MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Củng cố lòng tin nhà đầu tư

Trước những diễn biến trên biển Đông, đã có một số ý kiến lo ngại kinh tế năm 2014 của Việt Nam có thể sẽ không đạt được kế hoạch đề ra từ đầu năm.

Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trả lời phỏng vấn chúng tôi về triển vọng kinh tế từ nay đến cuối năm.

PV: Ông có thể nhận định gì về tình hình nền kinh tế tại thời điểm này?

Ông VŨ VIẾT NGOẠN: Trong tình hình hiện nay, đáng ngại nhất là vừa qua xảy ra vụ các doanh nghiệp bị thiệt hại do một số đối tượng phá hoại khi lợi dụng lòng yêu nước. Nhưng đến nay có thể yên tâm là lòng tin của các nhà đầu tư đã trở lại rất tốt. Ban đầu họ cũng có một số lo lắng, băn khoăn nhưng trước thái độ và các hành động của Chính phủ Việt Nam thì đến nay, các định chế tài chính quốc tế tại Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đã tin tưởng vào chúng ta.

Dĩ nhiên, để giải quyết những thiệt hại, Chính phủ phải bỏ ra một khoản tiền nhất định nên cũng sẽ có những tác động đến nền kinh tế. Nhưng về lâu dài mà nói thì chúng ta đã thành công trong việc ổn định tư tưởng của các nhà đầu tư. Nói cách khác, quan trọng nhất và chìa khóa của vấn đề là lòng tin của các nhà đầu tư thì chúng ta đã làm rất tốt để lấy lại.

Dĩ nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta đều lo ngại có những tác động nhất đến nền kinh tế từ vấn đề biển Đông. Nhưng tôi tin rằng với những giải pháp của Chính phủ đã xử lý trong thời gian qua thì chúng ta sẽ duy trì được mục tiêu là duy trì hòa bình, ổn định, đồng thời bảo đảm tính độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. Một khi môi trường đầu tư được giữ ổn định thì các nhà đầu tư sẽ tiếp tục coi Việt Nam là địa chỉ uy tín để đầu tư. Đó mới là điều quan trọng.

- Đến thời điểm này, có thể nhận định tình hình biển Đông sẽ tác động đến tăng trưởng GDP trong năm nay không, thưa ông?

Như tôi đã nói, cho đến nay các giải pháp kịp thời của Chính phủ đưa ra đã củng cố nhanh lòng tin của các nhà đầu tư. Những tác động tiếp theo đây còn phải tiếp tục theo dõi, nhưng điều quan trọng nhất là lòng tin của các nhà đầu tư đã được khôi phục thì năm 2014, mức độ ảnh hưởng của vấn đề biển Đông lên nền kinh tế sẽ không lớn lắm.

Số tiền mà Chính phủ phải bỏ ra để giải quyết cho các doanh nghiệp cũng sẽ có tác động nhưng đối với quy mô của cả nền kinh tế, cho cả một năm thì tôi cho là không ảnh hưởng quá lớn.

Phần nào đó sẽ có tác động đến vấn đề ngân sách, còn tăng trưởng GDP thì chủ yếu phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vào xuất khẩu... Sẽ phải tiếp tục theo dõi, nhưng như tôi đã khẳng định ở trên, điều quan trọng là các nhà đầu tư nước ngoài thể hiện sự quan tâm rất lớn đến thị trường Việt Nam.

- Những chỉ số kinh tế vĩ mô của năm 2014 và những năm tiếp theo có gì đáng lo ngại không, thưa ông?

Nếu chúng ta tách ra những yếu tố bất trắc, khó lường của không chỉ vấn đề biển Đông mà của cả vấn đề Ukraine (vì có thể tác động đến giá dầu lửa cũng như những quan hệ thương mại ở khu vực châu Âu), thì có thể khẳng định, yếu tố nền tảng của kinh tế Việt Nam đã tiến triển rất tốt tính từ cuối năm 2013 đến nay.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, tăng trưởng kinh tế khá hơn nhiều so với 2011, 2012; đang chiều hướng đi xuống thì nay đã có chiều hướng đi lên từ giữa cuối 2013. Đến nay tình hình của các doanh nghiệp cũng đã khá lên rất nhiều, bằng chứng là cuối năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, thu ngân sách nội địa (tức là thu trực tiếp từ các doanh nghiệp) đã tăng lên rất khá.

Doanh thu của hơn 600 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng đã phát triển rất tốt. Các chỉ số quan trọng để đánh giá quy mô, khối lượng tăng trưởng của nền kinh tế như khối lượng vận chuyển hàng hóa, bảo hiểm phi nhân thọ, sản lượng tiêu thụ nội địa... đều đã có tăng trưởng khá hơn nhiều từ cuối năm 2013 và đầu 2014. Tất cả điều này khẳng định chiều hướng của nền kinh tế là rất tốt.

Chỉ có một điểm hết sức băn khoăn và còn nhiều nghi ngại, đó là tín dụng tăng trưởng đầu năm còn thấp. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phải đặt ra câu hỏi, tín dụng tăng trưởng thấp thì lấy đâu ra đầu tư? Điều này thì Ngân hàng Nhà nước cũng đã giải thích nhưng tôi cho rằng, số lượng tín dụng tăng trưởng đầu năm trên thực tế là cao hơn số liệu báo cáo, do có sự gối đầu giữa năm trước và năm sau mà quá trình báo cáo chưa cập nhật hết. Vì thế, tăng trưởng tín dụng đầu năm 2014 là không thấp quá so với đầu năm 2013.

Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng của chúng ta tuy còn thấp nhưng nguồn từ trái phiếu Chính phủ, từ đầu tư của DNNN, khu vực ODA đã tăng đáng kể. Chính vì thế mà phần nào bù đắp được tăng trưởng của tín dụng. Nếu không có gì bất trắc, tôi cho là tín dụng cuối năm nay sẽ tăng tốt hơn, vì doanh thu của các doanh nghiệp đã khá hơn.

>>>Nhìn lại quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc

Theo Lâm Nguyên

cucpth

Sài gòn giải phóng

Trở lên trên