MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn: “CPI sẽ ở trạng thái yếu ớt”

Đây là nhận định của ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới dự báo kết quả chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong thời gian tới đây.

Cầu quốc gia đang giảm

Công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2014, Tổng cục Thống kê cho biết CPI cả nước đã giảm 0,27%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tổng hợp có 4 nhóm chỉ số giá CPI giảm, gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,03%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,74%; giao thông giảm 2,75%; bưu chính viễn thông giảm 0,02%. 

Dẫn số liệu hàng tồn kho tăng lên 10,9% trong tháng 10, chỉ số phát triển công nghiệp tăng 6,7% so với tháng 9, mức độ tăng chậm hơn cùng với chỉ số CPI tháng 11 vừa được công bố, ông Sơn cho rằng cầu tiêu dùng quốc gia đang giảm mạnh. 

Theo ông Sơn, Việt Nam đã từng chủ trương kìm lạm phát vào đầu năm 2014 ở mức 5%. Tuy nhiên đến thời điểm này mới được hơn 2% có nghĩa thấp hơn mục tiêu dự định, điều đó cho thấy sự sụt giảm trong cầu của nền kinh tế cũng như sự nhấn chìm của giá xăng dầu đã làm CPI giảm mạnh. 

"Lo ngại không ở phía giảm giá xăng dầu vì giá xăng dầu giảm bất luận như thế nào cũng có lợi do mang lại chi phí thấp cho nền kinh tế. Khi cầu yếu ớt, chi phí năng lượng tăng càng làm yếu phía cung", ông Sơn cho biết. 

Dự báo về chỉ số CPI thời gian tới đây, theo ông Sơn, giá xăng dầu sẽ không thể tăng, thậm chí còn tiếp tục giảm, trong khi tốc độ phát triển công nghiệp vẫn yếu và chưa có dấu hiệu đột phá nên chỉ số CPI vẫn ở trạng thái yếu ớt. 

Đồng quan điểm, TS. Phạm Tất Thắng, chuyên viên kinh tế cao cấp Bộ Công thương cũng cho rằng CPI sẽ không có biến động nhiều trong tháng 12 do sự giảm sâu của giá xăng, giá gas và cước vận tải. Nếu tăng chỉ tăng ở mức nhẹ và cả năm sẽ ở mức tăng khoảng 2,5-3%.

Bất động sản vẫn bế tắc

Một điểm đáng lưu khác trong 4 nhóm CPI giảm, đứng thứ 2 sau giao thông chịu tác động mạnh từ giá xăng dầu, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,74% so với tháng 10/2014 và giảm 0,96% so với cuối năm 2013.

Nhận định về con số trên ông Bùi Ngọc Sơn cho biết, khoảng tháng 9 giá bất động sản đã nhích lên dưới tác động của những gói tín dụng được đưa ra từ thời điểm trước đó. Cùng với việc hạ giảm lãi suất, người dân có xu hướng chuyển tiền vào bất động sản nên bất động sản được mua đi bán lại nhiều hơn. 

"Tuy nhiên, CPI tháng 11, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm mạnh chỉ sau nhóm giao thông cho thấy thị trường bất động sản vẫn đang trong bế tắc", ông Sơn nhận định. 

Ông Sơn cho rằng, đã có thời điểm nguồn tiền chuyển dịch từ việc gửi ngân hàng sang bất động sản mặc dù biết giá bất động sản sẽ khó tăng, chính vì vậy có khuynh hướng nhà mua cho thuê tăng nhưng nay người thuê cũng hạn chế vì tại các thành phố lớn nhiều lao động phải chuyển dịch dần về quê, các tỉnh lẻ...

"Những dấu hiệu từ thị trường bất động sản cho thấy sang năm thị trường có thể còn căng thẳng hơn do giá cả vẫn ở mức cao so với thu nhập, cầu thực ở mức độ rất thấp. Đang có những dấu hiệu luẩn quẩn về mặt kinh tế", ông Sơn khẳng định. 

Về vấn đề này, TS. Phạm Tất Thắng cũng cho biết, bất động sản thời gian vừa qua được dự báo nóng dần lên nhưng trên thực tế vẫn rất ảm đạm và ế ẩm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường vật liệu xây dựng và các ngành nghề có liên quan.

>>>CPI giảm: Mừng hay lo?

Theo Nguyễn Thảo

huongtt

Diễn đàn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên