MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phần hóa không giám sát: Đã có chuyện mất vốn Nhà nước

Tái cấu trúc kiểu chăm chăm cổ phần hóa mà không giám sát chặt sẽ là cơ hội vàng cho tiêu cực và nguy cơ mất vốn lại đe dọa

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đã chia sẻ như vậy khi phân tích về câu chuyện tái cấu trúc được bàn đến suốt thời gian qua nhưng dường như mọi việc chưa có nhiều biến chuyển sau hàng loạt động thái thúc đẩy của Thủ tướng.

PV: - Thưa ông câu chuyện tái cấu trúc như ông đã từng nói “tái mãi mà không chín” và từ đó đến nay cũng đã hơn hai năm và sau mấy kỳ Diễn đàn kinh tế chúng ta vẫn nhắc điệp khúc về sự chậm trễ của việc tái cấu trúc. Theo ông khúc mắc nằm ở đâu?.

TS Lê Đăng Doanh: - Từ đó đến nay có vẻ như là việc tái cấu trúc không có tiến triển gì lớn tuy rằng có những biểu hiện về sự nỗ lực để có thể thúc đẩy cổ phần hóa, cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách ngân hàng.

Về khúc mắc của việc chậm trễ ngoài những lý do mà các nhà chuyên môn, nhà quản lý đã phân tích thì tôi vẫn muốn nhắc lại câu chuyện lợi ích nhóm ở đây.

Ví dụ việc thoái vốn ngân hàng thì diễn ra rất chậm. Việc này thể hiện các doanh nghiệp nhà nước có vốn ở trong các ngân hàng này cho nên họ không hăng hái thoái vốn. Chúng ta phải hiểu các tình tiết ở sau đó để xem nhà nước sẽ phải có những biện pháp xử lý tiếp theo như thế nào.

Tôi thì không nghĩ kịch bản Vinashin sẽ lặp lại, song nếu công cuộc này kéo dài thì nền kinh tế cũng sẽ gặp khó khăn và không bứt lên được.

PV: - Điều dễ thấy quá trình tái cơ cấu thời gian gần đây được đẩy mạnh nhưng vẫn chỉ tập trung vào cổ phần hóa với nhiều chính sách thúc đẩy mà cơ bản nhất là cho thoái vốn ngoài ngành, tính tài sản dưới giá... Ông có thể lý giải sao lại tập trung vào khâu này? Theo ông nếu chỉ chăm chăm cổ phần hóa thì sẽ được cái gì, hiệu quả với việc tái cơ cấu tới đâu?

TS Lê Đăng Doanh: - Sở dĩ tập trung nhiều ở khâu này như vậy bởi vì nếu cổ phần hóa thành công thì sẽ thu hút được nhiều vốn ở bên ngoài vào. Khi đó Nhà nước thu hút nguồn vốn xã hội và nâng cao chất lượng, hiệu quả của DNNN bằng cách áp dụng hệ thống quản trị DN hiện đại và nguồn nhân lực ưu tú mới.

Kinh nghiệm cho thấy, thu hút cổ đông chiến lược là một khâu rất quan trọng cho thành công của quá trình cổ phần hóa. Cổ đông chiến lược là những DN lớn, có uy tín, có tiềm lực tài chính, có công nghệ, thị trường, sẵn sàng đầu tư một tỷ lệ vốn đáng kể để có mặt trong HĐQT của công ty cổ phần tương lai. Sự có mặt của họ sẽ đem lại những cải thiện lớn về quản trị, về chiến lược của DN, vị thế của DN trên thị trường sau khi được cổ phần hóa. 

Nếu như chúng ta cổ phần hóa đủ mạnh thì lúc đó có thể sẽ đổi mới được quản trị doanh nghiệp. Thậm chí sẽ có nhà đầu tư nước ngoài ngồi trong hội đồng quản trị, họ sẽ yêu cầu công khai minh bạch hơn.

Tuy nhiên nếu chúng ta làm không đủ mạnh thì vẫn là những ông doanh nghiệp cũ ngồi đó mà không có thay đổi gì cả.

Nếu như vậy thì việc tái cơ cấu cũng chỉ dừng lại ở việc thu hút thêm vài đồng vốn cho doanh nghiệp vượt qua một số khó khăn tạm thời mà về lâu dài không ai có thể bảo đảm các doanh nghiệp đó sẽ lại không rơi vào những khó khăn trước đây đã gặp phải. Bởi vì vấn đề quan trọng nhất ở đây là nhân sự và quản trị đã không được cải thiện.

PV: - Nhiều chuyên gia đã nói nhiều tới việc thoái vốn dưới giá sẽ có tiêu cực tham nhũng. Vậy chuyện mất vốn nhà nước được dự đoán sẽ như thế nào? Sự xuất hiện của nhóm lợi ích trong cổ phần hóa đã thấy biểu hiện chưa, cụ thể sao, thưa ông?

TS Lê Đăng Doanh: - Sự xuất hiện lợi ích nhóm thì đã biểu hiện quá rõ. Như trong việc cổ phần hóa khách sạn Phú Gia bên cạnh hồ Hoàn Kiếm hay cổ phần hóa Công ty Bánh tôm Hồ Tây với giá rẻ bất ngờ và cho đến nay vẫn chưa công khai được danh sách cổ đông.

Nếu tiếp tục quá trình cổ phần hóa thiếu công khai, minh bạch số lượng lớn những DNNN có vị thế trong thời gian sắp tới, chắc chắn đây sẽ là cơ hội vàng cho tiêu cực, tham nhũng.

Bài học này từng diễn ra ở Liên Xô (cũ), ở Tiệp Khắc hay Ba Lan và nhiều nước khác và khi đó nguy cơ mất vốn nhà nước lại một lần nữa đe dọa.

Vì vậy, tôi cho rằng cần bổ sung những quy định pháp luật về quy trình công khai, minh bạch thông tin và tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc đối với quá trình này.

PV: - Từ đầu tới giờ không ít ý kiến đề cập tới nhóm lợi cản trở tái cơ cấu ông có thể cho biết cái gì là nhóm lợi ích vậy?

TS Lê Đăng Doanh: - Quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng đã diễn ra khá lâu rồi, bài học kinh nghiệm học đã đủ nhưng có vẻ như vấn đề là người ta không muốn đụng đến nhóm lợi ích này. Điều này chứng tỏ rất dai dẳng.

Chúng ta có thể thấy giữa các ngân hàng sở hữu chéo rất nhiều, nên không ai muốn đụng đến lợi ích của họ nên dễ thấy các ngân hàng chỉ có động thái sáp nhập với nhau chứ không ai muốn giải thể.

Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Theo Bích Ngọc

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên