MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Tôn Hoa Sen: Bất cập về cầu cảng khiến DN phải trả chi phí logistics cao gấp 3 lần

Mặc dù là một ngành tiềm năng và có nhiều "dư địa" để tăng trưởng; song ngành logistics Việt Nam đang bị đánh giá là kém cạnh tranh do chi phí cao…

Theo đánhg giá, Logistics là một mắt xích quan trọng trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm, sức cạnh tranh của doanh nghiệp ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Trong thời kỳ hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, với hàng loạt các hiệp định thương mại song phương và đa phương đã được ký kết, mới đây nhất là việc các nước đã hoàn tất đàm phán hiệp định TPP vào ngày 5/10/2015 thì các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có cơ hội thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu của mình.

Theo PGS.TS Vũ Đình Hòe, hội nhập là chiếc "chìa khóa" để các ngành kinh tế, trong đó có logistics phát triển. Đối với ngành logistics, hội nhập sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia vào thị trường quốc tế, song cũng tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp ngay tại thị trường trong nước khi mà các doanh nghiệp nước ngoài cũng tham gia đầu tư vào hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam.

Năm 2014, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có bước phát triển rất đáng khích lệ. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chỉ số hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam đạt 3,5/5 điểm, xếp thứ 48 trong bảng xếp hạng chỉ số LPI của thế giới, tăng 5 bậc so với năm 2013.

Hiện tại, cả nước có khoảng 1.300 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực logistics. Tuy nhiên, các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam hiện chỉ đáp ứng được khoảng 1/4 nhu cầu thị trường logistics và mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ cho một số công đoạn của chuỗi dịch vụ rất lớn này. Đây là một “dư địa” còn rất lớn cho ngành công nghiệp logistics của Việt Nam phát triển trong tương lai.

Doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí cao gấp 3 lần!

Theo ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, thời gian qua, doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn gặp phải một số vấn đề bất cập về logistics, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm, gây khó khăn cho việc kinh doanh và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm

Cụ thể, ông Vũ cho biết, vấn đề chính của ngành logistics Việt Nam hiện nay là việc vận hành hệ thống cảng còn chưa hợp lý; có những cảng đang quá tải, trong khi một số cảng chưa khai thác hết tiềm năng.

“Có rất ít các hãng tàu chuyên chở container chạy tuyến quốc tế cập các cảng như Thị Vải, Tân cảng Cái Mép, cảng Phú Mỹ... Chúng tôi phải vận chuyển hàng hóa với tổng quãng đường khoảng 160km; 2 chiều đi và về: đưa container rỗng đến Nhà máy để đóng hàng và chở container hàng từ Nhà máy ra cảng từ khu công nghiệp Phú Mỹ đến cụm cảng Thành phố Hồ Chí Minh để xuất khẩu” – Ông Vũ chia sẻ.

Theo ông Vũ, điều này làm chi phí logistics của công ty tăng lên gấp 3 lần. Cụ thể, nếu xuất hàng tại cụm cảng khu vực Phú Mỹ thì chi phí vận chuyển nội địa chỉ là 1.700.000 VNĐ/cont (24 tấn). Nhưng hiện nay doanh nghiệp phải xuất hàng tại cảng Cát Lái nên tổng chi phí vận chuyển nội địa lên đến 4.250.000 VNĐ/cont (24 tấn).

“Sự bất hợp lý nằm ở chỗ các cảng gần các khu công nghiệp lớn thì các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu tại khu công nghiệp này, trong đó có Tập đoàn Hoa Sen, không thể sử dụng vì hầu như không có tàu container chạy tuyến quốc tế cập các cảng này, do vậy doanh nghiệp phải vận chuyển hàng đến các khu vực cảng ở xa để xuất hàng” – ông Vũ cho biết.

Bên cạnh đó, vào một số thời gian cao điểm của vận chuyển hàng hóa trong năm, các hãng tàu thường đồng loạt tăng mạnh giá cước vận chuyển và các khoản phụ phí như phí bình ổn, phí kẹt cầu cảng, phụ phí xăng dầu, phụ phí biến động giá nhiên liệu, phụ phí biến động tỷ giá ngoại tệ...

Ngoài ra, đối với việc vận chuyển quốc tế, địa bàn hoạt động của tàu container Việt Nam cũng rất hẹp, mới chỉ “loanh quanh” trong khu vực Ðông Nam Á, Trung Quốc..., chưa thực hiện các chuyến đi thẳng. Do đó, với nhu cầu vận chuyển đến các thị trường lớn như châu Mỹ, châu Âu thì đều do các hãng tàu nước ngoài đảm nhận.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam muốn mở rộng đến các thị trường lớn và tiềm năng ở Châu Mỹ, Châu Phi đều bị lệ thuộc vào cước phí và lịch trình của các hãng tàu nước ngoài nên khó có được sự lựa chọn tối ưu.

"Do đó, để có thể tạo được sức cạnh tranh tốt nhất, bên cạnh việc các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng và tạo nội lực mạnh mẽ để tận dụng cơ hội hội nhập thì chúng ta còn cần có giải pháp hợp lý để giảm phí logistics – một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường" - Chủ tịch Tôn Hoa Sen kiến nghị.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên