MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chưa vội mừng với xuất siêu

Xuất siêu đã trở lại trong tháng đầu của năm 2016, nhưng nỗi lo nhập siêu không hẳn vì thế mà giảm đi.

Trong tháng 1/2016, cán cân xuất nhập khẩu của Việt Nam đã bất ngờ nghiêng về hướng xuất siêu , với tổng giá trị thặng dư thương mại đạt 765 triệu USD, theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan. Đây là mức thặng dư thương mại lớn nhất được ghi nhận trong một năm qua, và số liệu này cũng trái với ước tính thâm hụt thương mại khoảng 200 triệu USD được Tổng cục Thống kê đưa ra hồi cuối tháng 1.


Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam qua các năm

Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam qua các năm

DN FDI chiếm tới 2/3 giá trị xuất khẩu

Kết quả trên có được khi nhập khẩu giảm trong khi xuất khẩu gần như không thay đổi. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 1 đạt hơn 13,36 tỷ USD, chỉ giảm 1% so với cách đó một năm. Nhưng điểm mấu chốt dẫn đến xuất siêu là do hoạt động nhập khẩu đã giảm 10,7% trong tháng 1, chỉ đạt gần 12,6 tỷ USD.

Các DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của cả nước. Cụ thể trong tháng qua, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 9,04 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu đạt 7,18 tỷ USD, giảm 13%. Như vậy, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đang chiếm tới 2/3 giá trị xuất khẩu và hơn một nửa kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Nếu đúng là Việt Nam đã xuất siêu 765 triệu USD trong tháng 1 thì đó sẽ là một tin vui cho nền kinh tế. Cuối tuần trước, Tổng Cục Hải quan cũng đã ra thông báo cho thấy trong 15 ngày đầu tháng 2, xuất siêu tiếp tục được kéo dài với tổng giá trị thặng dư khoảng 700 triệu USD. Nhưng liệu đây có phải là bước khởi đầu cho một xu hướng tốt đẹp của cán cân thương mại cả năm 2016 hay không thì lại chưa có gì chắc chắn. Sau ba năm liên tiếp xuất siêu, năm ngoái nền kinh tế đã phải chịu mức nhập siêu khoảng 3,2 tỷ USD.

Cần thay thế các mặt hàng nguyên vật liệu nhập khẩu bằng sản phẩm trong nước.

Lo nhập siêu trở lại

Đã có nhiều dự báo cho thấy, nhập siêu năm 2016 sẽ cao hơn năm 2015, do các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam để tận dụng những lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do mang lại. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong bản báo cáo được công bố cuối tháng 1 cũng nhận định nhập khẩu sẽ tăng mạnh tỷ lệ thuận với vốn giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài, vì lượng nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ cho quá trình đầu tư và cả nguyên vật liệu phục vụ sản xuất sẽ tăng mạnh.

Chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh -nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi nhận định về kinh tế 2016 cũng tỏ ra lo lắng với tình trạng nhập siêu cao quay trở lại. Theo ông Sinh, tăng trưởng xuất khẩu đang có xu hướng giảm dần, năm 2015 chỉ tăng 8,1% sau nhiều năm tăng trưởng ở mức hai con số. Điều này là do thị trường thế giới vẫn đang có nhiều bất ổn dẫn đến nhu cầu nhập khẩu của các nước giảm, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng trong nước lại tăng mạnh kéo theo nhu cầu nhập khẩu tăng lên.

Nỗi lo về nhập siêu trong năm 2016 cũng khiến Chính phủ đầu năm nay phải yêu cầu Bộ Công thương tìm cách ứng phó với tình trạng thâm hụt thương mại này. Cụ thể là tăng cường các biện pháp xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường nhập khẩu. Như vậy có thể thấy Chính phủ cũng đã chuẩn bị sẵn để đối phó với tình trạng nhập siêu trong năm nay.

Quay trở lại với con số thặng dư thương mại của hơn một tháng đầu năm, có thể lý giải rằng đây là thời điểm gần với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cũng bị chững lại. Vì vậy, hoạt động nhập khẩu thiết bị máy móc và nguyên vật liệu cũng bị chậm lại so với các khoảng thời gian khác. Nhưng sang đến các tháng sắp tới, hoạt động sản xuất sẽ quay trở lại bình thường và nhu cầu nhập khẩu sẽ lại tăng cao.

Thực tế, trong khi nền sản xuất vẫn còn đang phụ thuộc rất nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu như hiện nay, nhập siêu có thể lại được coi là tín hiệu mừng cho thấy sự hồi phục của ngành sản xuất. Nhưng về lâu dài, vấn đề nhập siêu vẫn không thể lơ là và cần phải giải quyết triệt để bằng cách thay thế các mặt hàng nguyên vật liệu nhập khẩu bằng sản phẩm trong nước.

Theo Bảo Trâm

Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Trở lên trên