MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư bán lẻ điện máy: Một nghề sống đống nghề chết

Hàng loạt các hãng bán lẻ điện máy rơi rụng trong thời gian qua chính là bài học cho việc đầu tư theo kiểu “một nghề sống, đống nghề chết” khi kinh doanh điện máy.

Nội dung nổi bật:

- Đầu tư bán lẻ điện máy được ví như một... canh bạc khi mà trong 5 năm qua, mỗi năm có một thương hiệu tên tuổi phải rời cuộc chơi.

- Tuy nhiên, sự thất bại của các thương hiệu bán lẻ điện máy được giới trong ngành đánh giá, là do những hạn chế về nguồn lực, sự yếu kém trong quản trị và sai lầm trong chiến lược. Đặc biệt, là tình trạng không ít các DN đầu tư kinh doanh theo kiểu "đứng núi này, trông núi nọ", kiến DN sa lầy trong khó khăn.

- Một số chuyên gia bán lẻ điện máy dự báo, giai đoạn 2015 - 2018 sẽ tiếp tục có sự thanh lọc và khi thị trường ổn định sẽ chỉ còn top 3 đến 5 DN tồn tại.


Nhìn lại bức tranh ngành bán lẻ điện máy trong 5 năm qua, đã có liên tiếp 5 hệ thống siêu thị điện máy được xem là có tên tuổi phải chấp nhận gục ngã, rời bỏ cuộc chơi.

Đó đều là những cái tên “đình đám” một thời, sở hữu hệ thống chuỗi siêu thị hoành tráng. Song với một thị trường cạnh tranh khốc liệt và có tính đào thải cao, những thương hiệu này đã không vượt qua được sự khắc nghiệt của thị trường.

Ông lớn cũng run vì bão phá sản

“Phát súng” đầu tiên phải kể đến là vụ phá sản của WonderBuy vào năm 2011. Chỉ sau một năm hoạt động, các nhà đầu tư của thương hiệu bán lẻ này đã phải công bố khoản lỗ lên tới 52 tỷ đồng và chính thức phá sản.

Tiếp đến năm 2012, BestCaring cũng phải lặng lẽ rời thị trường. Sự ra đi của thương hiệu này gây không ít bất ngờ, khi mà BestCaring từng là một trong những tên tuổi lớn được vinh danh ở châu Á.

Một năm sau đó, HomeOne tiếp tục là cái tên được nhắc đến trong “làn sóng” phá sản của các siêu thị điện máy khi lần lượt đóng các điểm bán lẻ.

Vận hạn tiếp tục không “tha” cho ngành bán lẻ điện máy, khi hai cái tên sáng giá một thời ở thị trường Hà Nội là Việt Long và Topcare cũng chính thức đóng cửa.

Gần đây, thị trường điện máy lại nổi sóng khi ngay cả cái tên đình đám nhất là Nguyễn Kim cũng phải bán tới 49% cổ phần. Ngay sau đó, giới kinh doanh điện máy râm ran tin đồn ông lớn Pico cũng đã về tay chủ mới của Nguyễn Kim là Cetral Group.

Với làn sóng phá sản càn quét suốt 5 năm qua, cùng động thái bán cổ phần của hàng loạt những ông lớn, cho thấy đầu tư vào bán lẻ điện máy sẽ như một… canh bạc.

Dẫn chứng từ trường hợp gần đây nhất với điện máy Topcare, một chuyên gia trong ngành cho rằng hãng này sai lầm trong mở điểm. Theo vị này, mặc dù có nhân sự tốt, quản trị khá ổn, song trong số 4 điểm bán thì Topcare mở sai tới 3 điểm.

Dẫn tới, hệ thống bị mất sức sống rất nhanh, khi luồng tiền không được lưu thông và các điểm không còn khả năng vận hành.

Chết vì đứng núi này trông núi nọ?

Tuy nhiên, theo một vị chuyên gia khác chia sẻ với phóng viên, Topcare “chết” nhanh hơn là bởi có sự tham gia của một ông lớn ngoài ngành đầu tư vào. Được biết, đây là DN tài chính, không hiểu nghề, song lại kiểm soát rất chặt về dòng tiền, nguồn hàng.

Do đó, với một thị trường yêu cầu tính linh hoạt rất cao, khai thác theo từng mùa vụ và dòng sản phẩm, cách quản lý này đã khiến cho DN dễ rơi vào khủng hoảng, khi không linh động trong kế hoạch kinh doanh. Trong khi đó, Topcare đăng ký tới 37 ngành nghề kinh doanh, gồm cả những ngành "nhạy cảm" như bất động sản.

Hay với câu chuyện của Nguyễn Kim và Pico, dù những lãnh đạo của các DN này chưa chính thức tuyên bố rời thị trường. Song việc chính thức hay có tin đồn bán cổ phần, cũng cho thấy các nhà đầu tư này không còn “mặn mà” với nghề.

Một thông tin từ người trong ngành chia sẻ, số tiền bán 49% cổ phần hiện đang được Nguyễn Kim rút ra để “đập” vào các mảng kinh doanh khác vốn không mấy thuận lợi. Do đó, động thái liên doanh được nhận định là giúp Nguyễn Kim tránh được nguy cơ rơi vào vòng xoáy phá sản.

Còn với Pico, thông tin mà phóng viên có được thì hiện những người sáng lập ra hãng bán lẻ điện máy này cũng đã không còn tâm huyết với nghề.

Hiện, những nhà lãnh đạo của Pico đang đầu tư vào lĩnh vực nhà hàng, cho thuê văn phòng tại TP.HCM. Nhiều đồn đoán cho biết, các nhà đầu tư của Pico có thể sẽ “bỏ nghề” trong thời gian tới?

Từ bài học của Topcare hay chuyện của Nguyễn Kim và Pico nhìn sang “lính mới” VinPro, giới trong ngành cho rằng nếu nhà đầu tư VinGroup chỉ xem bán lẻ điện máy như một nghề để đầu tư kiếm lời, mục đích để kinh doanh bất động sản, thì tương lai của DN này cũng sẽ rất “khó sống” trên thị trường.

Trao đổi với phóng viên, một vị Giám đốc chiến lược của hãng điện máy tại Hà Nội cho rằng, sự khốc liệt chính là cách để thị trường tái cấu trúc, hoàn thiện các mô hình kinh doanh.

Do đó, những gì diễn ra với bán lẻ điện máy, là rất bình thường và phù hợp với quy luật chung.

“Chỉ có điều chúng ta thấy những thay đổi với bán lẻ điện máy diễn ra nhanh chóng hơn so với nhiều ngành hàng khác. Quá trình này sẽ diễn ra nhanh và mạnh trong giai đoạn 2015 – 2018, sau đó đi vào ổn định khi chỉ có top 3 đến 5 có thể tồn tại”, vị này nhận định.

 

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên