MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chợ truyền thống vẫn muôn đời “sống”

"Trên thực tế, có nhiều người chưa dám vào siêu thị, lương phải từ 10 triệu trở lên mới dám vào siêu thị. Hoặc có người chỉ vào siêu thị mua bánh mỳ, hoặc chỉ vào… chơi".

Phóng viên Báo Hải quan phỏng vấn ông Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội xung quanh vấn đề về chợ truyền thống.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò chợ truyền thống khi hệ thống siêu thị, bán lẻ hiện đại phát triển ngày càng mạnh hơn?

Hiện nay, có 2 trường phái cho việc phát triển chợ truyền thống. Một trường phái là đẩy nhanh hệ thống siêu thị để giảm chợ truyền thống do chợ truyền thống nhếch nhác, không vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), niêm yết giá. Một trường phái khác là giữ chợ truyền thống bởi chợ vẫn là chốn văn hóa giao lưu, chốn của người nghèo.

 Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội 

Tôi theo trường phái thứ 2, còn hệ thống siêu thị sẽ phát triển với tốc độ hợp lý, tùy theo dân trí tiêu dùng và sức mua, khả năng thu nhập của người dân. Hiện nay, GDP bình quân đầu người ở TP. HCM là trên 5.000 USD, ở Hà Nội là trên 2.500 USD. Khi nào GDP bình quân đầu người lên 7.000 USD, lúc ấy siêu thị mới phát triển nhanh được.

Còn hiện GDP bình quân đầu người vẫn dưới 4.000 USD thì siêu thị chỉ phát triển mức vừa phải. Tôi cho rằng, phát triển siêu thị là tốt nhưng mức độ tăng trưởng hợp lý chỉ 10% còn các chợ củng cố để phục vụ người nghèo, văn hóa kinh doanh, giao lưu, vùng quê, vùng ven các thành phố lớn chưa quen với siêu thị. Ở những khu vực đó, chợ là nơi người có sản vật mang tiêu thụ rồi mua hàng công nghiệp. Như vậy, chợ có tác dụng 2 chiều.

Tuy nhiên với tốc độ phát triển “chóng mặt” của hệ thống siêu thị, chợ truyền thống phải chăng đang bị lép vế, thưa ông?

Theo tôi, có 2 nguyên nhân khiến chợ truyền thống đang bị lép vế. Thứ nhất, do chủ quan của chợ. Siêu thị văn minh hơn trong việc bảo quản hàng hóa tốt, bán hàng có hóa đơn, hàng hóa có nguồn gốc trong khi ở chợ những yếu tố này gần như không có. Hà Nội trước kia khi tôi còn làm ở Sở Công Thương đã xây dựng phong trào chợ an toàn, văn minh, hiệu quả, đầu chợ có cân thử cho khách nhưng hiện nay đã bỏ hết. Với tư duy này, chợ truyền thống chắc chắn bị lép vế so với siêu thị.

Thứ hai, nguyên nhân khách quan là do siêu thị phát triển quá nhanh, cộng với xu thế thời đại người tiêu dùng ngại vào chợ lấm, bẩn, nhất là những người nhiều tiền. Vì thế, Nhà nước cần cân đối giữa chợ và siêu thị.

Với kinh nghiệm đã từng làm lãnh đạo của Sở Thương mại (nay là Sở Công Thương), theo ông làm sao để phát huy được thế mạnh của chợ truyền thống?

Có những chợ không thể phá bỏ, đơn cử như chợ Đông Ba (Huế), Bến Thành (TP. HCM), Đồng Xuân (Hà Nội)... bởi lẽ chợ truyền thống vẫn muôn đời sống với người dân Việt Nam. Vấn đề bây giờ là phải nâng cấp chợ cả về cơ sở vật chất lẫn văn minh thương mại trong chợ.

Tôi cho rằng, trong nội thành, chợ phải được nâng cấp lên, tối đa 2 tầng (tầng trên bán hàng khô, tầng dưới bán hàng ướt có chỗ gửi xe thông thoáng, giao thông thuận tiện, không cho giết mổ trong chợ), thiết lập hệ thống chợ đầu mối. Đây là nhiệm vụ của ngành Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh tham mưu cho Bộ Công Thương ban hành. 

Trên thực tế, Bộ Công Thương đã ban hành Quy hoạch phát triển chợ cụ thể nhưng vấn đề là tiền đâu, vốn đâu, ai thực hiện quy hoạch này. Nếu không giao việc cụ thể thì kế hoạch sẽ chỉ nằm trên giấy, có khi chỉ thực hiện được ¼ kế hoạch hoặc thậm chí là thất bại. Ví dụ, theo Quy hoạch của TP. Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng mới gần 1.000 siêu thị, 42 trung tâm thương mại, 595 chợ dân sinh thì không biết lấy vốn ở đâu.

Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề thực hiện quy hoạch?

Quy hoạch phải có tính khả thi. Cụ thể, quy hoạch đâu là chợ, đâu là siêu thị, đâu là đại siêu thị, đâu là bách hóa phục vụ các cụm dân cư nội, ngoại thành theo sức mua, dân số. Ví dụ như ở Hà Nội, 1 phố có đến 3 siêu thị cách nhau vài trăm mét gồm Lotte, Fivimart, Hapro. Như vậy, từ quy hoạch cho đến thực hiện là một khoảng cách rất xa. Với các cơ quan quản lý cần tránh tư duy nhiệm kỳ, tùy tiện. Tính cục bộ của tỉnh Hải Phòng, Đà Nẵng thể hiện trong việc cắm đại siêu thị ngay chợ giữa thành phố. Thêm nữa, Sở Công Thương các tỉnh phải quan tâm đến cấp thoát nước, cơ sở vật chất, giáo dục kỷ cương, xây dựng điều lệ chợ, văn hóa kinh doanh bởi bà con trong chợ giỏi buôn bán nhưng văn hóa kinh doanh còn “lôi thôi”.

Muốn cải tạo hệ thống chợ cần có vốn và nguồn vốn này Nhà nước phải hỗ trợ chứ không thể xã hội hóa hết. Tuy vậy, chính sách còn quan trọng hơn cả việc hỗ trợ, cho tiền như chính sách thuê đất, giao đất…

Xin cảm ơn ông!

>>>Trung tâm thương mại đìu hiu và nỗi buồn mất chợ truyền thống

Theo Diệp Anh

huongtt

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên