Đại biểu Quốc hội: Bội chi ngân sách, ai chịu trách nhiệm?
Đại biểu QH đặt câu hỏi: “Ví dụ trong năm 2015, bội chi ngân sách lên đến 6,1% theo báo cáo của Chính phủ nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc này?"
- 26-03-20162 vạn doanh nghiệp đóng cửa, bội chi ngân sách 45.000 tỷ đồng
- 25-03-2016TS. Trần Hoàng Ngân: Bấm nút dễ dãi nên liên tục bội chi ngân sách
- 07-03-2016Dù vượt ngưỡng 5% Quốc hội giao, bội chi ngân sách vẫn trong giới hạn
- 10-01-2016Chính phủ yêu cầu tăng thu, tiết kiệm chi, giảm bội chi ngân sách nhà nước
Ngày 28/3, thảo luận ở hội trường về công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng Kiểm toán nhà nước, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) đánh giá số liệu kiểm toán cũng như chất lượng báo cáo kiểm toán ngày càng tốt hơn so với nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, khả năng sử dụng số liệu kiểm toán để thông qua quyết toán ngân sách hàng năm vẫn còn rất hạn chế.
Đại biểu thẳng thắn chỉ rõ một nghịch lý, đó là khi báo cáo kinh tế - xã hội tại kỳ họp tháng 5 cho năm tài khóa trước thường gắn với một con số, tuy nhiên đến khi báo cáo kiểm toán quyết toán xong, bao giờ con số bội chi cũng cao lên và Quốc hội cũng vẫn phải biểu quyết thông qua nhưng không hề có một ai chịu trách nhiệm về việc này.
“Ví dụ trong năm 2015, bội chi ngân sách lên đến 6,1% theo báo cáo của Chính phủ nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc này? Trong khi đó, Quốc hội bấm nút đồng thuận đến cuối năm 2015 bội chi ngân sách giảm xuống dưới 4,5%. Bội chi ngân sách vào các dự án như thế nào và tính ra làm sao để phát huy được hiệu quả thì sử dụng tài liệu kiểm toán đấy có vấn đề. Tôi đề nghị sang nhiệm kỳ khóa XIV, mối quan hệ giữa các đại biểu Quốc hội với Kiểm toán nhà nước (KTNN) phải được tăng cường hơn nữa để các đại biểu Quốc hội có thể sử dụng được tốt hơn báo cáo kiểm toán hàng năm”, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên chỉ rõ.
Ở một khía cạnh khác, Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) lại phân tích rằng, KTNN mới chỉ kiểm toán được 40% - 50% các báo cáo ngân sách. Mỗi huyện kiểm toán được khoảng 2 hoặc 3 xã. Bởi lẽ, biên chế năm 2015 của KTNN được 1.800 người, bằng với Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 108, bằng 3 - 4 trường Trung cấp, Cao đẳng.
“Chúng ta cân đối xem những người làm kiểm soát ngân sách quốc gia và những đối tượng xã hội khác. Chúng ta không nói về công chức, viên chức, chỉ biết là những người hưởng lương của nhà nước thì chúng ta thấy có phù hợp hay không? Không có người thì chúng tôi nghĩ không làm được. Do đó chúng ta phải xem xét, nếu không sẽ rất khó khăn trong việc kiểm soát ngân sách”, Đại biểu Nguyễn Văn Tiên nêu rõ.
Đánh giá về 3 hạn chế của nội bộ ngành kiểm toán, Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) góp ý, những hạn chế này cần đánh giá rộng hơn, tức là đánh giá việc thực thi pháp luật của lĩnh vực kiểm toán. Việc thực hiện kiến nghị kiểm toán trong cả nhiệm kỳ về tài chính, về ngân sách chỉ mới đạt tỷ lệ 55% cho nên tỷ lệ này vẫn chưa đạt yêu cầu.
Phân tích nguyên nhân, Đại biểu Hùng cho rằng do ý thức thực thi pháp luật của một số cấp, một số bộ, ngành chưa thật tốt, chưa thật đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, KTNN chưa có chế tài mạnh để xử lý những cơ quan, tổ chức không thực hiện nghiêm kiến nghị của kiểm toán. Do đó, cần phải bổ sung những điểm thiếu, những điểm còn chưa rõ hoặc chế tài chưa mạnh trong việc xử lý các kiến nghị kiểm toán.
Mặt khác, ở một số lĩnh vực rất nhạy cảm còn nhiều dư luận bức xúc như lĩnh vực đầu tư công, nợ công hoặc chất lượng một số dự án, một số công trình còn chưa đạt yêu cầu nhưng dường như còn ít các cuộc kiểm toán ở những lĩnh vực này.
Đại biểu Hùng đề nghị trong nhiệm kỳ tới, KTNN cũng nên ưu tiên một số lĩnh vực, đặc biệt trong việc sử dụng và hiệu quả sử dụng vốn vay, bội chi ngân sách và hiệu quả sử dụng tiền do bội chi ngân sách, chất lượng một số các dự án công trình.
Cho rằng báo cáo tổng kết và báo cáo thẩm tra kết quả hoạt động của Kiểm toán nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 cần làm rõ hơn, đi sâu hơn và tăng thêm tính nhận định, đánh giá kết quả đạt được, chưa đạt được và những nguyên nhân hạn chế và phải so sánh… Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) đặc biệt quan tâm đến hiệu quả sau kiểm toán. “Từ khi công tác kiểm toán nhà nước hoạt động đi vào nề nếp thì việc sai phạm, sử dụng Ngân sách Nhà nước tiết kiệm đạt được như thế nào?”, Đại biểu đặt câu hỏi.
Dẫn chứng bản tổng hợp thực hiện kiểm toán nhà nước từ năm 2011 - 2014 với tỷ lệ thu hồi sau kiểm toán chỉ khoảng 65%, tăng thu ngân sách nhà nước khoảng 70%, giảm chi đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 54%, kiến nghị, hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung tổng hợp tổng cộng là 360 văn bản các loại, đã được sửa đổi là 146 văn bản, Đại biểu Nguyễn Thị Khá phân tích băn khoăn bởi phần còn lại chưa được thực hiện thì được xử lý ra sao?
“Có ai chịu trách nhiệm không thì chưa rõ, nhưng đề nghị để KTNN đi vào hoạt động bài bản hơn, hiệu quả hơn cần có cơ chế rõ ràng, quy trách nhiệm việc theo dõi kiểm toán đến cùng, nếu không chỉ là hình thức để nâng cao chất lượng KTNN”, Đại biểu Nguyễn Thị Khá mong muốn.
Nhận xét về bộ máy của KTNN, Đại biểu Nguyễn Thị Khá cũng cho rằng, cơ quan này cần được củng cố vững mạnh, nhân sự phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, đổi mới nội dung, phương pháp kiểm toán.
“Tôi thực sự quan tâm đến việc kiểm toán nội bộ, công khai, minh bạch thông tin kiểm toán, ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian kiểm toán, đặc biệt là đạo đạo đức nghề nghiệp. Muốn như vậy thì phải có hình thức khen thưởng kỷ luật rõ ràng, làm sao cho kết quả kiểm toán là thước đo minh bạch nhất trong việc sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản công”, Đại biểu Nguyễn Thị Khá chỉ rõ./.
VOV