm3 đến 6.000 cm3: Từ ngày 01/7/2016 áp dụng thuế suất 130% (tăng 70% so với hiện hành);

+ Loại có dung tích xi lanh trên 6.000 cm3: Từ ngày 01/7/2016 áp dụng thuế suất 150% (tăng 90% so với hiện hành).

- Đối với xe mô-tô-hôm (motorhome): Đây là loại xe có kích thước lớn, dung tích xi lanh lớn và giá trị cao. Vì vậy đề nghị quy định: Từ ngày 01/7/2016 áp dụng thuế suất 75%, từ ngày 01/01/2018 áp dụng thuế suất 70% (hiện hành xếp theo số chỗ và dung tích xi lanh).

Ngoài ra, trong quá trình soạn thảo Luật có ý kiến đề nghị không nên chia nhỏ để áp thuế suất thuế TTĐB đối với dòng xe ô tô có dung tích xi lanh từ 1.500 cm3 trở xuống và dòng xe có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 và đề nghị áp dụng thuế suất thuế TTĐB thống nhất đối với dòng xe này, cụ thể:

Loại có dung tích từ 1.500 cm3 trở xuống:

Áp dụng thuế suất thống nhất 30% (giảm 15% so với mức thuế suất hiện hành);

Loại có dung tích trên 3.000 cm3: Từ ngày 01/7/2016 áp dụng thuế suất 75% (tăng 15% so với hiện hành), từ ngày 01/01/2018 áp dụng thuế suất 70% (tăng 10% so với hiện hành).

Xe ô tô chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ:

Giảm thuế suất từ 30% hiện hành xuống 15%.

Xe ô tô chở người từ 16 đến dưới 24 chỗ:

Loại này mặc dù nhiều nước thu nhưng thực tế ít sử dụng cho tiêu dùng hộ gia đình, vì vậy đề nghị giảm xuống 5% (giảm 10% so với hiện hành).

Xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng:

Hiện hành loại xe này áp dụng thuế suất thuế TTĐB là 15% không phân biệt dung tích xi lanh. Để khuyến khích sử dụng xe tiết kiệm nhiên liệu, đề nghị sửa đổi quy định thuế suất đối với dòng xe này theo dung tích xi lanh như sau:

- Loại có dung tích xi lanh từ 2.500 cm3 trở xuống: giữ thuế suất 15% như hiện hành;

- Loại có dung tích xi lanh từ trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3: Từ ngày 01/7/2016 áp dụng thuế suất 20% (tăng 5% so với hiện hành);

- Loại có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3: Từ ngày 01/7/2016 áp dụng thuế suất 25%, tăng 10% so với hiện hành là 15%.

Đối với xe ô tô chạy bằng điện:

+ Loại chở người từ 9 chỗ trở xuống: Áp dụng thuế suất 10%, giảm 15% so với hiện hành là 25%.

Để phù hợp với nội dung sửa đổi nêu trên, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi thuế suất đối với ô tô điện loại từ 10 đến dưới 16 chỗ là 5% (giảm 10% so với mức thuế suất hiện hành); đối với ô tô điện loại từ 16 đến dưới 24 chỗ ngồi áp dụng thuế suất 0% để phù hợp với đề xuất đối với xe ô tô từ 16 đến dưới 24 chỗ ngồi.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cơ bản nhất trí với phương án sửa đổi thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô dưới 24 chỗ ngồi.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đề nghị cần xem xét việc điều chỉnh giảm thuế suất đối với xe ô tô chở người chạy bằng điện từ 16 đến 24 chỗ ngồi từ 10% xuống 0% là chưa hợp lý, vì trong khi tất cả các dòng xe khác đều đang phải chịu thuế TTĐB.

Do vậy, đề nghị không điều chỉnh mức thuế suất của dòng xe ô tô này xuống 0%, mà chỉ nên điều chỉnh mức thuế suất từ 10% xuống 5%.

 

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên