MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Chưa thể có cộng đồng kinh tế thuần tuý ASEAN vào năm 2015"

Các nước ASEAN cần phải thực hiện các ưu tiên trong lộ trình AEC và xác định rõ ràng về hội nhập ASEAN

Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu vừa công bố báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng của Việt Nam trước thềm cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 (AEC). Theo báo cáo, 4 mục tiêu mà AEC hướng đến đó là: Khả năng chống đỡ khủng hoảng, hoà nhập, cạnh tranh, hài hoà. 

Theo đó, báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng của Việt Nam trên phương diện tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, thu hút FDI, cạnh tranh, tăng trưởng thương mại, thị trường tài chính, và khí cạnh xã hội. Nhìn chung, Việt Nam đã có những chuẩn bị cơ bản, sẵn sàng cho AEC, nhưng còn phải xử lý những khó khăn, bất cập cũng không nhỏ….

Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các biện pháp AEC.

Đối với trụ cột về Một thị trường và một cơ sở sản xuất chung, Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trên các phương diện quản trị và công bằng, tham gia vào cộng đồng thương mại, quy trình rà soát, thủ tục, dù chưa thực sự hiệu quả với phí và lệ phí, hợp tác cơ quan biên giới.

Đối với trụ cột về Khu vực kinh tế cạnh tranh: Việt Nam đã tích cực trong việc sửa đổi và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng thúc đẩy một khu vực kinh tế cạnh tranh cũng như ký kết và tích cực tham gia các thoả thuận trong ASEAN.

Tru cột phát triển kinh tế công bằng được thực hiện thông qua thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ- và sáng kiến hội nhập ASEAN. 

Trụ cột hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đang hướng đến những sân chơi có chất lượng cam kết cao hơn như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP)…

Báo cáo đánh giá, quá trình thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) của Việt Nam vẫn phải đối đầu với nhiều khó khăn. Những khó khăn này xuất phát từ những bất cập trong hệ thống thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. 

Triển vọng hội nhập AEC cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi bối cảnh khu vực còn đan xen cạnh tranh, hợp tác và tranh chấp, rủi ro bẫy thu nhập trung bình, cũng như sự nổi lên của một số sản xuất lớn như Trung Quốc, Ấn Độ.

Việc xây dựng một cộng đồng kinh tế thuần tuý ở khu vực hầu như chưa thể đạt được trong năm 2015- khi mà thời gian còn lại còn khá hẹp. Dù vậy. ASEAN có thể gây dựng và củng cố cảm nhận, ý thức chung về một cộng đồng khu vực. 

Theo đó, các nước ASEAN cần phải thực hiện các ưu tiên trong lộ trình AEC và xác định rõ ràng về hội nhập ASEAN, đồng thời cần hoàn thiện cơ chế giám sát, thúc đẩy thực thi tăng cường hệ thống định chế thực thi. Bên cạnh đó, một số nước ASEAN cần phải xây dựng các chính sách kinh tế vĩ mô, hữu hiệu, an toàn, trên cơ sở hợp tác, chia sẻ thông tin.

ASEAN cũng cần xây dựng và thông qua chương trình hành động sau năm 2015 nhằm tiếp tục củng cố AEC thông qua các cam kết hành động minh bạch, hiệu quả.

Về phía Việt Nam, báo cáo nêu Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả các cam kết của mình, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện khả năng cạnh tranh, nâng cao năng lực thể chế và doanh nghiệp để tận dụng các cơ hội và ứng phó với khủng hoảng, bảo đảm sự tham gia sâu rộng của nhiều tầng lớp dân cư. 

Bên cạnh đó, Việt Nam phải tăng cường cải cách môi truờng kinh doanh- đầu tư, chất lượng hạ tầng, nguồn nhân lực cùng với khuôn khổ pháp lý thông suốt là bước đi căn bản, không thể thiếu để Việt Nam có thể tham gia hiệu quả vào sân chơi chung trong khu vực.


Hướng Dương

bachhue

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên