MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch VCCI “hiến kế” trước Quốc hội về giảm sự lệ thuộc của kinh tế vào Trung Quốc

Trung Quốc chiếm khoảng 10% giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Tuy không phải thị trường nhập khẩu lớn nhất, nhưng Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam.

Sáng nay, trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách 2013 – 2014, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc – Đại biểu tỉnh Thái Bình đã có bài phát biểu, kiến nghị liên quan đến quan hệ thương mại Việt – Trung, làm cách nào để giảm sự lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc. Dưới đây là trích dẫn một phần bài phát biểu của ông Vũ Tiến Lộc:

Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa các hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn nhất trên thế giới trong đó phải kể đến Hiệp định TPP đang đi vào giai đoạn nước rút. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU dự kiến sẽ kết thúc đàm phán vào cuối năm nay. Việc chuẩn bị để đất nước sẵn  sàng đón nhận các cơ hội cũng như vượt qua các thách thức của các hiệp định thương mại tự do được đặt ra ở thời điểm này là cấp bách hơn bao giờ hết.  

Đầu tháng 5 đến nay, Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của nước ta.  Điều này được dự báo nếu không ngăn chặn sẽ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc. Do vậy, ở góc độ kinh tế Việt Nam đang đứng trước những đòi hỏi mới trong việc duy trì ổn định quan hệ thương mại với Trung Quốc; đồng thời tăng cường các biện pháp giảm sự phụ thuộc vào thị trường này. Tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do triển vọng nói trên có thể là cách thức hữu hiệu nhằm đạt được mục tiêu nói trên.

Liên quan đến quá trình đàm phán và thực hiện các hiệp định thương mại tự do, tôi đề nghị  cần có các phương án đàm phán để đạt được kết quả cam kết khả thi nhất trong đó đặc biệt thận trọng đối với các vấn đề có ảnh hưởng đến người lao động, nông dân và sản xuất nông nghiệp, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với dược phẩm, nông  phẩm, lao động, chú trọng bảo lưu các không gian kinh tế để Chính phủ có thể hành động vì lợi ích công cộng hoặc định hướng cơ cấu kinh tế, đảm bảo doanh nghiệp có thể hưởng lợi thực chất từ các cam kết.

Các hiệp định thương mại tự do không chỉ mở ra cơ hội phát triển mà cơ hội cho Việt Nam giảm bớt và thoát khỏi sự lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc để đảm bảo sự phát triển bền vững, cân bằng của nền kinh tế Việt Nam.

Thực tế hiện nay, về nguồn cung ứng đầu vào cho ngành dệt, may, nguyên phụ liệu gần như chúng ta phải nhập đến 50 -60% từ Trung Quốc; có đến 90% hợp đồng EPC trong các dự án Nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thi công nguyên nhân là do vốn, tín dụng và nguồn cung nguyên vật liệu từ Trung Quốc dồi dào, tương đối rẻ so với đối thủ cạnh tranh.

Với các cam kết loại bỏ, hay ít nhất giảm hàng rào thuế quan, rào cản kỹ thuật trong các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có điều kiện nhập khẩu từ Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, ÚC...và các nền kinh tế khác máy móc thiết bị, dịch vụ đầu vào, và cả hàng tiêu dùng giá cả hợp lý hơn phần nào có thể cạnh tranh được với  nguồn cung ứng giá rẻ từ Trung Quốc; đồng thời thu hút được đầu tư công nghiệp bổ trợ giảm nhập khẩu đầu vào cho một số lĩnh vực công nghiệp trọng điểm của Việt Nam.

Về đầu ra của nền kinh tế, theo số liệu chính thức Trung Quốc chiếm khoảng 10% giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Tuy không phải thị trường nhập khẩu lớn nhất, nhưng Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc cũng đang tiêu thụ một lượng gạo không nhỏ và nhiều nông sản khác của Việt Nam. Do đó, thị trường này có ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập của một bộ phận nông dân và những người sản xuất nông nghiệp ở nước ta.

Vẫn biết rằng, giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là rẻ mạt, giá xuất khẩu nhiều mặt hàng chỉ bằng 1/10 giá xuất sang thị trường phương tây, luôn có những rủi ro rình rập nhưng chúng ta vẫn tiếp tục xuất khẩu sang thị trường này. Vì việc xuất khẩu sang các thị trường Âu Mỹ còn nhiều hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật cao và chúng ta chưa có công nghiệp chế biến phát triển, chưa biết cách nào để vượt qua khoảng cách xa xôi, bảo quản dài ngày trên chặng đường vận chuyển chưa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ngặt nghèo của các khách hàng giàu có khó tính này.

Vì vậy, phải đầu tư đủ mức cho các chuỗi giá trị nông sản, các cụm công nghiệp, và thông qua các hiệp định thương mại tự do để tiếp tục đa dạng hóa đầu ra cho các sản phẩm, đặc biệt là nông sản của Việt Nam tại các thị trường khó tính những đầy tiềm năng của thế giới. Đây là yêu cầu sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam cho đến nay chúng ta còn làm chưa tốt, rất cần tìm đầu ra cho các sản phẩm  tránh bỏ tất cả các trứng vào một giỏ.

Nhưng chúng ta phải thừa nhận một thực tế là, chúng ta đang  kinh doanh trong một nền kinh tế thương mại toàn cầu nên mọi doanh nghiệp, mọi nền kinh tế đều có sự ràng buộc, liên hệ chặt chẽ với nhau. Điều này đúng cả với Việt Nam và Trung Quốc.

Trong lúc có nhiều người lo ngại về hành động trả đũa của Trung Quốc đối với Việt Nam khi căng thẳng ở Biển Đông leo thang như đóng cửa biên giới, dừng các hoạt động xuất khẩu với Việt Nam, không ít ý kiến cho rằng Trung Quốc không dễ gì làm được điều đó, ít nhất là từ gốc độ chính thức  và quy mô lớn.

Bởi, hoạt động giao thương với Việt Nam đang là nguồn thu chính của một số tỉnh nghèo bậc nhất của Trung Quốc. Việt Nam cũng là thị trường lớn nhất Đông Nam Á của các nhà thầu Trung Quốc. Nhà đầu tư Trung Quốc đang có những lợi ích lớn nhỏ từ các dự án đầu tư trực tiếp, gián tiếp ở Việt Nam. Tất cả điều này khiến người ta phải suy nghĩ trước khi quyết định bất kỳ biện pháp nào.

Về phía Việt Nam, dù có mở rộng nguồn cung tới đâu, dù có đa dạng hóa mức nào Việt Nam cũng không thể bỏ qua nguồn nguyên liệu phong phú bậc nhất của Trung Quốc, không mua những sản phẩm hợp lý từ công xưởng lớn nhất thế giới, và không bán hàng sang một thị trường lớn nhất lân cận Việt Nam. Gần Trung Quốc là một lợi thế để bứt phá.

Do đó, với các hiệp định thương mại cũ và mới đồng thời các giải pháp giảm sự lệ thuộc của nền kinh tế vào Trung Quốc và chủ động chuẩn bị các phương án ứng phó với những trục trặc bất ổn có thể xảy ra trong quan hệ Việt – Trung. Chúng ta vẫn cần khẳng định rằng, sự lệ thuộc, phụ thuộc lẫn nhau là tất yếu. Việc duy trì bình thường, ổn định quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc là cần thiết vì lợi ích lâu dài của 2 nước. Chúng ta sẽ tiếp tục lên án và kiên quyết đấu tranh yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi vùng chủ quyền lãnh thổ của nước ta. Nhưng chúng ta cũng khẳng định rằng mọi động thái bài xích, kỳ thị, phá hoại hoạt động giao thương giữa 2 bên sẽ là thất sách, sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài  đến lợi ích các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên