Chuyển giá FDI: Tẩy chay doanh nghiệp chuyển giá
Với các doanh nghiệp FDI thực hiện hành vi chuyển giá, trốn thuế tại Việt Nam, người tiêu dùng có thể tẩy chay, lựa chọn sản phẩm khác thay thế.
- 18-04-2014Chuyển giá FDI: Việt Nam vừa thất thu, vừa thành bãi rác...
- 17-04-2014Chúng ta ưu đãi quá nhiều
- 17-04-2014Chuyển giá FDI: Quản lý yếu hay có động cơ?
PGS TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng bộ môn Viện Kế toán Kiểm toán, Đại học Kinh tế quốc dân nêu quan điểm trước tình trạng các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam thời gian vừa qua đã thực hiện nhiều chiêu trò chuyển giá, trốn thuế làm thất thu ngân sách nhà nước, tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp chấp hành tốt nghĩa vụ về thuế và doanh nghiệp không chấp hành tốt nghĩa vụ về thuế.
Thất thu ngân sách nhà nước
PV:- Qua tổng hợp số liệu của hơn 300 nghìn doanh nghiệp nộp tờ khai tạm tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013, cho thấy doanh nghiệp FDI lỗ 68.203 tỷ đồng, đồng thời trong việc tăng lỗ, doanh nghiệp FDI cũng có tỷ lệ tăng cao nhất là 37,6%. Theo đánh giá của thanh tra Tổng cục Thuế, số tiền truy thu chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp FDI, chiếm 40% tổng số thu, kết quả thanh tra 870 DN FDI có tới 720 DN vi phạm trốn thuế.
Xin bà cho biết, bình luận của mình về những con số nêu trên, theo bà mức độ nghiêm trọng tình trạng chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp FDI như thế nào?
PGS TS Nguyễn Thị Phương Hoa:- Tỷ lệ các doanh nghiệp được thanh tra có vi phạm trốn thuế lên đến gần 83% là tỷ lệ cao, kê khai lỗ của các doanh nghiệp FDI cũng là mức độ lớn và số tiền truy thu chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp FDI có thể thấy mức độ sai phạm liên quan đến việc chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp FDI rất đáng kể, không còn là những trường hợp vi phạm lẻ tẻ, đây đó nữa.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý hoạt động chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI chỉ xuất hiện trong các doanh nghiệp FDI là thành viên của các công ty xuyên quốc gia (TNCs) còn các doanh nghiệp FDI đơn lẻ không có hoạt động chuyển giá.
Doanh nghiệp FDI có 2 nhóm là doanh nghiệp FDI là thành viên của các công ty xuyên quốc gia ví dụ Cocacola, Adidas, P&G… nhóm 2 là doanh nghiệp FDI đơn lẻ được đầu tư bởi các nhà đầu tư nước ngoài bằng tiền cá nhân của họ, họ có tiền và họ đầu tư vào Việt Nam để tìm kiếm lợi nhuận. Với nhóm FDI thứ 2, hoạt động chuyển giá không xuất hiện vì chuyển giá được thực hiện giữa các bên có quan hệ liên kết cụ thể như các doanh nghiệp FDI là thành viên trong cùng một TNC.
PGS TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng bộ môn Viện Kế toán Kiểm toán, Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: Tâm An |
PV:-Theo thống kê trước đó, các doanh nghiệp "lập kỷ lục" trong việc báo lỗ từ trước đến nay có thể kể đến là: Cocacola, Adidas, Metro, Keangnam Vina, Hualon Corporation, Nestlé…Trong đó, Cty Hualon Corporation, 100% vốn từ Malaysia, Đài Loan-British Virgin Island đã thổi giá mua tài sản cố định là đống dây chuyền “phế thải” từ 400 nghìn USD lên 16 triệu USD, đồng thời đơn vị này cũng khai lỗ trong suốt 20 năm hoạt động.
Như vậy, có thể đánh giá khả năng kiểm định của các cơ quan quản lý liên quan đến vấn đề này còn nhiều hạn chế không, Việt Nam đã 2 lần chịu thiệt là vừa phải ưu đãi thuế cùng lúc trở thành nơi doanh nghiệp FDI đưa dây chuyền lạc hậu vào sản xuất ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của công nhân? Điều này, ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?
PGS TS Nguyễn Thị Phương Hoa:- Hoạt động chuyển giá có thể có tác động tiêu cực đến nền kinh tế vĩ mô như gây thất thu ngân sách nhà nước, tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp chấp hành tốt nghĩa vụ về thuế và doanh nghiệp không chấp hành tốt nghĩa vụ về thuế, gia tăng giá trị nhập khẩu và gia tăng giá trị nhập siêu gây mất cân bằng giữa cán cân thương mại và cán cân thanh toán, từ đó gia tăng áp lực giảm giá đối với đồng tiền nội. Vì thế sự kiểm soát vĩ mô với hoạt động chuyển giá là rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập.
Cụ thể, chuyển giá được thực hiện ở giá trị giao dịch giữa các bên quan hệ liên kết với nhau, họ dễ dàng thỏa thuận một mức giá rất cao hoặc rất thấp để đạt được mục đích chung của toàn bộ tập đoàn hoặc toàn bộ hệ thống. Doanh nghiệp chuyển giá khai tăng giá trị nhập khẩu từ công ty mẹ hoặc khai giảm giá bán cho công ty mẹ và vì thế họ phản ánh lỗ trên báo cáo tài chính và không nộp thuế.
Trong khi đó các doanh nghiệp khác gồm các doanh nghiệp FDI đơn lẻ hoặc các doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện hoạt động chuyển giá vì vậy trên báo cáo tài chính của họ thông tin kết quả kinh doanh của họ là đúng đắn và thực hiện nộp thuế trên cơ sở kết quả kinh doanh của họ.
Về hậu quả làm gia tăng giá trị nhập khẩu và gia tăng giá trị nhập siêu gây mất cân bằng cán cân thương mại và cán cân thanh toán: như trong trường hợp tài sản cố định của doanh nghiệp chuyển giá từ 400 nghìn USD được khai lên 16 triệu USD, tức là giá trị nhập khẩu theo tiền USD là 16 triệu USD sẽ được sử dụng để thanh toán thay vì 400 nghìn USD nên làm giá trị nhập khẩu tăng lên.
Khi giá trị nhập khẩu gia tăng thì đòi hỏi các doanh nghiệp cần có nhiều ngoại tệ hơn cho hoạt động thanh toán và khi doanh nghiệp có nhu cầu mua ngoại tệ nhiều hơn, ngoại tệ đi ra khỏi quốc gia nhiều hơn thì áp lực giảm giá đối với đồng nội tệ sẽ gia tăng.
Vấn đề kiểm soát vĩ mô với hoạt động chuyển giá đều được thực hiện bởi nhiều Chính phủ trên thế giới như Mỹ, các nước EU, Nhật Bản… và vì tính chất cũng như loại hình hoạt động chuyển giá ngày càng phức tạp nên kiểm soát hoạt động chuyển giá cũng không ngừng được tăng cường và hoàn thiện; các quy định pháp lý và chế tài xử phạt cũng được chính phủ của nhiều nước trên thế giới nghiên cứu ban hành đầy đủ, chi tiết.
Tổng Cục Thuế cũng đã ký các quy chế về trao đổi thông tin với các cơ quan thuế của nhiều quốc gia như Mỹ, EU… thông qua các hoạt động song phương như vậy sẽ tìm ra cơ chế về việc trao đổi thông tin và sẽ là nguồn thông tin để cơ quan thuế, thanh tra thuế có thông tin để đánh giá đối với các giao dịch có dấu hiệu chuyển giá.
Đánh giá tác động của chuyển giá cần sự phối hợp của các cơ quan nhà nước có chức năng như Tổng Cục Thuế, Ngân hàng nhà nước, Tổng Cục Hải quan.
Tẩy chay doanh nghiệp FDI chuyển giá
PV:-Theo bà, việc phát hiện hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp FDI sẽ gặp những khó khăn gì?
PGS TS Nguyễn Thị Phương Hoa: -Hoạt động chuyển giá xét về bản chất là hành vi gian lận để trốn thuế và đạt được mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp, nó đã được che đậy, được hợp lý hóa và rất khó phát hiện và thu thập bằng chứng để quy kết. Chính vì vậy, trách nhiệm của thanh tra kiểm tra, kiểm toán đối với các giao dịch này là phải thu thập đủ bằng chứng có hiệu lực để có thể quy kết hành vi chuyển giá.
Khó khăn lớn nhất theo tôi chính là việc thu thập thông tin, bằng chứng có cơ sở và thuyết phục làm căn cứ tham chiếu đánh giá giá giao dịch . Ví dụ, Cocacola nếu họ nói rằng giá mua nguyên vật liệu cao vì nguyên vật liệu có tính chất đặc thù nhưng nếu ta cảm thấy giá giao dịch mua nguyên vật liệu cao, muốn kết luận nó cao chúng ta phải có thông tin, căn cứ và giá tham chiếu để đánh giá; họ nói giá nguyên liệu có tính chất đặc thù nên giá của nó có sự khác biệt.
Chính vì vậy giá tìm thấy trên thị trường hoặc từ các nguồn nhiều khi họ lại phủ quyết cho rằng giá này không phù hợp.
PV:- Liên quan đến các chế tài xử phạt, theo nhiều chuyên gia, chế tài xử phạt về chuyển giá cần nặng hơn, thay vì chỉ phạt như hành vi kê khai sai thuế hiện nay, bà có đồng tình với quan điểm này không? Theo bà, biện pháp đưa ra nhằm hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp FDI là gì?
PGS TS Nguyễn Thị Phương Hoa:- Có nhiều biện pháp chúng ta có thể nghiên cứu triển khai. Thứ nhất là tăng cường các chế tài xử phạt đối với hành vi chuyển giá để trốn thuế. Nguyên tắc là mức phạt phải lớn hơn lợi ích doanh nghiệp có được do vi phạm. Theo kinh nghiệm của Mỹ, họ có rất nhiều mức phạt khác nhau đối với các loại vi phạm khác nhau liên quan đến hoạt động chuyển giá.
Ví dụ họ quy định phạt đối với trách nhiệm khai báo gồm phạt lần đầu ở mức độ 10.000 USD nếu doanh nghiệp không cung cấp thông tin lợi nhuận theo quy định hoặc doanh nghiêp không duy trì các tài liệu cần thiết, phạt bổ sung mức độ 10.000 USD nếu việc không khai báo kéo dài đến thời hạn 90 ngày và ngoài ra còn có thể áp dụng hình thức phạt theo mức độ vi phạm của hành vi trốn thuế theo tỷ lệ 20% hoặc 40% tùy mức độ của hành vi vi phạm.
Mức phạt 20% sẽ được áp dụng đối với hành vi vi phạm khi giá chuyển giao sai đến 2 lần giá trị thực hoặc 1 nửa giá trị thực còn mức phạt 40% được áp dụng khi giá chuyển giao tăng gấp 4lần giá trị thực, tiền phạt không được khấu trừ vào chi phí mà phải trích ra từ lợi nhuận.
Thứ 2, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế, mở rộng phạm vi thanh kiểm tra đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá và trốn thuế.
Thứ 3, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của kiểm toán viên khi thực hiện việc kiểm toán. Hiện nay, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp FDI đều được kiểm toán bởi các doanh nghiệp kiểm toán độc lập và nếu như kiểm toán viên khi kiểm toán thấy rằng các giao dịch có dấu hiệu của chuyển giá thì kiểm toán viên cần thực hiện nhiều hơn các biện pháp kiểm toán ngoài chứng từ để thu thập nhiều hơn các bằng chứng kiểm toán để quy kết về giá trị giao dịch. Trường hợp kiểm toán viên thấy việc thu thập bằng chứng để xác minh là không thể thì khi đó cần đưa ra ý kiến ngoại trừ.
Thanh tra đối với hành vi chuyển giá cần sự phối hợp của các cơ quan thuế ở các nước có liên quan nên cuộc thanh tra sẽ mang tính chất đặc thù là thanh tra quốc tế và mang màu sắc của nền kinh tế hội nhập, khung thời gian nên tùy thuộc vào tính chất của từng sự việc.
Thanh tra chuyển giá của doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam với công ty mẹ ở nước ngoài thì có thể cần phải phối hợp với cơ quan thuế của công ty mẹ để trao đổi thông tin, dùng phương pháp giá so sánh không kiểm soát. Ví dụ, kiểm toán giá giao dịch của Cocacola có hợp lý hay không phải có giá tham chiếu phù hợp, tìm giá nguyên liệu giống như vậy để đánh giá. Hoặc có thể Nhìn vào hệ thống Cocacola nếu nguyên vật liệu cũng được bán ở các nước khác và bán cho các đơn vị ngoài hệ thống có thể sử dụng giá bán này làm giá tham chiếu nên cần sự phối hợp của các cơ quan thuế ở nhiều nước liên quan.
Ngoài ra, việc tăng cường vai trò của truyền thông cũng là biện pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp FDI. Có thể thấy ví dụ thực tiễn của Starbuck tại Anh. Công ty Starbucks khi thực hiện việc chuyển giá, trốn thuế với mức độ lớn, khi được công bố rộng rãi cho công chúng người dân Anh đã rất bất bình và tẩy chay Starbucks.
Sau đó giám đốc công ty đã phải tính toán lại và cam kết nộp thuế bổ sung. Khi người dân hiểu rõ hành động sai trái của các doanh nghiệp họ sẽ thay đổi hành vi tiêu dùng, không mua sản phẩm của doanh nghiệp từ đó tạo nên áp lực lớn đối với doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế. Mục tiêu của doanh nghiệp là đạt được lợi nhuận thông qua bán được sản phẩm, hàng hoá; do đó sự quay lưng của người tiêu dùng đối với sản phẩm của doanh nghiệp sẽ khiến mục tiêu của doanh nghiệp không đạt được và là điều doanh nghiệp thực sự lo lắng.
Trường hợp có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế của Cocacola tại Việt Nam, chúng ta có nhiều dòng nước giải khát của Việt Nam, nước ngoài như Pepsi nếu Cocacola thực hiện hành vi trốn thuế, chuyển giá người tiêu dùng vẫn có nhiều cơ hội để sử dụng các sản phẩm của các doanh nghiệp khác.
Người tiêu dùng thấy doanh nghiệp FDI kinh doanh không lành mạnh, không đúng đắn thì người ta sẽ đánh giá tích cực hơn về các doanh nghiệp Việt Nam và quyết định lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp đó mặc dù mẫu mã hay hình thức của sản phẩm có thể chưa hấp dẫn bằng.
PV:- Một trường hợp khác như Samsung, khi đầu tư vào Việt Nam đã được hưởng nhiều ưu đãi về thuế nhập khẩu công nghệ, cơ sở hạ tầng thuận lợi, nhân công giá rẻ, thuế thu nhập doanh nghiệp… trong khi các doanh nghiệp nội hầu như không có, các doanh nghiệp nội cũng phải chịu thuế theo biểu mẫu.
Mặc dù việc thu hút đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty lớn là cần thiết nhưng phải chăng nên có sự công bằng để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nội? Lo ngại về việc doanh nghiệp nội “chết” vì các doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở hay không, thưa bà?
PGS TS Nguyễn Thị Phương Hoa: -Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 29/8/2013 của Chính Phủ quy địnhthực hiện ưu đãi đầu tư có chọn lọc đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể không còn ưu đãi đối với dự án đầu tư mở rộng; chỉ thực hiện ưu đãi khi đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, các doanh nghiệp thực hiện nhiều chuyển giao công nghệ, tạo ra giá trị gia tăng cao...
Tôi cho rằng chủ trương đó là rất phù hợp, doanh nghiệp FDI thực hiện chuyển giao công nghệ cao hay doanh nghiệp FDI đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn không tạo sự cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Theo Tâm An