MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Còn 40 ngày, lời giải nào cho VNPT?

40 ngày nữa Nghị định 25 có hiệu lực (1/6), khi đó VNPT sẽ không được sở hữu 100% vốn tại Vinaphone và Mobifone như hiện nay.

Nghị định 25/2011/NĐ-CP được ban hành quy định một doanh nghiệp không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ của một doanh nghiệp viễn thông, khi đã có sở hữu hơn 20% tại doanh nghiệp khác cùng kinh doanh trong thị trường dịch vụ viễn thông sẽ có hiệu lực từ ngày 01/06.

Với quy định này của Nghị định số 25 thì việc VNPT đang sở hữu 100% vốn của 2 doanh nghiệp cùng kinh doanh trong một thị thường viễn thông chắc chắn là đối tượng bị điều chỉnh bởi nghị định này. Theo đúng quy định luật pháp thì đến ngày nghị định có hiệu lực VNPT phải đảm bảo đúng tỷ lệ sở hữu.

Cổ phần hóa

Câu chuyện cổ phần Mobifone đã được đặt ra vài năm trước khi một loạt doanh nghiệp lớn nhà nước thực hiện các đợt IPO. Lần này khi cổ phần hóa Mobifone thì VNPT sẽ không thể chỉ IPO tỷ lệ nhỏ như nhiều doanh nghiệp nhà nước khác mà phải đảm bảo hạ tỷ lệ xuống bằng hoặc thấp hơn 20%.

Như vậy nếu cổ phần hóa Mobifone thực sự sẽ rất hấp dẫn với các nhà đầu tư khi muốn nắm giữ cổ phần lớn trong 1 doanh nghiệp làm ăn hiệu quả của thị trường viễn thông đầy tiềm năng. Có thể nói cổ phần hóa Mobifone chắc chắn sẽ tạo ra cú hích cho TTCK Việt Nam trong giai đoạn trầm lắng.

Tuy nhiên chỉ còn 40 ngày cho lộ trình cổ phần hóa Mobifone. Theo thông lệ với những doanh nghiệp đặc biệt như Mobifone thì thời gian để thực hiện cổ phần hóa khó có thể chỉ tính bằng ngày. Trải qua nhiều cấp phê duyệt, cùng với đó là những thủ tục trong lộ trình cổ phần hóa như định giá tài sản, thực hiện đấu giá, ấn định thời gian niêm yết,...

Xem ra cổ phần hóa Mobifone thỏa mãn quy định của nghị định 25 khó khả thi.

Sáp nhập Vinaphone và Mobifone

Công cuộc cổ phần hóa khó khăn thì VNPT có thể thực hiện việc sáp nhập 2 doanh nghiệp viễn thông đang sở hữu là Vinaphone và Mobifone để đảm bảo đúng quy định. Tuy nhiên ngay như việc cần phải thực hiện sáp nhập thì VNPT cũng đứng trước quy định trong Luật cạnh tranh.

Theo điều 18 luật cạnh tranh về các trường hợp tập trung kinh tế bị cấm thì “Cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 19 của Luật này hoặc trường hợp doanh nghiệp sau khi thực hiện tập trung kinh tế vẫn thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật”.

Khi sáp nhập Mobifone và Vinaphone thì VNPT phải xin hưởng miễn trừ theo điều 19. Để thực hiện miễn trừ VNPT phải thực hiện đầy đủ các bước thủ tục đúng như yêu cầu của Cục quản lý cạnh tranh Bộ công thương.

Thời gian để thực hiện thủ tục sáp nhập cho 2 doanh nghiệp cũng khó đáp ứng kịp yêu cầu của nghị định 25. Có lẽ vấn đề đau đầu nhất với VNPT chính là quỹ thời gian không còn nhiều. Nếu VNPT xin gia hạn thì sẽ tạo ra một tiền lệ không tốt.

Chuyển nhượng cổ phần cho các công ty con?

Đứng trước bài toán phải đáp ứng quy định của pháp luật hiện hành VNPT phải có những giải pháp thích hợp. Trong nghị định 25 cũng không cấm các công ty con sở hữu cổ phần của công ty mẹ. Như vậy xem ra để đạt được yêu cầu của nghị định 25 thì Mobifone có thể chuyển nhượng cổ phần cho các công ty con, hoặc các công ty con của VNPT.

Như vậy VNPT về thực chất vẫn nắm giữ 100% sở hữu của Mobifone nhưng không hề vi phạm quy định của nghị định 25. Luật sư Trần Minh Hải của công ty luật Basico cho rằng: “Theo quan điểm cá nhân tôi cho rằng VNPT sẽ chuyển nhượng vốn cổ phần của 1 doanh nghiệp cho các công ty con để hạ tỷ lệ sở hữu xuống, đáp ứng yêu cầu của nghị định. Trong nghị định cũng không cấm điều đó. Đó là cách phù hợp với quy định pháp luật, dễ thực hiện hơn nhiều so với sáp nhập 2 công ty”.

Chỉ cần ban hành những văn bản phù hợp thì Mobifone dễ dàng có thể chuyển nhượng cổ phần cho các công ty con khác thuộc tập đoàn. Dường như đây là cách làm thuận tiện cho VNPT trong bối cạnh hiện nay để có thể đáp ứng Nghị định 25 sắp có hiệu lực.

Đâu là lời giải phù hợp cho VNPT có lẽ chỉ lãnh đạo Tập đoàn mới có thể tường tận. Tuy nhiên thị trường vẫn đang ngóng chờ hành động từ Tập đoàn.

Còn nếu như Mobifone có thể kịp cổ phần hóa trong thời gian sớm tới thì sẽ là cú hích thực sự cho TTCK và cả kinh tế Việt Nam hiện tại.

Sơn Thủy

tungdn2

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên