Đại sứ Mỹ: “Khi đánh cược vào người Việt Nam, bạn luôn thắng”
Trao đổi với chúng tôi, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius bày tỏ sự tin tưởng đối với Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết trong TPP, mặc dù điều này không dễ dàng.
Hiện các công ty của Mỹ đánh giá ra sao về Việt Nam, thưa Ngài Đại sứ ?
Triển vọng hợp tác kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam là rất rộng lớn. Tôi đã quay trở lại Mỹ vài lần, và rất nhiều người tiếp cận tôi, bày tỏ sự quan tâm với Việt Nam.
Bất cứ công ty Mỹ nào muốn đầu tư vào Đông Nam Á cũng muốn hiện diện ở Việt Nam. Rất nhiều doanh nghiệp đang gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Họ muốn tới đây để hiểu thêm về Việt Nam cũng như tìm kiếm cơ hội. Tôi cho rằng xu hướng này sẽ còn tiếp diễn.
Ông từng nói Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, nhận định này còn đúng trong tình hình hiện tại không?
Xét ở một số khía cạnh, Mỹ đã là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam rồi. Một số công ty như Pepsi, Coca-Cola và Intel đã đầu tư tại đây, hoặc thông qua một nước thứ ba. Nếu bạn tính cả các khoản đầu tư thông qua nước thứ ba, thì Mỹ ít nhất cũng là nhà đầu tư đứng thứ 2 hoặc 3.
Tôi không nghĩ sẽ mất nhiều thời gian để Mỹ vươn lên vị trí thứ nhất. Các công ty Mỹ không cần đến lúc TPP có hiệu lực. Họ đang đánh cược vào Việt Nam và ra quyết định đầu tư rồi.
Các công ty Mỹ quan tâm tới rất nhiều lĩnh vực tại Việt Nam như sản xuất, nông nghiệp, dịch vụ và công nghệ thông tin. Khi Việt Nam cải thiện thứ hạng trên chuỗi cung ứng, các bạn sẽ không chỉ dừng lại ở sản xuất dệt may và da giày, mà là các sản phẩm có giá trị gia tăng cao khác.
Còn những trở ngại mà Việt Nam đang gặp phải thì sao?
Có một số trở ngại. Việt Nam còn nhiều việc phải làm để đáp ứng được các cam kết trong hiệp định TPP.
Tôi đã làm việc ở đây được 20 năm. Khi đánh cược vào người Việt Nam, bạn luôn thắng, vì Việt Nam luôn quật cường trước khó khăn. Khi ký Thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ, Việt Nam thực hiện được cam kết. Khi gia nhập WTO, Việt Nam cũng thực hiện được cam kết.
Tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ thực hiện được các cam kết trong TPP. Điều này không dễ dàng, nhưng tôi đã thấy một sự quyết tâm lớn đến từ phía nước bạn để tận dụng các lợi ích của TPP và các FTA khác.
Mỹ có thể hỗ trợ gì Việt Nam trong việc vượt qua các trở ngại đó?
Đầu tiên, chúng tôi sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong các lĩnh vực như bảo vệ quyền lợi người lao động, bảo vệ môi trường… Nhưng thế là chưa đủ.
Quan trọng nhất là các doanh nghiệp cũng phải chung tay trong quá trình này. Như tôi đã nói, đây là một tam giác: Chính phủ hai nước và cộng đồng doanh nghiệp phải cùng nỗ lực để đảm bảo Việt Nam tận dụng được hết các lợi ích từ vai trò thành viên TPP.
Các bạn không nỗ lực một mình. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là thành viên của TPP sẽ hỗ trợ Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng vậy, vì chính họ là phía được hưởng lợi từ thành công của Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
BizLIVE