MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu QH: Năm 2016 nhiều kỳ vọng nhưng cũng lắm thách thức

Các đại biểu QH cho rằng, năm 2016 mở ra với nhiều kỳ vọng vào sự phát triển, kinh tế xã hội của đất nước nhưng đi kèm với đó là không ít thách thức, khó khăn đan xen.

Ấn tượng năm 2015

Trao đổi với chúng tôi, đại biểu QH Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng đoàn ĐBQH Tp Hải Phòng cho rằng, năm 2015 tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp.

Giá dầu giảm sâu, tình hình biển Đông tiếp tục diễn biến nguy hiểm, ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế tiếp tục được duy trì và tăng cao ở những năm cuối, GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5% cao nhất trong 5 năm qua.

Giá tiêu dùng năm 2015 giảm mạnh xuống còn khoảng 2%, thấp nhất trong vòng 15 năm qua. Vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế.

Theo ông Vinh, năm 2016 là năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm (2016 - 2021), năm tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 nên sẽ có rất nhiều kỳ vọng được đặt ra về các mặt kinh tế - xã hội của đất nước.

Để tạo thuận lợi cho tăng trưởng cao hơn năm 2016 và các năm tới, ông Vinh cho rằng, cần có những phương hướng, giải pháp hữu hiệu.

Trong đó, cần đẩy mạnh các giải pháp về xây dựng chính quyền, tổ chức bộ máy, nâng cao khả năng dự báo và hiệu quả phối hợp trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho các địa phương để tạo sự chủ động, nâng cao trách nhiệm của địa phương, tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, tinh giảm bộ máy cơ quan nhà nước,

Chống tham nhũng, lãng phí, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, tăng sức cạnh tranh khi hội nhập, xây dựng các giải pháp tích cực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu như sạt lở, nhiễm mặn, hạn hán.

"Tập trung nguồn lực chính sách phát triển doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao sức cạnh tranh nội lực của nền kinh tế. Bảo đảm phát triển cân đối, hài hòa giữa doanh nghiệp thuộc khu vực FDI.

Và cần phân tích rõ nguyên nhân tại sao sự phát triển lệch pha giữa các doanh nghiệp thuộc 2 khu vực này ngày càng lớn, do quản trị doanh nghiệp hay do chính sách....", ông Vinh nêu.

Đồng quan điểm đó, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cũng đánh giá, năm 2015 nhiều đại biểu Quốc hội cũng như cử tri đánh giá có rất nhiều chuyển biến tích cực.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

"Tôi cho rằng có một điều rất có ý nghĩa so với những năm trước. Những năm trước chúng ta tăng trưởng với tốc độ khá cao 7% - 8%, nhưng lạm phát cũng đến gần 20%.

Cho nên, tuy tốc độ tăng trưởng cao nhưng người dân có thực sự được hưởng thành quả đó không lại là chuyện khác. Năm nay chúng ta tăng trưởng 6,5% nhưng giữ được lạm phát ở mức độ khoảng 2%. Tôi cho đây là điều rất có ý nghĩa", ông Hùng nhìn nhận.

Còn đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cũng nhấn mạnh, năm 2016 sẽ có những bước đột phá mới. Thời gian qua chúng ta đã tập trung cho ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế.

Nên với nền tảng vững chắc là thể chế đã hoàn thiện và kinh tế vĩ mô ổn định thì chúng ta sẽ có sự tăng trưởng nhanh hơn so với giai đoạn 2011 – 2015 và đảm bảo tính bền vững.

Đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) cũng nhìn nhận, nổi bật nhất trong năm 2015 là tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và phục hồi khá cao, lạm phát ở mức thấp, từ 11,7% năm 2010 còn 2% năm 2015, làm cho người dân an tâm hơn, niềm tin vào đồng tiền VN tăng lên.

Dự nợ tín dụng tăng đi đôi với chất lượng từng bước được cải thiện, kinh tế đối ngoại đạt nhiều kết quả. Đây là cơ sở để thực hiện tốt nghị quyết của QH về phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và tạo đà cho năm 2016 cũng như các năm tiếp theo

ASEANTPP: Kỳ vọng và thách thức của Việt Nam

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, cuối 2015, Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, với một thị trường 600 triệu dân, đi đến thị trường chung thống nhất nên ta tự do hóa về hàng hóa vốn, đầu tư và lao động kỹ năng.

"Do đó, Doanh nghiệp trong nước bên cạnh cơ hội mở ra một thị trường, thì là thách thức không nhỏ. Những thách thức này thường rơi vào DN nhỏ yếu thế, cụ thể là hộ nông dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Một trong những vấn đề là làm sao nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh DN thì Chính phủ phải có chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ và hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa", ông Ngân đề nghị.

Còn đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cũng cho hay, việc Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra nhiều cơ hội mới. Tuy nhiên, nhìn vào đây sẽ thấy, Việt Nam là nền kinh tế nhỏ, yếu nhất trong 12 nền kinh tế tại đây.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

"Có thể nói sức nóng TPP đang phả vào gáy chúng ta, nếu không nhận biết định lượng cụ thể về các cơ hội và thách thách, không tận dụng được cơ hội để cải thiện sức khỏe bên trong của mình thì nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nhỏ và yếu nhất trong 12 nền kinh tế TPP.

Để thành công trong TPP, giải pháp quan trọng và cấp bách nhất đối với Việt Nam hiện nay chính là đột phá vào con người. Con người và con người.

Chỉ có sự đồng lòng từ trên xuống dưới, sự cần cù của mỗi người dân, nhẫn nại và sáng tạo của mỗi doanh nghiệp, tận tụy của từng công chức thì chúng ta mới vượt qua được khó khăn trong giai đoạn hội nhập này", ông Tâm nhấn mạnh.

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, để phát triển hiệu quả kinh tế - xã hội trong năm 2016, cần kết hợp với 3 yếu tố quan trọng nữa mới đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra:

“Ba yếu tố đó là: Một, phải có sự phối hợp đồng bộ; Hai, cụ thể hóa minh bạch kịp thời tạo sức mạnh; Ba, hệ thống tổ chức có tư duy tốt hơn”, ông Kiêm nói

Cũng theo ông Kiêm, năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, bên cạnh những cơ hội thuận lợi đất nước phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề.

"Vì vậy, cùng với việc thực hiện đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với thực tế tình hình của Chính phủ cần sự giám sát chặt chẽ, quyết liệt của Quốc hội, sự ủng hộ của nhân dân để kinh tế thực sự ổn định, khởi sắc", ông Kiêm nêu.

Theo Hoàng Đan

Trí Thức Trẻ/Soha

Trở lên trên