Đầu tư 10 đồng bán 1 đồng: DDNN không mất vốn mới lạ?
Nhiều DNNN có kế hoạch thoái vốn ngoài ngành, bán vốn Nhà nước ở các công ty con, công ty liên kết nhưng không phải kế hoạch nào cũng may mắn thành công.
- 06-06-2015Ngân sách eo hẹp vẫn trả nợ thay DNNN tỷ USD
- 06-06-2015Các DNNN còn gần 20 nghìn tỷ đồng đầu tư ngoài ngành sẽ phải thoái vốn trong năm nay
- 20-05-2015Cổ phần hóa DNNN khó về đích
Rao mãi không ai mua
Ngày 4/6, cuộc bán đấu giá cổ phần của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) đã bị hủy bỏ do đến hết thời hạn mà không có ai tham dự.Như vậy, EVN vẫn tiếp tục sở hữu gần 11,5 triệu cổ phiếu ABS, tương ứng gần 29% vốn điều lệ công ty..
Sự ế ẩm trong các đợt thoái vốn ngoài ngành của các DNNN khá phổ biến trong thời gian gần đây, xảy ra ở nhiều phiên đấu giá cổ phần, nhất là trong thời kỳ TTCK không mấy hấp dẫn như trong thời gian gần đây.
Đầu tháng 6/2015, Vinaconex (VCG) đã không thể bán được 6% cổ phần tại CTCP Xây dựng số 15 (V15). Cổ phiếu V15 bị tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 11/5/2015”. Hồi tháng 4, Vinaconex đã nhắm mắt thoái 45% cổ phần tại DN này với giá bèo khoảng 1.000 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán Hòa Bình (HBS) cũng đã từng chứng kiến cảnh 5-7 lần bán cổ phiếu bất thành. Trong suốt một năm 2013, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico) đã rao bán cổ phiếu HBS với giá giảm từ 14.000 đồng còn 6.800 đồng nhưng vẫn không thoái được vốn.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cũng đã từng chật vật thoái vốn tại Công ty cổ phần Bảo hiểm SHB - Vinacomin (SVIC). Có những phiên đấu giá cổ phiếu này cũng đã buộc phải hủy do chỉ có duy nhất một NĐT đăng ký tham gia, không đủ điều kiện tổ chức.
Nhiều tập đoàn và tổng công ty Nhà nước khác cũng nằm trong tình cảnh tương tự khi mà số vốn đầu tư ngoài ngành là rất lớn và dàn trải nhưng việc thoái lui khỏi các lĩnh vực không phải trọng tâm kinh doanh của mình lại rất khó khăn, gần như chưa tìm ra lối thoát.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thoái vốn ở các DN con, DN thành viên với phần lớn lý do đưa ra là do thị trường xấu, tính thanh khoản kém và chưa đạt được giá như kỳ vọng.
Cầu thấp, cung lớn hay cổ phiếu kém hấp dẫn
Sự ế ẩm bán đấu giá cổ phần của EVN tại ABS là có lẽ không thể tránh khỏi bởi đầu tư vào các CTCK giờ không còn hấp dẫn các NĐT. Hàng loạt các CTCK làm ăn kém hiệu quả. ABS trong khi đó cũng thuộc đối tượng chìm nghỉm trên thị trường này. Cuộc đua thị phần môi giới hay tư vấn đầu tư vài năm gần đây rơi vào tốp 10 với một số gương mặt nổi bật như SSI, HSC, VNDS, MBS, FPTS, VCBS, VCSC, BSC, CTS, ACBS…
Với tình trạng này, kỳ vọng thoái vốn ngoài ngành, rút chân ra khỏi lĩnh vực chứng khoán, thu về hơn 100 tỷ đồng của EVN xem chừng cũng còn mờ mịt. Trong khi đó, theo đề án tái cơ cấu, EVN chỉ còn chưa đầy 6 tháng để thoái vốn ngoài ngành. Áp lực thoái vốn khỏi AnBinhBank, Bảo hiểm Toàn Cầu… có lẽ cũng khiến ông lớn EVN không khỏi lo lắng.
Trong trường hợp Vinaconex thoái vốn tại V15. Tổng công ty này đã khá thành công khi thoái vốn được 45% trong tổng cộng 51% nắm giữ. Tuy nhiên, Vinaconex có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bán nốt 6% cổ phần còn lại tại V15. Báo cáo tài chính của V15 đã bị kiểm toán Deloitte từ chối đưa ra ý kiến. Cổ phiếu này đã bị tạm ngừng giao dịch từ 11/5 và đứng trước án hủy niêm yết bắt buộc.
Sau khi bán được gần 300 nghìn cổ phiếu HBS hồi tháng 3/2012, Handico đã liên tục giảm giá cổ phiếu này 14.000 đồng còn 6.800 đồng nhưng vẫn không thoái được 1,25 triệu cổ phiếu còn lại. Hiện tại, giá trị sổ sách của HBS vẫn còn trên 11.000 đồng/cp nhưng thị giá giao dịch trên thị trường chỉ còn 4.800 đồng/cp và Handico có lẽ vẫn phải làm cổ đông bất đắc dĩ của DN này.
Gần đây, Vinalines khá thành công trong việc bán cổ phần ở một số cảng. Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong ngành, đó là những tài sản có giá trị thực chất nhất của tổng công ty này. Hàng loạt các DN vận tải biển khác mà Vinalines có cổ phần tại đó và chưa thoái vốn được đều đang là những gánh nặng đối với ông lớn này.
Hồi đầu tháng 2/2015, Vinalines đã đăng ký chuyển nhượng 12,6 triệu cổ phiếu CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS) cho Ngân hàng ACB để cấn trừ nợ. Mức giá chuyển nhượng là 10.000 đồng/cp, cao hơn khá nhiều so với thị giá hiện tại khoảng 4.000 đồng/cp.
Ngay tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), đại diện đơn vị này cũng đã từng chia sẻ, trong 8 tháng cuối năm 2015, mỗi ngày SCIC phải bán 1 DN.
Việc thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty, hay thoái vốn Nhà nước khỏi các DN là một trọng tâm trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Nó có thể giúp nền kinh tế trở nên hiệu quả và cạnh tranh hơn về dài hạn.
Tuy nhiên, hiện tại, lượng cung cổ phiếu ra thị trường quá lớn, trong khi cầu thấp. Bên cạnh đó, nhiều DN được đưa ra chào bán quá yếu kém. Những yếu tố gây ra rất nhiều khó khăn cho quá trình thoái vốn Nhà nước. Nhiều chính sách đã được đưa ra hoặc tính toán như: cho phép bán dưới mệnh giá, bán đấu giá cổ phần trọn lô, nới room ngoại… Mặc dù vậy, không ít DN yếu kém tới mức bán ở mức giá rất thấp cũng không có NĐT quan tâm. Đại diện SCIC cho biết, có DN phải bán giá 500 đồng/cp, chỉ bằng 1/20 so với mệnh giá.
Theo kế hoạch, việc thoái vốn Nhà nước đối với các khoản vốn đã đầu tư vào ngành, lĩnh vực không thuộc ngành kinh doanh chính của DN sẽ được hoàn thành trước ngày 31/12/2015.