MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty nông nghiệp Mỹ đầu tư thêm 40 triệu USD vào Việt Nam

Theo thông báo từ Cargill, Công ty Mỹ chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp và thực phẩm, từ năm 2015-2016, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư thêm 40 triệu USD vào Việt Nam, nâng tổng số vốn đầu tư của Cargill tính đến ngày 1/11/2015 lên 180 triệu USD.

Theo đó, Cargill sẽ đầu tư 30 triệu USD để xây dựng nhà máy thức ăn gia súc mới tại Bình Dương và thỏa thuận hợp tác với cảng quốc tế Sài Gòn (SITV) để xây trạm lưu trữ ngũ cốc và các loại hạt có dầu tại Phú Mỹ với mức đầu tư 10 triệu USD.

Ông Chánh Trương, Trưởng đại diện Cargill tại Việt Nam cho biết, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi mới tại Bình Dương có sản lượng 260.000 tấn/năm, dự kiến sẽ đưa vào sản xuất từ đầu năm 2017, nâng tổng số nhà máy thức ăn chăn nuôi của Cargill tại Việt Nam lên 12 nhà máy với tổng công suất 1,3 triệu tấn/năm.

Riêng hệ thống kho bãi, tạm lưu trữ ngũ cốc và hạt có dầu tại Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nằm trong kế hoạch thiết lập chuỗi cung ứng tích hợp, giúp cho việc lưu trữ kho và phân phối các sản phẩm cung ứng cho khách hàng và tăng khả năng cạnh tranh của Cargill sẽ có khả năng lưu trữ 80.000 tấn.

Để mở rộng thị trường cung cấp thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, Cargill xác định phải phối hợp và liên kết với ngành nông nghiệp của Việt Nam phát triển bền vững ngành chăn nuôi, một trong những ngành có nhiều tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam.

Theo đó, Cargill đã và đang hỗ trợ cho 1,5 triệu nông dân về các phương pháp và kỹ thuật chăn nuôi như giúp chọn giống, kỹ thuật chuồng trại, phương pháp chăm sóc. Đặc biệt, để phát triển bền vững ngành nông nghiệp, Cargill đã cùng với các địa phương tổ chức để bà con nông dân, các doanh nghiệp chăn nuôi tái cơ cấu lại vật nuôi, từ đó góp phần tăng mức thu nhập cho người nông dân.

Mặt khác, hiện nay thức ăn chăn nuôi (TACN) tại Việt Nam đang có giá cao hơn từ 15-20% so với khu vực. Nguyên nhân theo đánh giá của ông David MacLennan, Giám đốc điều hành Cargill, ngành trồng trọt trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu cho ngành TACN. Đơn cử, các loại hạt có dầu của Việt Nam mới chỉ cung cấp được khoảng 9% sản lượng nguyên liệu sản xuất TACN của Cargill tại Việt Nam.

Vì vậy, để giảm giá thành TACN tại Việt Nam, cần phải tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng mở rộng quy mô trồng trọt theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng, cũng đang là một hướng đầu tư mới mà Cargill sẽ hướng đến trong thời gian tới.

 

Theo Thanh Thuỷ

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên