MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cổ phần hóa vẫn đang "loanh quanh" khu vực KTNN, chưa ra thị trường được bao nhiêu"

Bên lề Diễn đàn kinh tế mùa thu 2014, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã có nhiều ý kiến trao đổi về chủ đề tái cơ cấu Việt Nam đã làm được gì và cần làm gấp điều gì trong thời gian tới.

Người dân đang rất kỳ vọng vào tái cơ cấu nền kinh tế, bà đánh giá như thế nào về kết quả của đề án này từ khi ra đời cho đến nay?

Bà Phạm Chi Lan: Điểm qua 3 mặt tái cơ cấu: tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu ngân hàng thương mại, tái cơ cấu đầu tư công… đều thấy diễn ra chậm, những kết quả đạt được cho tới nay còn khá khiêm tốn. 

Về doanh nghiệp nhà nước (DNNN): Số lượng DNNN được cổ phần hóa tới bây giờ mới đạt được hơn 60 đơn vị trên tổng số 432 đơn vị mà Chính Phủ đặt ra trong 2 năm 2014- 2015. Số lượng đã rất chậm mà chất lượng thì hầu hết các DNNN cổ phần hóa chỉ trên dạng bán loanh quanh lại cho khu vực kinh tế nhà nước, chứ chưa đi ra thị trường được bao nhiêu. Vấn đề cốt lõi như yêu cầu về minh bạch, yêu cầu về trách nhiệm giải trình gần như chưa giải đáp được bao nhiêu.

Ngay như cả các doanh nghiệp có đề án về tái cơ cấu chẳng hạn được Chính Phủ thông qua đề án nhưng đề án đó như thế nào có làm rõ được hay không; hay như sự thay đổi hệ thống quản trị của DNNN cũng là một yêu cầu rất cao của quá trình tái cơ cấu thì cũng gần như chưa thấy được đã áp dụng ở đâu cả, chưa doanh nghiệp nào chứng minh được mình đã thay đổi được hệ thống quản trị kể cả khối cổ phần hóa. Về phía Nhà nước yêu cầu thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế, DNNN nước thì có tốc độ khá chậm so với yêu cầu đề ra. Tỉ lệ đạt được mới chỉ được vài %. 

 Bà vừa nói tái cơ cấu kinh tế đang diễn ra chậm chạp, vậy tại sao dù được Nhà nước quan tâm chỉ đạo nhưng vẫn chậm chạp như vậy, thưa bà?

Bà Phạm Chi Lan: Vấn đề ở chủ trương quá chung chung, cần phải có chủ trương cụ thể, phải có thước đo… để đo được thời gian nào làm được đến đâu. Hoặc 1 vài chỉ tiêu cụ thể đã có như 432 DNNN phải cổ phần hóa, hoặc số đầu tư ngoài ngành phải rút vốn. Có chỉ tiêu diễn ra chậm chạp, còn những cái chưa có chỉ tiêu ví dụ như về minh bạch, đổi mới hệ thống quản trị.

Khía cạnh khác là quản trị nhà nước đối với DNNN cũng gần như chưa thay đổi, vẫn là một hệ thống 3 trong 1. Các bộ ngành vẫn đóng vai trò vừa là quản lý nhà nước với lĩnh vực và là chủ sở hữu với  DNNN. Các việc làm không được làm một cách đồng bộ, khẩn trương, chưa được quyết liệt như tinh thần của chính sách nêu và có thể những lợi ích vẫn còn níu kéo. 

Hệ thống ngân hàng tới nay sắp xếp lại 9 ngân hàng nhỏ yếu hơn nhưng hoạt động sau khi sắp xếp ra sao, 3 ngân hàng yếu sau khi sắp xếp lại liệu có thành 1 ngân hàng mạnh hơn không, hoạt động tốt hơn không thì cho tới bây giờ rất ít thông tin được đưa ra. Xã hội rất ít niềm tin 9 ngân hàng sau khi tái cơ cấu gom lại thành 3,4 ngân hàng đó có hoạt động hiệu quả hơn không.

Về xử lí nợ xấu, con số nợ xấu tăng lên so với trước vì có khoản nợ đến hạn bây giờ chưa trả được thành nợ xấu. Cách xử lí của 1 số ngân hàng chỉ là đưa nó sang cái khoản để giải quyết thôi, ngay cả với tổ chức VAMC giải thích đã làm được vai trò của nó nhưng trên thực tế vai trò mua vào phần nợ xấu nhưng giải tỏa nợ xấu đó như thế nào thi cũng chưa thật rõ, chưa thuyết phục. 

Các vấn đề khác của hệ thống ngân hàng như sở hữu chéo, cải thiện hệ thống quản trị ngân hàng đặc biệt về quản trị rủi ro, quản trị đạo đức ngân hàng thì cho đến nay chưa có bằng chứng để tạo được niềm tin cho xã hội là đã giải quyết được tốt. 

Đầu tư công đã đưa ra được 1 số văn bản, 1 số quy định có thu hẹp được 1 số dự án nhưng dường như việc thu hẹp do bí bách của ngân sách hơn là ý chí sắp xếp lại một cách hợp lý để NN thu hẹp bớt những lĩnh vực mà NN đầu tư, có thể chuyển bớt 1 số lĩnh vực NN không nhất thiết NN phải đầu tư mà do ngân sách hạn hẹp quá nên giảm, cắt bớt 1 số dự án đầu tư công. Những vấn đề cốt lõi nhất 4 năm trôi qua rồi chúng ta vẫn chưa thực hiện được gì nhiều. 

Các đề án tái cơ cấu thường nói tái cơ cấu từ trên xuống nhưng hiện nay, thực tế đang gần như là từ dưới lên và mang tính nhỏ lẻ. Bà có thể đưa ra các ví dụ cụ thể như cổ phần hóa DNNN hay là đầu tư công để làm rõ vấn đề này?

Bà Phạm Chi Lan: Cần có quyết định mạnh mẽ hơn có sức ép nhiều hơn theo quyết định từ trên xuống, không trông chờ nhiều vào sự tự giác của các đơn vị từ dưới lên. Chúng ta có thể thấy rõ quá trình này còn trông chờ vào từ dưới lên nhiều quá. DNNN  là ví dụ rất điển hình, cho tới nay Chính Phủ phê duyệt hầu hết các đề án tái cơ cấu của các DNNN rồi nhưng hầu hết đề án đó là tự họ làm, tự họ xây dựng lên chờ Chính Phủ phê chuẩn. Cho tới bây giờ Chính Phủ không có sức ép lên để thực hiện thì chúng ta cũng không làm gì hay sự trừng phạt nào được họ. 

Với hệ thống ngân hàng cũng vậy, đặc biệt với các ngân hàng thương mại tôi nghĩ cần phải làm mạnh hơn. Phanh phui cho hết nợ xấu thực chất là bao nhiêu. Nhiều người nghi ngờ cho tới nay chưa biết hết được nợ xấu của từng ngân hàng thương mại là bao nhiêu, sở hữu chéo thực chất là như thế nào. Nếu không có một sức ép thật mạnh để làm minh bạch hóa, đánh giá được tình hình thì rất khó có biện pháp để xử lí được chúng. Việc này là công việc của cả nước, ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế nên Chính Phủ, Quốc Hội hoàn toàn có quyền đưa ra sức ép chứ không thể trông chờ ở sự tự giác của các đơn vị từ cơ sở lên được.

Theo bà, giải pháp cho tái cơ cấu nền kinh tế với từng mặt nhỏ một là cổ phần hóa DNNN hay là đối với ngân hàng, đối với đầu tư công…?

Bà Phạm Chi Lan: Về giải pháp, chúng ta cần công cụ, làm mạnh mẽ hơn, thực sự đi theo hướng thị trường . Dường như cách thức của chúng ta xử lí tới nay vẫn làm cho những người là đối tượng của cải cách có một cảm nhận là Nhà nước chưa thực sự muốn đi theo định hướng thị trường một cách mạnh mẽ theo thể chế kinh tế thị trường. Nếu chưa thực sự quyết liệt theo thể chế kinh tế thị trường đặt ra một dấu mốc cho mình chẳng hạn dứt khoát đến bao giờ phải hoàn thành cho bằng được và mọi hoạt động này phải vận hành theo nguyên tắc thị trường thì như vậy khó có thể thúc đẩy họ  tự chuyển đổi vận hành theo kinh tế thị trường được.

Kinh tế thị trường sẽ tạo ra sức ép đối với các DNNN, đối với hệ thống ngân hàng thương mại. Ngay cả đối với đầu tư công, cái gì là việc công, cái gì là việc của xã hội nên trả lại cho xã hội, cho doanh nghiệp làm. Nếu mà phải có sức ép thật mạnh, hoặc là ý chí thật mạnh về việc xây dựng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường thì lúc đó mới có thể có tái cơ cấu thật mạnh. Và như nhiều người nói quay lại câu chuyện đổi mới thể chế, đổi mới thể chế là cái đầu tiên, cái cốt lõi, cái căn cơ nhất để trên nền đổi mới thể chế đó thực hiện tái cơ cấu.

Thưa bà, có ý kiến cho rằng, ở 1 số đề án tái cơ cấu chưa tính đến việc hội nhập vào nền kinh tế quốc tế và những ảnh hưởng của nó trong những năm tiếp theo. Theo bà, vai trò của doanh nghiệp khi tham gia vào hội nhập quốc tế ảnh hưởng tới đề án như thế nào?

Bà Phạm Chi Lan: Cần phải lấy sức ép hội nhập để thúc đẩy đổi mới ở nước mình. Ý tưởng đó là đúng. Quá trình hội nhập của chúng ta thực sự đang đến rất gần rồi, và tôi rất sốt ruột nếu chúng ta hội nhập quốc tế, tham gia vào 1 hệ thống kinh tế thị trường đầy đủ có sức cạnh tranh và có yêu cầu cạnh tranh rất cao trên trường quốc tế mà tự mình không chịu vận hành theo kinh tế thị trường, không chấp nhận cạnh tranh đầy đủ thì điều đó sẽ mang lại tai hại rất lớn cho nền kinh tế.

Chúng ta rất nên dùng sức ép của yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế để thúc đẩy đổi mới ở nước mình đặc biệt là đổi mới thể chế kinh tế theo cơ chế thị trường. Các doanh nghiệp muốn cạnh tranh được cũng phải trên cơ sở đó vì thể chế hiện nay đang trói tay những doanh nghiệp thực sự muốn cạnh tranh mà lại bảo vệ những doanh nghiệp tránh né cạnh tranh, trông chờ sự bảo hộ, hỗ trợ của nhà nước. 

Xin cám ơn bà!

>>> Chuyên gia Phạm Chi Lan: Đôi khi phải chấp nhận lùi lại

>>>Đại phẫu ngân hàng” có triệt được ung nhọt nợ xấu? 

Hướng Dương

bachhue

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên