MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chống chuyển giá, vẫn lắm chông gai!

Danh sách các DN chuyển giá chắc chắn không dừng ở những con số mà Tổng cục Thuế vừa công bố.

APA – cơ chế thỏa thuận trước về xác định giá tính thuế được phép áp dụng ở Việt Nam, được cho là công cụ chống chuyển giá có hiệu quả nhất hiện nay. Thế nhưng, theo giới chuyên gia, việc áp dụng APA vẫn đang đối diện với rất nhiều thách thức.

Chuyển giá ở cả DN nội

Dư luận thời gian gần đây tiếp tục xôn xao khi những thông tin mới nhất về phi vụ chuyển giá của "ông lớn” Keangnam và những "đại gia” khác tiếp tục được làm rõ.

GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài cho biết, đáng buồn là hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở khối DN FDI, mà ở ngay cả trong hệ thống DN nội.

Vì sao các DN lại có thể "lộng hành” như thế trong nhiều năm trời? Đơn giản là do việc thu thập thông tin về chuyển giá là rất khó. Ngay cả những đơn vị có chức năng kiểm tra, giám sát trực tiếp cũng phải gật đầu thừa nhận, dù biểu hiện của chuyển giá là rõ ràng, nhưng do không xác minh được thông tin đầu ra với DN, cơ quan thuế không đủ cơ sở xem xét, xử lý. Do đó, việc hướng dẫn, khích lệ DN thực hiện cơ chế xác định giá trước APA đang được xem là cứu cánh cho công cuộc chống chuyển giá. 

Tham gia APA, 2 bên cùng tự nguyện và sẽ có đàm phán hợp lý để thống nhất mức giá thuế. Đây cũng là điều kiện để khẳng định quyền chủ động của người nộp thuế, tránh rủi ro. Và cũng tạo căn cứ phù hợp cho công tác kiểm tra chống chuyển giá.

Một chuyên gia khác trong ngành thuế cũng nhấn mạnh, để áp dụng hiệu quả APA, trong thời gian tới, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện và tạo dựng đủ cơ sở pháp lý, từ Luật, Nghị định đến thông tư Bộ Tài chính… để công cụ này dễ đi vào thực tế và được tuân thủ nghiêm ngặt. Chúng ta cần tiến tới thành lập một cơ quan điều tra về thuế, có cơ sở dữ liệu về thuế, giá, chống chuyển giá… vì nếu thiếu, những quy định khác sẽ không có tác dụng. DN sẽ "lợi dụng” ngay từ những chi tiết nhỏ nhất.

Sức ép lớn với cơ quan thuế

Định hướng là thế, nhưng làm thế nào để áp dụng thành công không phải câu chuyện đơn giản. Theo GS Nguyễn Mại, việc áp dụng APA ở nước ta mới được đưa vào Luật Thuế sửa đổi, cần học hỏi kinh nghiệm từ nhiều quốc gia khác nên khó có thể thực hiện ngay lập tức. Phải làm thế nào để không ảnh hưởng tới quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như hoạt động của DN? GS Mại đặt câu hỏi.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, áp dụng APA, tức là cần có sự thỏa thuận giữa DN và cơ quan quản lý thuế. Và cơ chế thỏa thuận này phải được xây dựng với từng DN. Một sức ép rất lớn lên ngành thuế.

Cùng với đó, việc thỏa thuận trước cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt cơ chế. Không có gì đảm bảo trong quá trình đàm phán, cán bộ quản lý thuế lại không thống nhất về giá với DN trước. Đó là chưa kể, hiện nay cũng đang thiếu hụt các tham chiếu ổn định cho việc cơ quan thuế có thể đưa ra khung đàm phán trong xác định giao dịch từ trước.

Khi áp dụng cơ chế APA, mức giá thỏa thuận có thể có hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định như 3 năm. Không thể giữ nguyên giá trong 3 năm bởi do những biến động về thị trường, tỷ giá, lạm phát… đã khác nhau rất nhiều trong 1 năm. Việc hoạch định và đưa ra mức giá để 2 bên có thể đồng ý là rất khó. Trong khi năng lực hiện tại của các nhà phân tích thị trường và cán bộ quản lý thuế ở nước ta, hầu như còn rất hạn chế.

LS Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFam Việt Nam cho rằng, về lý thuyết, APA có thể mang lại cho DN nhiều lợi thế, song không phải DN nào cũng chủ động tham gia.

Đại diện hội tư vấn thuế Việt Nam thì nhấn mạnh, việc đàm phán tiến tới thỏa thuận APA diễn ra trong thời gian khá dài, có thể ở nhiều nơi, đặc biệt là với APA song phương và đa phương. Do đó, cần một khoản chi phí không hề nhỏ. Đặc biệt, do APA được triển khai trên cơ sở tự nguyện nên câu chuyện DN có chủ động tham gia hay không vẫn còn phải bàn.

Như vậy, công cuộc chống chuyển giá ở Việt Nam, xem ra, vẫn còn lắm chông gai!

Theo Vũ Phong

cucpth

Đại đoàn kết

Trở lên trên