MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2007:Hà Nội chỉ đứng ở hạng khá

Từ vị trí thứ 40 của năm 2006, năm nay trong bảng điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), vị trí của Hà Nội đã được cải thiện 14 bậc, đứng thứ 27, ở hạng khá. Kết quả Chỉ số PCI năm 2007 vừa được công bố tại hội thảo sáng nay (8/11) ở Hà Nội.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) và ông Michael Michalak, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại VN đã chủ trì buổi hội thảo.

Chỉ số PCI 2007 do VCCI và Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh VN (VNCI) phối hợp nghiên cứu và thực hiện – đánh giá và xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế các tỉnh dựa trên mức độ thân thiện của môi trường kinh doanh cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Kết quả điều tra năm thứ ba tiếp tục phản ánh tiếng nói trực tiếp và khách quan của 6.700 doanh nghiệp dân doanh trên 64 tỉnh và thành phố. Cho đến nay, điều tra PCI được xem là cuộc điều tra doanh nghiệp lớn nhất và toàn diện nhất đánh giá năng lực điều hành của chính quyền cấp tỉnh.

Kết quả nghiên cứu năm nay ghi nhận những tiến bộ đáng kể trong việc cắt giảm chi phí gia nhập thị trường, minh bạch hóa thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục thanh tra, kiểm tra. 10 địa phương đứng đầu về chỉ số PCI năm nay là: Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Bình Định, Lào Cai, An Giang, Vĩnh Phúc, Bà Rịa – Vùng Tàu, Đồng Tháp và TP. Hồ Chí Minh. Các tỉnh có điểm số tăng nhiều nhất so với năm 2006 (từ 7 – 13 điểm) là Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Quảng Ngãi và Thanh Hóa. Kết quả xếp hạng năm nay cũng khá nhất quán, tăng mức độ tin cậy của phương pháp nghiên cứu cũng như tính chính xác của các điểm số PCI.

Chỉ số PCI 2007 một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của điều hành kinh tế đối với sự phát triển và thịnh vượng. Quyết định của các lãnh đạo tỉnh có vai trò và ý nghĩa rất lớn đến việc tỉnh đó sẽ giàu lên hay nghèo đi, nguồn vốn đầu tư và trao đổi thương mại tăng lên hay giảm đi, việc làm mới được tạo ra nhiều hơn hay ít đi và mức sống của người dân có được cải thiện hay không. Năm 2007, điểm PCI của tỉnh trung vị tăng lên 3,2 điểm. Nếu PCI tăng thêm một điểm ở tỉnh trung vị, các chỉ tiêu tăng trưởng tương ứng dự đoán là: có thêm 8 DN ĐKKD mới; đầu tư mới bình quân đầu người tăng thêm 2,5%; lợi nhuận bình quân trên mỗi DN tăng thêm 4,2 triệu VNĐ và GDP bình quân đầu người tăng thêm 1%.

Chỉ số PCI là một cách thức hiệu quả để doanh nghiệp dân doanh phản ánh được tiếng nói của mình, thúc đẩy đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch.

Ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hiệp hội Công Thương TP. Hà Nội phát biểu: là doanh nghiệp của Hà Nội, chúng tôi phấn khởi khi thấy chỉ số PCI của thành phố mình được nâng hạng từ 40 lên 26 với 57,47 điểm so với 77,20 điểm cao nhất, cho dù sự thăng hạng chưa nhiều, do còn 4 trong 10 chỉ số xếp vào loại thấp (dưới 5 điểm); trong đó có chỉ số quá thấp là chi phí về gia nhập thị trường còn cao, tiếp cận đất đai còn quá khó và chi phí không chính thức còn lớn…; bất kể Hà Nội đã có 18 khu, cụm công nghiệp vừa và nhỏ với tổng diện tích đất tự nhiên 773ha và đến nay đã có 253 doanh nghiệp được thuê đất trong các khu cụm công nghiệp ấy. Nhưng còn khoảng 45% số doanh nghiệp có nhu cầu không có đất để thuê. Trong khi hiện tại trên địa bàn thành phố có 2.307 đơn vị (cả TƯ và địa phương) thuê 1642,5 ha nhưng sử dụng kém hiệu quả, hoặc sai mục đích chưa thể thu hồi được. Hay như chi phí không chính thức còn quá lớn là một thực tế chưa bị đẩy lùi. Năm ngoái, 80,85% số DN thừa nhận muốn được việc phải chi những khoản tiền không chính thức, 73,74% thừa nhận đã chấp nhận ăn chia với cán bộ thuế… Tuy nhiên, ông Vũ Duy Thái cũng kiến nghị với chi phí gia nhập thị trường phải nghiên cứu thêm vì từ 1/1/2007, Hà Nội đã áp dụng cơ chế “một cửa liên thông” gộp 3 khâu ĐKKD, khắc dấu và cấp mã số thuế và “một đầu mối”, rút ngắn thời gian từ hơn 30 ngày xuống còn 15 ngày, đã giúp DN giảm bớt thời gian và chi phí. Vì vậy, chi phí gia nhập nếu có cao hơn các địa phương khác có thể do giá dịch vụ ĐKKD do các công ty tư vấn ở Hà Nội thực hiện cao hơn (thông thường từ 1,5 – 2,5 triệu đồng tùy loại hình), trong khi các địa phương khác không có dịch vụ này hoặc có thì chi phí thuê tư vẫn cũng thấp hơn Hà Nội.

TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: với thực tế hai chỉ số tiếp cận và sử dụng đất và về chi phí không chính thức của Hà Nội có xếp hạng thấp… hy vọng thành phố có thể cải thiện vị trí này trong tương lai, tuy rằng việc này không phải dễ.

Nhìn về tổng thể, báo cáo PCI năm nay đã chỉ ra 4 thách thức ở cấp quốc gia cần được giải quyết trong thời gian tới. Một là, khắc phục tình trạng phân hóa, phát triển không cân đối giữa các nhóm tỉnh xếp hạng khác nhau. Hai là, thúc đẩy việc chính thức hóa hoạt động kinh doanh của các hộ kinh doanh cá thể. Ba là, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các DNNN sau cổ phần hóa để có thêm nhiều DN quy mô vừa và lớn. Bốn là, phân tích các phương pháp giúp DN dân doanh được hưởng lợi nhiều hơn từ những cải cách liên quan đến Hiệp định Thương mại VN – Hoa Kỳ và Tổ chức thương mại thế giới.

Theo Lan Hương
Hanoimoi

thanhtu

Trở lên trên