MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Còn nhiều cơ chế cản trở việc cải cách Doanh nghiệp Nhà nước

Có một nghịch lý là, đánh giá thấp đóng góp của khu vực DNNN vào kinh tế nước ta, nhưng con số đưa ra không thấp chút nào.

Nhắc đến các Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), người ta nghĩ ngay đến một khu vực được "gắn" cho một chức năng vô cùng quan trọng: đầu tàu của nền kinh tế. Trong thời kỳ kinh tế suy thoái kinh tế kéo dài như hiện nay, "đầu tàu" ấy ắt hẳn đóng góp không ít. 

Cuối tuần vừa qua, Ủy ban kinh tế Quốc hội vừa ra báo cáo kinh tế vĩ mô 2013 trong đó có đưa ra một số ý kiến khuyến nghị về chức năng nhiệm vụ cũng như những việc cần làm đối với khu vực kinh tế nhạy cảm này. 

Nói gì thì nói, không thể phủ nhận vai trò của các DNNN đối với nền kinh tế nước ta. Thống kê Vietnam Report gần đây cho thấy, trong top 30 doanh nghiệp đóng thuế TNDN nhiều nhất có tới 9 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.


Soi vào danh sách 9 Tập đoàn, Tổng công ty nói trên, điều ấn tượng nhất có lẽ là quy mô vốn và...tính chất độc quyền của các Tập đoàn, Tổng công ty đó. Không phải tất cả, nhưng lợi thế độc quyền đã giúp DNNN có những đóng góp đáng kể, ít nhất là về mặt thuế khóa. 

Nhưng liệu đóng góp như vậy đã đủ?

Theo ông Đinh Tuấn Minh - Chuyên gia nhóm tư vấn chính sách Ủy ban kinh tế, khu vực DNNN có quy mô lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả là một trong những nguyên nhân cơ bản tạo ra quãng thời gian suy thoái kinh tế dài của Việt Nam hiện nay. 

Căn cứ báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp ngày 16/1/2013 thì các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước có tổng số nợ phải trả trên 1,3 triệu tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân 1,82 lần, cao hơn mức 1,77 lần năm 2011. Theo đề án tái cơ cấu khu vực DNNN, có đến 30/85 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu trên 3 lần, cá biệt còn có Tập đoàn, TCT hệ số trên 10 lần (TCT Xây dựng công nghiệp, TCT Xây dựng Công trình Giao thông 1, TCT Xây dựng Công trình giao thông 5, TCT Xây dựng công trình giao thông 8, TCT Xăng dầu quân đội, TCT Thành An, TCT Phát triển đường cao tốc).

Rõ ràng, khu vực DNNN không đứng ngoài khó khăn chung mà cả nước đang phải đối mặt. Không những thế, các DNNN còn có thể bị coi như là nguyên nhân gây ra nợ xấu và những mất cân đối lớn về cơ cấu kinh tế hiện nay. 

Còn nhiều vướng mắc

Mang trong mình khá nhiều "bệnh tật", mà trên đây chỉ là một trong rất ít ví dụ, thế nhưng, việc giải quyết lại vô cùng khó khăn. Khác với các doanh nghiệp tư nhân có thể dễ dàng bán tài sản hoặc nhượng cổ phần cho các doanh nghiệp khác để có tiền trả nợ ngân hàng nhằm tránh phá sản, các DNNN rất khó có thể bán tài sản hoặc cổ phần nhà nước theo giá thị trường trong giai đoạn kinh tế suy giảm. Hiện tại đã có quy định về việc các DNNN thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá, nhưng những ràng buộc trách nhiệm là không thể tránh khỏi, đối với các cá nhân đại diện phần vốn góp. Vô hình chung, gánh nặng này lại ngăn cản việc thoái vốn nhà nước khỏi các lĩnh vực làm ăn kém hiệu quả. Suy cho cùng, chẳng ai là không sợ trách nhiệm cả. 

Chuyên gia Đinh Tuấn Minh cho rằng có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc các DNNN hoạt động kém hiệu quả. Đó là quy mô của khu vực này quá lớn và mô hình quản lý có quá nhiều đầu mối, kém minh bạch. 

Có một nghịch lý là, đánh giá thấp đóng góp của khu vực DNNN vào kinh tế nước ta, nhưng con số đưa ra không thấp chút nào. Từ năm 2001 đến nay, ước tính DNNN tạo ra từ 27 - 30% GDP hàng năm. Tỷ lệ đóng góp cao này nói lên một thực tế quy mô DNNN quá to, cồng kềnh, và cần được thu gọn. Quy mô DNNN lớn dẫn đến hiện tượng chèn ép khu vực tư nhân do vậy khó có thể hạn chế được các thuộc tính phi kinh tế của khu vực này. 

Ngoài ra, việc nhiều đầu mối quản lý một DNNN cũng khiến hoạt động của các DNNN trở nên "rối rắm" và khó giám sát. Đơn cử, gần đây, sau khi tăng vốn lên trên 10 nghìn tỷ đồng, Vinalines được giao cho Chính phủ cùng 5 Bộ ngành trực tiếp giám sát. 

Như vậy, trước mắt, việc giải quyết những khúc mắc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN vẫn chưa được thực hiện rốt ráo. Việc thu hẹp quy mô, đầu mối quản lý DNNN hiện đang bị chính những quy định, cơ chế cản trở đáng kể. 

Minh Thư

thunm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên