MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đà Nẵng - địa phương đầu tiên thí điểm mô hình chính quyền đô thị?

Tại Hội thảo tổ chức chính quyền đô thị, nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về mô hình chính quyền đô thị ở Việt Nam đã được đưa ra.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, thực tiễn hiện nay đặt ra yêu cầu cần thiết phải làm rõ sự khác biệt giữa chính quyền đô thị và nông thôn. Bộ Nội vụ đã tiến hành xây dựng 3 phương án. Thứ nhất, kế thừa kết quả không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường. Phương án 2, tiếp tục mở rộng thêm các xã, thị trấn cũng không tổ chức HĐND và phương án 3 là thiết kế theo mô hình Thị trưởng.

Tuy nhiên, việc thí điểm bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường còn có nhiều ý kiến khác nhau, vì thế mà Bộ Chính trị đã trao đổi thống nhất triển khai phương án 1 cho thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị ở hai địa phương là TP.HCM và Đà Nẵng.

Trên tinh thần này, TP.HCM đã đề xuất tổ chức chính quyền hai cấp gồm chính quyền thành phố như hiện nay và chính quyền cơ sở gồm xã, thị trấn và các đô thị dự kiến tổ chức mới, trực thuộc chính quyền thành phố thay vì ba cấp như hiện tại. Những cấp này đều có cơ quan dân cử, có UBND, tổ chức cơ quan đại diện hành chính tức là cơ quan của chính quyền TP.HCM thực thi nhiệm vụ.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu TP.HCM cho rằng, đề xuất này là phù hợp trong tình hình hiện nay, khi đất nước ta diện tích không lớn, việc duy trì 3 cấp giống nhau ở mọi địa phương là quá cồng kềnh. “Nếu làm tốt, đây là cơ sở để chúng ta tinh giản bộ máy, chuyên nghiệp hóa đội ngũ công chức, giải quyết công vụ cho dân và là điều kiện để nâng cao phúc lợi nguồn vốn cho người dân. 

Nếu duy trì bộ máy hiện nay, tức là chúng ta phải chuyển nền hành chính từ cách quản lý như hiện nay, nói môm na cái dễ thì cơ quan Nhà nước làm, còn cái khó người dân làm. Chúng ta phải làm ngược lại, chuyển bộ máy từ quản lý sang phục vụ công vụ, thực chất là phục vụ cho dân”.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, mô hình hành chính mang tính chất đặc thù cho hợp với nước ta đến nay là chưa có, nó mới hình thành ở những ý tưởng, đặc biệt thể hiện tập trung và mới nhất trong Luật Thủ đô, khẳng định vị trí đặc biệt và phân cấp với tư cách là một đô thị đặc biệt. 

Còn đối với TP.HCM đã có lúc xin được cơ chế, nhưng về cơ bản vẫn đang tổ chức cấp chính quyền 4 cấp như nhau. Ngoài một số nơi áp dụng thí điểm 3 cấp hoặc 2 cấp, có thể nói là đến nay, chính quyền đô thị mới dừng lại ở mức độ ý tưởng.

“Về mặt tư tưởng nhận thức chúng ta đã sẵn sàng, về mặt nhận thức cũng cho thấy đang có điều chỉnh lớn, tuy nhiên có mấy điểm hết sức lưu ý. Một là chưa có sở pháp lý cần thiết, thậm chí là nhận thức đầy đủ về mô hình này cũng như yêu cầu của nó. Thứ hai, chúng ta chưa có chế tài và những đánh giá về mặt trái, giống như một đề án tái cấu trúc, chúng ta thúc đẩy tái cấu trúc mà chưa đánh giá tác động mặt trái của nó mà theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”, sẽ là không tốt. 

Thứ ba, dường như chúng ta vẫn giữ nguyên cái nhận thức tư duy kể cả con người luật pháp mà lại đòi xây dựng một mô hình mới thì hơi mang tính duy ý chí. Đánh giá lại, thiết kế một bộ máy chạy thử, có lẽ Đà Nẵng phù hợp hơn, còn TP.HCM thì sau một chút”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nói.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, PGS.TS Vũ Thị Phụng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất, cần xem xét đến yếu tố lịch sử đất nước và năng lực tư duy của đội ngũ cán bộ hiện nay để thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp.

 “Do các đô thị của Việt Nam hình thành từ nền tảng của một quốc gia mạnh về nông nghiệp, nên những biến động về dân số cũng như nếp sống, nếp nghĩ của cư dân và sự giằng co khó dứt với các hoạt động liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, thì việc tổ chức và quản lý của chính quyền đô thị ở Việt Nam cần phải có sự nghiên cứu để tìm ra giải pháp cho phù hợp. 

Nếu xây dựng chính quyền đô thị theo mô hình một số nước phương Tây thì trình độ năng lực, tư duy của đội ngũ cán bộ hiện nay đã đáp ứng được hay chưa. Cán bộ quản lý đã thoát khỏi sự ảnh hưởng của tư duy nông thôn, nông nghiệp?”.

Cũng tại hội thảo, một số đại biểu cho rằng, tổ chức chính quyền đô thị có điểm chung, nhưng không thể có mô hình tổ chức chính quyền đô thị chung cho các nước, các địa phương. Hay chính quyền các cấp trong Nhà nước pháp quyền phải là chính quyền tự trị và phải được tổ chức theo đa dạng các mô hình. 

Những ý kiến đóng góp tâm huyết này được Ban tổ chức tiếp thu, kiến nghị với Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm góp phần hoàn thiện chế định Chính quyền địa phương trong Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo Ngọc Thành

cucpth

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên