MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CPI tháng 9 sẽ không tăng hoặc chỉ tăng nhẹ 0,05%

VCBS dự báo GDP 9 tháng đầu năm có thể đạt mức tăng 6,3%-6,35% và cả năm 2015 nhiều khả năng sẽ vào khoảng 6,4% - 6,5%.

Sau khi phân tích diễn biến tình hình giá cả tháng 8/2015, Báo cáo phân tích vĩ mô của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – VCBS đã dự báo: Trong tháng 9 mặc dù CPI sẽ chịu áp lực tăng từ yếu tố mùa vụ bắt đầu năm học mới nhưng ngược lại, hai lần giảm mạnh (hơn 10%) của giá xăng dầu gần đây được dự báo sẽ có tác động trực tiếp lần một làm CPI giảm khoảng 0,2% - 0,25%.

“Chúng tôi kỳ vọng CPI tháng 9 sẽ không tăng hoặc chỉ tăng rất nhẹ khoảng 0,05% (tháng), tương ứng mức tăng 0,2% - 0,26% (năm). Đồng thời hạ dự báo tỷ lệ lạm phát cả năm 2015 xuống mức 1,5% - 1,8%” – VCBS đưa ra dự báo.

Các chỉ báo tiếp tục cho thấy sự phục hồi của cầu tiêu dùng và cầu đầu tư nội địa, dù chưa bứt phá. Khối FDI là điểm sáng và là động lực tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất nói riêng cũng như của cả nền kinh tế nói chung.

VCBS dự báo GDP 9 tháng đầu năm có thể đạt mức tăng 6,3%-6,35% và cả năm 2015 nhiều khả năng sẽ vào khoảng 6,4% - 6,5%.

Về xuất nhập khẩu, khối FDI tiếp tục cho thấy sự nổi bật. Trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 14,5 tỷ USD (+9,5%), trong đó khu vực FDI tăng 14,4% còn các doanh nghiệp trong nước suy giảm 0,2%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 14,6 tỷ USD (+18,7%) với sức đẩy chủ yếu từ khối FDI (+22,5%) trong khi các doanh nghiệp trong nước tăng 13,7% (thấp hơn mức 15,7% của cùng kỳ năm 2014).

Như vậy, trong tháng 8 ước tính Việt Nam nhập siêu khoảng 100 triệu USD, nâng tổng mức nhập siêu 8 tháng đầu năm lên 3,6 tỷ USD.

Thâm hụt thương mại sẽ tiếp tục tăng dần qua từng tháng và nhiều khả năng sẽ vào khoảng 4- 5 tỷ USD cho cả năm 2015” – VCBS dự báo.

Nhận định về quyết định giảm giá nhanh đồng VND trước những biến động bất ngờ từ phía Trung Quốc có thể sẽ tạo những hiệu ứng hỗ trợ nhất định cho xuất khẩu trong phần còn lại của năm.

Tuy nhiên báo cáo này nhìn nhận sẽ khó có sự bứt phá từ yếu tố này do đồng bản tệ tại nhiều quốc gia là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam (Châu Âu, Nhật Bản, ...) hoặc là đối thủ cạnh tranh (Trung Quốc, các nước Đông Nam Á,...) cũng đã giảm đáng kể so với đồng USD.

Trong khi đó, ở chiều nhập khẩu, theo yếu tố mùa vụ, nhập khẩu nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng về cuối năm.

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên