MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau kỷ lục tăng trưởng

Tại cuộc họp mới đây do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2015 khiến chính ông cũng thấy bất ngờ.

Ngày 26/3, Tổng cục Thống kê đã chính thức thông báo tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2015 đạt 6,03%, mức cao nhất kể từ năm 2009 (so với cùng kỳ). Đây là một kết quả khá bất ngờ và ấn tượng khi các dự báo trước đó đều nhận định, GDP của Việt Nam trong quý đầu năm 2015 chỉ có thể đạt từ 5,4-5,6%.

Ngay cả Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khi thông báo số liệu này tại cuộc họp với Thủ tướng ngày 25/3 cũng thừa nhận ông cảm thấy “choáng”. Bản thân Thủ tướng, cũng hỏi lại Bộ trưởng Vinh: “Đã chính xác chưa?”.

Nhưng với các cơ quan hoạch định chính sách, có lẽ những gì phía sau con số ấn tượng ấy còn đáng mừng hơn.

Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư lại thông báo về số liệu nói trên trong cuộc họp do Thủ tướng chủ trì về cải cách hành chính trong lĩnh vực hải quan – cuộc họp đầu tiên nhằm triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bởi theo Bộ trưởng, để phát triển bền vững thì “không có gì quan trọng hơn” những nhiệm vụ mà Chính phủ đã nêu tại Nghị quyết số 19.

“Những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia có tác động trực tiếp đối với sản xuất. Doanh nghiệp cảm nhận được sự thay đổi và chúng ta hưởng lợi từ những giải pháp đó. Không cần nhiều tiền bạc, mà quan trọng là tư duy và cách làm. Chỉ cần làm được điều này thôi thì đất nước đã chuyển biến rất mạnh”, Bộ trưởng nói.

Đây cũng là quan điểm chung của Chính phủ và Thủ tướng. Trong Thông điệp đầu năm mới 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh rằng “động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững”. Nghị quyết 19 được ban hành chính là nhằm mục tiêu lấy lại động lực ấy.

Khi Nghị quyết số 19 đầu tiên ban hành trong năm 2014, nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét, với Nghị quyết này, Chính phủ đã nhận thức rằng có một cách khác để thúc đẩy tăng trưởng tốt hơn, thay vì những giải pháp tăng tổng cầu, tăng đầu tư, tăng tiêu dùng… luôn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn vĩ mô như trước đây.

Cách thức đó, như Thông điệp của Thủ tướng đã chỉ ra, là Nhà nước không làm thay dân mà phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển, phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực, sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội.

Cụ thể hơn, thay vì tác động vào tổng cầu, Nghị quyết 19 lựa chọn cách tác động tích cực đến thúc đẩy tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng giảm chi phí, giảm rủi ro cho doanh nghiệp, tăng độ an toàn và minh bạch với hoạt động kinh doanh.

Đó thực sự là một cú “bẻ lái” tư duy về vai trò của Nhà nước, của xã hội và về động lực của tăng trưởng, của phát triển.

Tại các cuộc họp liên tiếp trong mấy ngày qua về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, Thủ tướng đã nhắc đi nhắc lại, việc cải cách đầu tư không lớn, không phải tốn nhiều tiền bạc, chỉ cần trách nhiệm, cần ý chí, cần quyết tâm, nhưng nếu làm được sẽ tạo ra động lực, nguồn lực rất lớn cho phát triển đất nước.

Phải thừa nhận rằng trước những động thái cải cách của Chính phủ thời gian qua, vẫn còn đó những ý kiến ngần ngại, thậm chí nghi ngờ cả về quyết tâm lẫn hiệu quả cải cách. Nay, con số tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên của năm 2015 đã đưa ra câu trả lời thuyết phục.

Trước đây, mỗi lần tăng trưởng nhích lên đều đi kèm với nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát tăng cao. Quý I/2008, GDP tăng 7,43% nhưng lạm phát lên tới 9,19%, khởi đầu cho một giai đoạn mà các chỉ tiêu tăng trưởng - lạm phát thay nhau trồi sụt.

Ngược lại, tăng trưởng GDP trong quý I/2015 dù cao kỷ lục nhưng lạm phát vẫn ở mức rất thấp. Như nhận xét của Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn, tình hình kinh tế vĩ mô đang “ở trạng thái cân bằng đẹp nhất trong nhiều năm qua”.

Từ đầu năm 2015, không ít tổ chức quốc tế đã dự báo về một giai đoạn tăng trưởng mới của kinh tế Việt Nam. Mới nhất, ngày 24/3, hãng tin tài chính Bloomberg cũng cho rằng Việt Nam có thể trở thành “con hổ mới” của châu Á.

Cải cách bao giờ cũng có độ trễ và cần phải có thời gian để những đổi mới chính sách tác động vào thực tiễn. Thực tế kinh tế-xã hội đầu năm 2015 đang chứng tỏ hiệu quả “tiền tươi thóc thật” của cải cách, chứng tỏ rằng những nhận định của các chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế là hoàn toàn có cơ sở. Và nền tảng vững chắc cho triển vọng lạc quan đó chính là những cải cách mà Chính phủ đang thực thi.

 

>>>GDP quý I bất ngờ tăng vượt dự báo

 

Theo Hà Chính

PV

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên