MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Lê Nam: Cần công bằng với Thủ tướng

Nhiều gánh nặng lớn đặt trên vai các nhà lãnh đạo và việc cần phải có cái nhìn công bằng hơn đối với hoạt động điều hành của Thủ tướng, Chính phủ là trăn trở của các đại biểu Quốc hội.

Trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Lê Nam, Phó trưởng đoàn Đại biểu Thanh Hóa, chia sẻ với những hạn chế về cơ chế, thể chế hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức cho các nhà lãnh đạo, điều hành.

Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ tin tưởng Tân Thủ tướng cùng bộ máy điều hành mới với tư duy táo bạo để tạo sự đột phá trong thời gian tới.

Mặc dù có nhiều dấu ấn trong điều hành kinh tế xã hội suốt 2 nhiệm kỳ qua. Song có đại biểu cho rằng nếu Thủ tướng mạnh tay hơn, cách chức với một số Bộ trưởng thì tình hình sẽ tốt hơn. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Đây là vấn đề rất khó, vì đánh giá hoạt động của Thủ tướng, phải đặt trong bối cảnh, điều kiện mọi mặt, không chỉ đặt vào nhiệm kỳ vừa qua, mà cả trong hai nhiệm kỳ.

Đã có lúc Thủ tướng quả quyết rằng, nếu không chống được tham nhũng, ông sẽ xem xét lại công việc, trách nhiệm của ông.

Nhưng đánh giá lại, phải thấy là tình trạng tham nhũng trong bộ máy của chúng ta hiện nay hết sức nghiêm trọng, dường như chưa có chuyển biến, suốt trong hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Cần phải đánh giá, đặt trong bối cảnh điều kiện chi phối hoạt động của Thủ tướng. Bởi với cơ chế vừa qua, nếu Thủ tướng có muốn làm cũng khó. Như chuyện tham nhũng trong đất đai rất nghiêm trọng, liên quan đến rất nhiều vấn đề, nhưng đều bắt nguồn từ cơ chế, thể chế của chúng ta trong quản lý đất đai.

Trong khi thể chế đất đai nhiều khi không hẳn do Thủ tướng ban hành, mà do Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền… Nhưng rõ ràng, cần công bằng với Thủ tướng, trong suốt quá trình ông đảm đương trách nhiệm trong bối cảnh, điều kiện tổng thể.

Cũng đồng ý rằng, trong một số lĩnh vực, thậm chí nhiều việc, cử tri cho rằng nếu Thủ tướng quyết liệt hơn, kiên quyết hơn thì tình hình đỡ khó khăn hơn. Ví dụ những vấn đề quản lý ngân sách, cải cách hành chính, hay ngay cả đấu tranh phòng chống tham nhũng…

Là Đại biểu Quốc hội, chúng tôi chia sẻ với Thủ tướng, nhưng rõ ràng có những điều mà nếu trong quá trình vận hành bộ máy, Thủ tướng không thể cách chức Bộ trưởng được, do thể chế. Thủ tướng không thể làm được trong cơ chế của chúng ta.

Với tất cả những khó khăn đặt ra từ nhiệm kỳ trước, theo ông đâu sẽ là gánh nặng lớn nhất đối với Tân Thủ tướng mới?

Tôi đã đưa ra nhiều vấn đề từ phiên thảo luận của Quốc hội, nhiệm kỳ mới thì gánh nặng mà Tân Thủ tướng mới phải đối diện như cải cách hành chính, tinh giản bộ máy quản lý, biển Đông, hay câu chuyện thanh niên Việt Nam ngày càng còi cọc…

Tôi luôn trăn trở là làm sao cho thanh niên Việt Nam không còn còi cọc, lớn như người Nhật, hay các nước xung quanh. Gánh nặng trước đất nước, nhân dân đè lên vai Thủ tướng, không chỉ mình Thủ tướng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí trong Bộ Chính trị… rất nặng nề.

Ngay như chuyện tiền đâu để cân đối thu chi, trả lương cho bộ máy đã phình to, ngân sách khó khăn thì tiền đâu phát triển? Chưa nói những áp lực khi sắp tới chúng ta gia nhập thị trường thế giới sâu rộng hơn, chúng ta chấp nhập luật chơi toàn cầu.

Đây sẽ là những áp lực lớn đặt trên vai các đồng chí lãnh đạo sắp tới, đặc biệt là đồng chí Thủ tướng. Nhưng tôi tin các đồng chí sẽ vượt qua được, bởi những gì đã thể hiện, quyết tâm chính trị.

Tình hình đất nước, thế giới sắp tới sẽ có thuận lợi, nếu chúng ta biết khai thác. Tín hiệu mà tôi rất vui ở một vài đồng chí lãnh đạo trong việc thay đổi cách thức làm, trong đó bài học muôn đời là phải dựa vào vào dân.

Như Bí thư Đinh La Thăng, chưa biết sắp tới ra sao, nhưng cách làm của ông là cách làm đúng, dân mong đợi. Tôi tin đội ngũ lãnh đạo mới, dù gánh nặng nặng nề, nhưng tôi tin với tư duy mới, sự lựa chọn táo bạo, biết lựa chọn để tháo gỡ những khó khăn thì tình hình đất nước sẽ tốt.

Một điều tâm huyết nhất mà ông muốn gửi đến Tân Thủ tướng là gì ?

Tôi mong Thủ tướng mới sẽ chọn những việc đột phá trong rất nhiều công việc nặng nề, để làm chuyển biến, xoay chuyển, thúc đẩy có hiệu quả ngay tình hình kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng.

Với riêng lĩnh vực kinh tế, có hai vấn đề đặt ra là: Làm thế nào để DN Việt Nam tự tin và hoạt động trên lãnh thổ, đất nước mình. Hai là nông dân. Tựu chung lại là sản xuất trong nước. Nếu xoay chuyển được hai vấn đề đó thì kinh tế sẽ tốt hơn.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên