MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính thức công bố nội dung Hiệp định TPP

Những vấn đề còn tồn tại như mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ, các quy định về lao động, doanh nghiệp nhà nước… đã được tháo gỡ để chính thức đi đến việc kết thúc đàm phán TPP.

Bộ Công Thương đã chính thức công bố nội dung Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được 12 nước thành viên đi đến thống nhất sau khi kết thúc đàm phán gồm:Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.

Sự kiện đàm phán lần này đã kéo dài hơn dự kiến, 5 ngày thay vì lúc đầu dự định chỉ 3 ngày, các Bộ trưởng đã đạt được đồng thuận về tất cả các vấn đề tồn tại, chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định TPP sau hơn 5 năm đàm phán.

Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương dẫn dầu, đã thể hiện sự chủ động, tích cực phối hợp với các nước khác để kết thúc toàn diện các lĩnh vực đàm phán song phương và đa phương, phù hợp với mục tiêu và phương án đặt ra.

Hiệp định TPP được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ 21. Hiệp định bao gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước v..v.

Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; xóa bỏ thuế xuất khẩu hoặc chỉ duy trì ở mức hạn chế, không mở rộng thêm thuế xuất khẩu trong tương lai.

Tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; mở cửa đấu thầu mua sắm của các cơ quan trực thuộc Chính phủ; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.

Nhận thức được việc các doanh nghiệp và người dân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hết sức quan tâm tới các cam kết cụ thể của Hiệp định, các nước tham gia TPP sẽ cố gắng hoàn tất việc rà soát pháp lý các văn kiện của Hiệp định trong thời gian sớm nhất để có thể sớm công bố rộng rãi các cam kết về mở cửa thị trường tới người dân và các doanh nghiệp.

Để giúp doanh nghiệp tận dụng các FTA trước đó trong khu vực, thúc đẩy chuỗi cung ứng khu vực và bảo đảm rằng các nước TPP sẽ là những người hưởng lợi chính của Hiệp định, các thành viên đã thống nhất về một bộ quy tắc xuất xứ chung để xác định một hàng hóa cụ thể “có xuất xứ” và do vậy được hưởng thuế quan ưu đãi trong TPP.

Hiệp định TPP cũng quy định về “cộng gộp” để các nguyên liệu đầu vào từ một Bên TPP được đối xử như những nguyên liệu từ một Bên khác nếu được sử dụng để sản xuất ra một sản phẩm tại bất kỳ một Bên TPP. Các quy tắc được đưa ra để bảo đảm rằng doanh nghiệp có thể hoạt động một cách dễ dàng xuyên khu vực TPP thông qua việc thiết lập một hệ thống chung trên toàn TPP về chứng minh và kiểm tra xuất xứ của hàng hóa TPP.

Để cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp TPP, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, các thành viên TPP nhất trí các quy định giúp xóa bỏ các quy trình kiểm tra và chứng nhận trùng lắp đối với các sản phẩm, thiết lập quy trình dễ dàng hơn giúp các công ty tiếp cận thị trường các nước TPP.

Các thành viên cũng sẽ đảm bảo một khoảng thời gian hợp lý giữa thời điểm công bố các quy định kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp và thời điểm có hiệu lực để các doanh nghiệp có đủ thời gian đáp ứng các yêu cầu mới.

Bên cạnh những quy định về đầu tư, thương mại dịch vụ qua biên giới, dịch vụ tài chính, nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh, viễn thông, thương mại điện tử, mua sắm chính phủ, Hiệp định TPP cũng đưa ra những nội dung đảm bảo cạnh tranh lành mạnh như chính sách cạnh tranh, quyền sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, hợp tác và nâng cao năng lực, cạnh tranh và tạo thuận lợi kinh doanh, phát triển, gắn kết môi trường chính sách, minh bạch hóa và chống tham nhũng…

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên