MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Con hư tại mẹ"

Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà, ông Doanh cho rằng những vấn đề của các doanh nghiệp Nhà nước bắt nguồn từ thể chế.

Diễn đàn kinh tế mùa thu 2013 đã đi quá nửa chặng đường. Ngày làm việc đầu tiên, rất nhiều tham luận của các nhà khoa học đã được đưa ra. Đánh giá tình hình kinh tế thời gian qua và đề xuất những giải pháp cụ thể để cải cách kinh tế trong thời gian tới là mục tiêu sau cùng của diễn đàn kinh tế lần này. Mục tiêu không mới mẻ, nhưng vẫn hấp dẫn và thu hút nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng như những nhà hoạch định chính sách.

Có lẽ không cần phải nói nhiều về tình hình kinh tế hiện nay. Những thông số vĩ mô, tình hình hoạt động chung của các doanh nghiệp, đời sống của đại bộ phận nhân dân....vẫn ngày ngày được phản ánh đầy đủ trên các phương tiện thông tin. Chỉ có điều, kinh tế Việt Nam vì sao nên nỗi, và làm thế nào để nhanh chóng vực dậy nền kinh tế nước nhà, vốn đang ngày càng lạc lõng so với các quốc gia xung quanh?

Diễn đàn bóc tách nhiều khía cạnh. Trong đó doanh nghiệp Nhà nước và tình hình hoạt động của các doanh nghiệp này nhận được nhiều sự quan tâm hơn cả. 

Tái cấu trúc chưa bao giờ đơn giản

Không phủ nhận vai trò của thành phần kinh tế Nhà nước mà đại diện là các doanh nghiệp Nhà nước, các đại biểu vạch ra khá nhiều hạn chế của thành phần kinh tế nhiều tranh cãi này, và đề ra những chính sách trong thời gian tới nhằm tái cơ cấu thành phần kinh tế Nhà nước, trên cơ sở đó tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế. 

Ông Nguyễn Văn Giàu, chủ nhiệm Ủy ban kinh tế cho rằng, các biện pháp tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước hiện đã có. Nhưng vấn đề là hệ thống chính sách kèm theo để thực hiện các biện pháp tái cơ cấu chưa thực sự hiệu quả. Ví dụ chủ trương thoái vốn ngoài ngành của các doanh nghiệp Nhà nước (theo lộ trình là đến hết năm 2015) lại đi kèm với yêu cầu bảo toàn vốn Nhà nước. Bảo toàn bằng cách nào, trong điều kiện thị trường hiện nay?  Việc cắt giảm lao động dôi dư chẳng hạn, giải quyết rốt ráo như thế nào? Không lẽ chỉ gạt tay là xong?...

Rõ ràng, việc tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước chưa bao giờ là đơn giản. 

Chuyên gia hiến kế

Cùng chung kiến nghị cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước, ý kiến của 2 ông Võ Đại Lược và ông Nguyễn Xuân Thành (chương trình Fulbright) đều cho rằng đã đến lúc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Ông Võ Đại Lược cho rằng chẳng có lý do gì Nhà nước lại "nắm" các ngành nghề kinh doanh không trọng yếu. Ông Nguyễn Xuân Thành còn hiến kế đưa ra lộ trình thoái vốn ngoài ngành cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Quá thời hạn đó, các món đầu tư cũng như các nhân sự đại diện vốn Nhà nước sẽ được giao lại cho một cơ quan riêng biệt của Bộ tài chính quản lý...

"Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà"

Không khí Diễn đàn trở nên sôi động hơn khi TS. Trần Đăng Doanh đứng lên phát biểu. Ông bày tỏ băn khoăn, tại sao việc đổi mới kinh tế được đưa ra làm trọng điểm, mà không ai nhắc đến việc đổi mới thể chế chính trị? 

Ông Doanh cho rằng, vấn đề công khai minh bạch hiện nay đang chỉ là lý thuyết. Các cơ quan Nhà nước cũng như các doanh nghiệp Nhà nước chưa thực sự công khai minh bạch những khoản thu, chi... Ngoài ra, một khi quyền lực không bị giám sát, thì cũng chẳng có ai giám sát trách nhiệm cá nhân. 

Về vấn đề độc quyền, ông Doanh hỏi vui, tại sao có Cục quản lý cạnh tranh, nhưng lại không có Cục quản lý...độc quyền? Ông kiến nghị cơ quan quản lý cạnh tranh nên trực thuộc Quốc hội thay vì Bộ Công thương như hiện nay. 

Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà, ông Doanh cho rằng những vấn đề của các doanh nghiệp Nhà nước bắt nguồn từ thể chế. Vì vậy, cải cách thể chế chính trị, là yêu cầu đầu tiên và trên hết. 

Minh Thư

thunm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên