MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính sách cho lao động nữ dưới con mắt người trong cuộc

Đôi khi, các chính sách đưa ra vô hình chung đã cản trở một bộ phận không nhỏ lao động nữ trong việc tiếp cận việc làm.

Chế độ nghỉ sinh

Từ ngày 2/1/2013, Quốc hội
đã thống nhất áp dụng chung thời gian nghỉ thai sản (trước và sau khi sinh con) của lao động nữ là 6 tháng (so với quy định nghỉ 4 tháng hiện hành). Đây là thông tin được nhiều lao động nữ mong chờ khi gánh nặng nuôi con trong những tháng đầu đè nặng trách nhiệm của những bà mẹ.

Phần lớn lao động nữ hiện đang làm việc tại các doanh nghiệp đều đón nhận thông tin một cách tích cực. Không ít chị em còn tiếc vì "lỡ" sinh con trước 2/1/2013.

Tuy nhiên, bên cạnh đó không ít ý kiến tỏ ra lo lắng với chính sách tưởng như rất có lợi đối với lao động nữ này. 

Chị Hoàng Ngân, 25 tuổi, hiện đang tìm việc làm, cho biết: "Tôi chưa lập gia đình, đi xin việc rất ít khi được chấp nhận. Một số công ty bảo không phù hợp, nhưng cũng không ít công ty nói thẳng, họ ngại nhận lao động nữ chưa có con, vì sẽ phải "trừ hao" 6 tháng nghỉ sinh sau này. Bên cạnh đó, cũng có công ty đề nghị trong 2 năm đầu, tôi không được phép sinh con. Yêu cầu này nằm ngoài khả năng của tôi, vì tôi đã đến tuổi lập gia đình và sinh em bé."

Việc "đề nghị" nhân viên nữ không sinh đẻ trong 2-3 năm đầu làm việc, hoặc từ chối nhận lao động nữ vì lý do ngại thời gian nghỉ sinh, là sai pháp luật. Tuy nhiên, đó là một thực tế mà lao động nữ vẫn đang phải đối mặt. Ngay cả khi không được phép từ chối lao động nữ vì những lý do nói trên, thì một công ty cũng có trăm ngàn lý do có thể viện ra để không chấp nhận lao động nữ.

Ngoài ra, đối với lao động nữ ký hợp đồng có thời hạn, sau thời gian nghỉ thai sản 6 tháng, khả năng không được tiếp tục ký hợp đồng là khá cao.

Như vậy, chính sách đưa ra vô hình chung đã cản trở một bộ phận không nhỏ lao động nữ trong việc tiếp cận việc làm.

Tăng độ tuổi nghỉ hưu

Gần đây, việc nghỉ hưu đối với lao động nữ cũng được đưa ra mổ xẻ. Một số ý kiến cho rằng, để tăng thời gian cống hiến, bình đẳng nam nữ, nên kéo dài thời gian làm việc của lao động nữ lên 60 tuổi, bằng mức tuổi nam giới hiện nay.

Với đề xuất này, chị Minh, một giảng viên của một trường Đại học cho rằng: "Chính sách này thực ra không quan trọng đối với bản thân tôi. Việc nghỉ hưu không có nhiều ý nghĩa, vì tôi có thể tiếp tục dạy học, nghiên cứu hoặc tư vấn sau 60 tuổi nếu muốn."

Không phải lao động nào cũng có cái nhìn lạc quan như vậy. Không ít chị em lao động rất mong muốn được sớm nghỉ hưu. Trên thực tế, ở các trường học cấp bậc Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, chính sách nghỉ hưu sớm được các thầy/cô giáo đón nhận khá nhiệt liệt. Không ít lao động nữ hành chính thuộc các doanh nghiệp Nhà nước cũng đang tính từng ngày để được nghỉ hưu, nhận lương hưu và nghỉ ngơi. Chính vì vậy, việc "nới" tuổi nghỉ hưu theo họ là không phù hợp.

Chị Hà, sinh viên mới ra trường, hiện đang làm việc ở một công ty công nghệ thông tin cho rằng: "Chúng tôi khá vất vả để kiếm được việc làm. Bây giờ nới tuổi nghỉ hưu của lao động nói chung, lao động nữ nói riêng, thì cơ hội việc làm cho những người trẻ như tôi đang bị thu hẹp."

Kết

Ngoài những chính sách đã nói ở trên, lao động nữ nói chung được hưởng nhiều chính sách ưu tiên. Bộ luật lao động hiện hành có dành hẳn 1 chương quy định về lao động nữ. Tuy nhiên, khoảng cách từ lý thuyết đến thực tiễn là khá xa. Rất nhiều lao động nữ, đặc biệt là các chị em công nhân thuộc các khu công nghiệp, khu chế xuất còn không biết những chế độ pháp luật quy định mà mình được hưởng.

Một khi lao động nữ chưa được coi là một nguồn lực cần được khai thác, mà là một đối tượng cần được ưu tiên, thì những chính sách đưa ra sẽ còn nhiều khập khiễng và phi thực tế.

Trên thực tế, có rất nhiều ngành nghề những tưởng dành riêng cho nam giới, lao động nữ vẫn tham gia và đạt những thành tựu đáng kể. Một doanh nghiệp khôn ngoan là doanh nghiệp biết tận dụng những tiềm năng riêng có của lao động nữ, góp phần vào thành công của doanh nghiệp, thay vì từ chối lao động nữ hay tìm cách lách luật những ưu tiên dành cho đối tượng lao động này.

Ngọc Lan

thunm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên