MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có nên lạc quan thái quá với TPP?

Chính dòng vốn ra vào sẽ làm tăng các bất ổn vĩ mô và khi các bất ổn vĩ mô nổi lên đi kèm với các yếu kém sẵn có của nền kinh tế, đặc biệt là tính mong manh dễ đổ vỡ của hệ thống tài chính sẽ tạo nên nguy cơ sụp đổ như những gì đã diễn ra sau WTO.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn
Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright
9 bài viết

Mặc dù thông tin kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm trên cả hai sàn, khi đạt mức thanh khoản “hiếm thấy” với 3.200 tỉ đồng theo đánh giá của ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Chuyên gia đến từ Chương trình giảng dạy Fulbright, giúp cho nhiều nhà đầu tư “nhanh nhạy” đón đầu TPP khi mua vào những cổ phiếu ngành dệt may.

Tuy nhiên, nhìn ở phương diện hoạch định chính sách, ông Tuấn cho rằng có hai bài học quan trọng khi Việt Nam gia nhập WTO vẫn chưa được học thuộc, đó là: Cải cách thể chế và quản lý vĩ mô.

Thách thức quản lý dòng vốn

Phân tích cụ thể, ông Tuấn cho rằng khi hội nhập nền kinh tế, các hàng rào thuế quan bị bãi bỏ, các DN trong nước sẽ dần thu hẹp quy mô, giảm thị phần, hoặc thậm chí là phải bán mình cho nước ngoài, hay phá sản. Chưa kể, khi các hàng rào thuế quan bị bãi bỏ thì nhiều hàng rào kỹ thuật khác lại dựng lên, được xem là rào cản kỹ thuật chính đối với các DN.

“Khi các DN nội địa phá sản sẽ tác động tiêu cực đến tính tự chủ của nền kinh tế cũng như những thách thức khác về mặt xã hội. Lo ngại này là hoàn toàn đúng song cần phải nhớ rằng quá trình này không phải diễn ra một sớm một chiều mà ít nhất phải mất vài năm để quá trình cạnh tranh diễn ra đến khi DN phải thu hẹp quy mô đến mức phá sản”, ông Tuấn nhận định .

Đặc biệt, ông Tuấn nhấn mạnh đến thách thức quản lý dòng vốn/tài khoản vốn khi hội nhập. Đặt trong mối tương quan giữa cán cân vãng lai với cán cân vốn và tài chính, những dòng chu chuyển thương mại luôn luôn có quan hệ gắn kết chặt chẽ với những dòng chu chuyển vốn.

Ông Tuấn nói: “Khi hội nhập thì những dòng chu chuyển hàng hòa và dịch vụ sẽ tăng lên và đi kèm với đó là dòng vốn cũng có tính lưu động rất cao. Khi đó thách thức đặt ra cho những nhà quản lý là phải quản lý được tính động của dòng vốn đó”.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Tuấn thì chính dòng vốn ra vào sẽ làm tăng các bất ổn vĩ mô và khi các bất ổn vĩ mô nổi lênm đi kèm với các yếu kém sẵn có của nền kinh tế, đặc biệt là sự mong manh dễ đổ vỡ của hệ thống tài chính, thì sụp đổ là điều khó tránh khỏi như những gì chúng ta đã chứng kiến sau WTO.

Không nên lạc quan thái quá?

Để làm rõ hơn quan điểm này, ông Tuấn cho rằng dòng vốn đổ vào trong thời kỳ bùng nổ thường là dòng vốn ngắn hạn, vốn nóng, không đi vào khu vực sản xuất mà chủ yếu chảy vào khu vực đầu cơ có mức sinh lời cao và nhanh, nhưng sau đó lại rút đi chóng vánh.

Trong khi đó, sự dịch chuyển của dòng vốn luôn tạo sức ép lên tỷ giá, trong bối cảnh Việt Nam neo tỷ giá, nhưng lại cần một chính sách tiền tệ độc lập để đối phó với lạm phát trong nước. Ông Tuấn cho rằng, đây là tình huống đặt ra nhiều thách thức trong quản lý nền kinh tế mở với mọi quốc gia.

Do đó, với sự kỳ vọng lạc quan thái quá của người dân và nền kinh tế, giúp sức cầu tăng lên, ông Tuấn cho đây là một "kẻ giết người ẩn danh" khi đã "xúi giục" người dân và DN tăng cường chi tiêu và vay nợ. Thị trường bất động sản và chứng khoán cũng bắt đầu nổi bong bóng do sự hào hứng quá mức của nhà đầu tư về triển vọng kinh tế Việt Nam.

Trong khi đó, khu vực sản xuất thực của nền kinh tế cũng bị suy giảm sức sản xuất do nhiều DN có thể không tập trung vào ngành chính mà chuyển sang kinh doanh bất động sản và chứng khoán. Dẫn đến, cái kết của bong bóng giá tài sản, trước sức ép lạm phát phi mã, ngân hàng nhà nước buộc phải thắt chặt mạnh chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế.

“Khi thắt chặt chính sách tiền tệ, một lượng tiền đổ vào các thị trường này bắt đầu bị chững lại, trong khi lãi suất lên cao làm cho những nhà đầu tư nặng nợ, tức đòn bẩy nợ cao, bắt đầu ngấm đòn chi phí tài chính. Thu nhập từ khoản đầu tư không còn đủ để thanh toán nợ buộc họ phải bán bớt tài sản để trả nợ”, ông Tuấn lo ngại.

Việc phải bán bớt tài sản để được ông Tuấn nhận định là làm cho việc trả nợ thêm khó khăn. Dẫn đến, các DN do bỏ bê ngành sản xuất chính nay khó có thể quay trở lại. Chính điều này đã làm suy yếu sức sản xuất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế chứ không phải DN chúng ta đều kém cạnh tranh.

Những thách thức từ hội nhập do nền tảng cạnh tranh của nền kinh tế yếu là có, nhưng những thách thức về mặt quản lý dòng vốn, quản lý tổng cầu, quản lý những bất ổn vĩ mô là không thể xem nhẹ theo khuyến nghị của ông Tuấn.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên