MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính thức hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN: Các nhà điều hành trăn trở gì?

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức được hình thành kể từ ngày hôm nay (31/12). Người dân và doanh nghiệp Việt Nam sẽ bước vào sân chơi lớn hơn, không chỉ thị trường của 90 triệu dân nữa mà với một tâm thế lớn hơn với 600 triệu dân và những cuộc cạnh tranh, đọ sức cam go, khốc liệt hơn.

Khi Cộng đồng AEC chính thức hình thành, sẽ tạo thành một khối thống nhất về sản xuất, thương mại và đầu tư khi đây là thị trường duy nhất và là một cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề.

Với kỳ vọng mở ra một khu vực có sức cạnh tranh cao, phát triển kinh tế đồng đều để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. AEC sẽ mở ra một thị trường rộng lớn, bình đẳng cho các DN Việt Nam khi có cơ hội trao đổi hàng hóa, thương mại, thu hút đầu tư và tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực khi hàng rào thuế quan và phi thuế quan được gỡ bỏ.

Chỉ 10% doanh nghiệp tận dụng được cơ hội từ AEC

Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều trăn trở được chính các nhà điều hành, quản lý của Chính phủ đưa ra khi nói đến Cộng đồng AEC. Với hội nhập quốc tế trong đó hội nhập kinh tế làm trọng tâm, đối với việc hình thành Cộng đồng AEC, Việt Nam và Singapore được đánh giá là hai nước đi dầu trong thực hiện các cam kết. Thế nhưng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, lại bày tỏ nỗi lo lắng khi dẫn ra con số đáng giật mình về sự hiểu biết của cộng đồng DN về AEC.

Theo đó, Việt Nam lại là một trong những nước nhận thức về ASEAN còn hạn chế, khi có tới 60 – 80% các doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu biết nhiều và chỉ 10% doanh nghiệp Việt Nam đang tranh thủ được những cam kết trong cộng đồng AEC.

“Khi AEC được hình thành thì nhân tố thụ hưởng chính là DN, nhưng nếu nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế như vậy thì những cam kết của ta, với trên 90% cam kết và các chính sách đưa ra, sẽ không thể tận dụng được” – Phó Thủ tướng lo ngại.

Cũng theo Phó Thủ tướng, hiện các nước ASEAN trong nội khối rất quan tâm để tranh thủ điều

kiện thuận lợi từ Cộng đồng AEC mang lại. Song với DN Việt Nam lại không tập trung đến thị trường này mà chỉ quan tâm các thị trường phía xa, nên chưa tận dụng được các thuận lợi của ASEAN mang lại.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thì lại lo ngại rằng cùng với việc hình thành AEC, thị trường sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn vì chúng ta tham gia nhiều FTA. Dẫn chứng thực tế, có rất nhiều hàng hóa mà trong nước sản xuất được như thép xây dựng, phân bón… song hàng hóa các nước trong khu vực và Trung Quốc vẫn “tràn” vào Việt Nam rất nhiều, cạnh tranh không lành mạnh với hàng nội địa và có nguy cơ “giành” sân nhà.

Tư duy 90 hay 600: Bài toán cho doanh nghiệp?

Những cảnh báo này của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đưa ra đã được Tổng cục Thống kê dẫn chứng từ những số liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước trong ASEAN. Theo bà Lê Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thương mại Xuất nhập khẩu (Tổng cục Thống kê), trong năm 2015 nhập siêu từ Trung Quốc tăng cao lên tới 32 tỷ USD do đây là thị trường chính nhập khẩu đầu vào nguyên liệu cho sản xuất của Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn cả là nhập khẩu từ Thái Lan và Malaysia cũng ngày càng gia tăng và mức nhập siêu từ những thị trường này cũng đang tăng lên.

“Một cảnh báo được đưa ra là việc ta tăng mức nhập siêu, trong năm 2015 mức nhập siêu không chỉ từ Trung Quốc tăng lên mà nhập siêu từ Malaysia và Thái Lan cũng tăng với nhiều mặt hàng liên quan tiêu dùng, nguyên phụ liệu… Với nhiều Hiệp định thương mại mà Việt Nam đang tham gia thì phải nâng cao sức cạnh tranh cho DN trong nước, nếu không việc giảm thuế sẽ khiến hàng hóa tràn vào và cạnh tranh với thị trường trong nước” – đại diện Tổng cục Thống kê nói.

Theo Phó THủ tướng Hoàng Trung Hải, ngay từ lúc này các bộ ngành liên quan trong đó là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần phải xây dựng các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng hóa trong nước, ngăn chặn hàng nhập lậu vào Việt Nam. Đồng thời, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng có thể tiến hành khởi kiện nhiều hơn với hàng nhập khẩu có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh.

Trong khi các nước trong ASEAN chủ động tìm hiểu thông tin về AEC, thì một vấn đề của các DN Việt Nam vẫn còn thụ động, chờ vào các thông tin nóng, cho dù đã có nhiều chương trình tuyên truyền thông tin. Do đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, cho rằng vấn đề cần hết sức chú ý đó là công tác thông tin và tuyên truyền cần đổi mới và các bộ ngành cần rà soát chính sách tạo thuận lợi cho DN và người dân trong ASEAN.

Nhìn rộng hơn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng vấn đề cần thiết lúc này là phải dốc toàn lực để nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia, của toàn nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm. Đặt trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, cạnh tranh khốc liệt hơn nhưng bản thân nền kinh tế và sức khỏe của DN còn nhiều hạn chế, nên Thủ tướng cho rằng trước hết cần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế. Tiếp đến là ra sức cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân và DN có nguồn lực và điều kiện thuận lợi để vươn ra biển lớn hội nhập.

 

Cộng đồng kinh tế ASEAN, viết tắt là AEC (Asean Economic Community) kết nối nền kinh tế của 10 quốc gia ASEAN với quy mô dân số khoảng 630 triệu người.AEC là một trong 3 “cột trụ” của Cộng đồng ASEAN (ASEAN Community) bên cạnh hai cột trụ về chính trị-an ninh và văn hóa-xã hội.

Cộng đồng ASEAN được xây dựng dựa trên 4 trụ cột chính gồm:

+ Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung

+ Một khu vực kinh tế cạnh tranh

+ Phát triển kinh tế cân bằng

+ Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu

AEC là một tiến trình hội nhập kinh tế khu vực chứ không phải là một Thỏa thuận hay Hiệp định với các cam kết ràng buộc thực chất. Những văn bản này có thể bao gồm những cam kết có tính ràng buộc thực thi, cũng có những văn bản mang tính tuyên bố, mục tiêu hướng tới không bắt buộc của các nước ASEAN.

Về tự do hóa hàng hóa, trong số các FTA mà Việt Nam đã ký kết, cam kết về cắt giảm thuế quan trong ASEAN là cao nhất và nhanh nhất.

Về tự do hóa dịch vụ, các cam kết về dịch vụ trong ASEAN đều tương tự mức cam kết trong WTO, trong một số gói cam kết dịch vụ gần đây của ASEAN, mức độ cam kết đã bắt đầu cao hơn so với WTO nhưng không nhiều và cũng phù hợp với mức độ mở cửa thực tế về dịch vụ của Việt Nam.

Về tự do hóa đầu tư, các cam kết về đầu tư trong ASEAN toàn diện hơn trong WTO và các FTA đã ký của Việt Nam nhưng cũng phù hợp với các quy định về đầu tư trong pháp luật Việt Nam.

Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những nước được hưởng lợi khi AEC có hiệu lực từ ngày 31/12/2015, nhưng cơ hội luôn đi kèm thách thức, rõ ràng cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn, cả về sản phẩm, thị trường, về nguồn nhân lực chất lượng cao, đòi hỏi sự sẵn sàng của DN cũng như cơ quan quản lý nhà nước để tận dụng hết cơ hội cho phát triển.

Trong 10 năm qua, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và ASEAN tăng rõ nét, từ 9 tỷ USD vào năm 2003 lên gần 16,83 tỷ USD tính đến tháng 12/2015; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ các nước thành viên ASEAN đạt 21,68 tỷ USD.

Lịch sử hình thành

- Tại Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2020 thông qua tháng 12/1997, các nhà lãnh đạo ASEAN đã định hướng phát triển ASEAN thành một Cộng đồng ASEAN;

- Ý tưởng được tái khẳng định tại Hội nghị cấp cao ASEAN 9 tháng 10/2003, thể hiện trong Tuyên bố Hoà hợp ASEAN II (hay còn gọi là Tuyên bố Ba-li II). Theo đó, ASEAN nhất trí hướng đến mục tiêu hình thành một cộng đồng ASEAN vào năm 2020 với 3 trụ cột chính là hợp tác chính trị - an ninh (Cộng đồng an ninh ASEAN – ASC), hợp tác kinh tế (Cộng đồng Kinh tế ASEAN – AEC) và hợp tác văn hoá xã hội (Cộng đồng Văn hoá Xã hội ASEAN – ASCC);

- Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 12 tháng 1/2007 các nước ASEAN đã quyết định rút ngắn thời hạn hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN từ năm 2020 xuống năm 2015. ​

 

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên