MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính quyền đô thị: Cán bộ phải lột xác

Có tình trạng cán bộ đô thị nhưng còn tư duy và mang tác phong làm việc như nông thôn.

Thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Việc đưa ra một mô hình tổ chức chính quyền rất mới như đề án thí điểm xây dựng chính quyền đô thị (CQĐT) tại TP.HCM chắc chắn sẽ khó tránh được những xáo trộn, thậm chí là xung đột với những cơ chế vận hành hiện tại và lối tư duy quen thuộc lâu nay về tổ chức, quản lý chính quyền địa phương. Nhưng rất nhiều ý kiến tại Hội nghị các cán bộ cao cấp nghỉ hưu góp ý cho đề án trên do Thành ủy TP.HCM tổ chức ngày 17-8 cho rằng: Thực tiễn đòi hỏi TP phải làm! Nói như Trung tướng Mai Xuân Vĩnh, Phó đô đốc Hải quân Việt Nam: “Không có ai đẻ mà không đau nhưng phải đẻ thì mới có con được”.

Không đổi mới sẽ tuột cơ hội

Nhắc lại câu chuyện dài về việc TP xin trung ương cơ chế huy động nguồn lực đầu tư để phát triển khu vực Thủ Thiêm, An Phú - An Khánh, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh nói: “Đã có rất nhiều cơ hội để TP huy động đầu tư phát triển hạ tầng cho khu vực này từ rất sớm nhưng đã bị tuột mất do cơ chế cái gì cũng phải xin phép tận trung ương. Và nếu trung ương “lắc đầu” thì đành chịu”. Theo ông Thanh, với cơ chế gò bó như thế thì rất khó đưa TP phát triển một cách vượt bậc và nếu còn tiếp tục như thế thì ta sẽ còn bỏ lỡ nhiều thời cơ để thực hiện sự bứt phá đó. Ông Thanh cũng cho rằng: “Đã đến lúc ta cải cách bộ máy vì nó cồng kềnh, nhiều tầng nấc, trùng lắp và kém hiệu quả”. Đây là cản lực lớn cho sự phát triển.

Đồng tình về vấn đề này, nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Chánh Trực nhận xét: “Thực tế hiện nay trung ương xem quản lý TP.HCM không khác quản lý một tỉnh bất kỳ, kể cả một tỉnh có dân số nhỏ bé rất nhiều lần so với TP, GDP đạt rất thấp, không nộp ngân sách GDP. Trong khi đó, TP nộp khoảng 30% tổng ngân sách quốc gia... Điều đó rất bất hợp lý và gây ra nhiều khó khăn trong điều hành thực tế của TP”.

Theo ông Trực, xây dựng CQĐT TP.HCM là đòi hỏi khách quan của một cộng đồng dân cư đông đúc, quan hệ nội bộ nhân dân cũng như với bên ngoài, kể cả nước ngoài, với các cấp quản lý nhà nước từ cơ sở đến trung ương trên mọi lĩnh vực hoạt động xã hội rất dày đặc, đa dạng, liên tục với cường độ cao, quy mô lớn và đan xen phức tạp. Vì vậy cần có một hệ thống điều hành quản lý thích hợp, đủ mạnh, mang tính tập trung cao, nhanh nhạy, linh hoạt, đảm bảo gìn giữ kỷ cương, luật pháp. Đồng thời, tạo môi trường xã hội lành mạnh, thuận tiện, mở rộng dân chủ, khuyến khích mọi công dân phát huy trí tuệ, tài năng để đảm bảo cuộc sống riêng và góp phần xây dựng đất nước.

Lột xác cách làm việc

Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng đề nghị lãnh đạo TP cần phải chuẩn bị lực lượng cán bộ cho CQĐT trong tương lai. Nhiều đại biểu cho rằng cán bộ ở cấp sở hiện nay làm việc rất ầu ơ ví dầu, chẳng hạn có trường hợp chỉ đổi một cái giấy hồng mà mất ba năm trời. Từ thực tiễn cho thấy phải tiến hành phân loại, đào tạo, bồi dưỡng một cách đàng hoàng, bài bản cán bộ cho CQĐT.

Ông Nguyễn Thọ Chân, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, thì cho rằng cán bộ ta trình độ còn thấp; tầm nhìn chưa cao và thậm chí có trường hợp tiêu cực. Bên cạnh đó, có tình trạng cán bộ đô thị nhưng còn tư duy và mang tác phong làm việc như nông thôn. “Lãnh đạo TP cần phải xốc lại công tác cán bộ ngay từ bây giờ. Cần rèn luyện đưa vào nề nếp cách thức thực thi công vụ, nhất là tính nghiêm minh, kỷ cương và biết tôn trọng nhân dân” - ông Chân nói.

Trung tướng Mai Xuân Vĩnh cũng nhận xét: “Nếu ta lắp cán bộ hiện nay vào CQĐT mới là không ổn. Bộ máy cán bộ của CQĐT đòi hỏi phải lột xác cách làm việc của chúng ta bấy lâu nay từ chuyên môn nghiệp vụ đến tinh thần trách nhiệm”.

Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình:

Cho cơ chế đặc thù để bứt phá

Sự cào bằng trong tổ chức chính quyền giữa đô thị cũng như nông thôn làm cho người yếu cũng không mạnh lên mà người mạnh cũng không bứt lên được nữa. Nhiều động lực để thúc đẩy TP.HCM bứt phá đang bị kìm hãm. Sự kìm hãm ấy làm cho TP.HCM muốn phát triển hơn nữa, muốn cống hiến hơn nữa cũng khó mà làm được. Đề án phải phân tích thật sâu, thật thuyết phục những bất cập này cũng như hệ quả của nó, phải cho trung ương thấy TP.HCM cần phải đổi mới và phải cho TP một cơ chế vận hành đặc thù để bứt phá.

Nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh:

Cần cán bộ bản lĩnh, tâm huyết

TP cần phải tập hợp cán bộ có tài, đức. Cái đức ở đây không phải là những cán bộ được lòng nhiều người, vì có khi đó là nhu nhược, sợ lung lay cái ghế. CQĐT cần những người có bản lĩnh, tâm huyết. Nếu ta thay đổi mô hình quản lý mà không có những con người tâm huyết hết lòng xây dựng TP thì rất khó mang lại hiệu quả. TP cần tiến hành đánh giá, tổng kết hoạt động bộ máy xem hoạt động của nó hiệu quả thế nào; phải nắm rõ được khuyết tật, nhược điểm của nó mới có hướng sửa chữa để phục vụ cho đổi mới và mang lại lợi ích thực sự cho người dân.

Theo MINH CƯỜNG

thanhhuong

PhapluatTP.HCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên