MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư dự án BOT, BT giao thông: Nguy cơ lỗ do lãi vay cao

Không ít nhà đầu tư dự án GT theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT) hoặc bán quyền giao thông đứng trước nguy cơ thua lỗ do lãi vay cao, khó tiếp cận vốn.

Thời điểm này, mặc dù Hợp đồng BT Dự án thành phần I đoạn Km 0 – Km 123 + 105, Dự án Cải tạo và nâng cấp Quốc lộ 20 nối hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai vẫn chưa được ký kết, nhưng chắc chắn rằng, liên danh do Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý giao thông Cửu Long đứng đầu sẽ được Bộ Giao thông - Vận tải chỉ định là nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngay cả khi 4 đơn vị tham gia liên danh đều là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản lý thi công, thì việc nhận đầu tư dự án có tổng mức đầu tư lên tới 4.600 tỷ đồng theo hình thức BT trong giai đoạn hiện tại thực sự là một quyết định mạo hiểm.

Ngoài việc phải có được cam kết tài trợ đủ vốn để dòng tiền đầu tư cho Dự án không bị đứt mạch, mức lãi suất huy động vốn không được vượt trần 4,5%/năm mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Giao thông – Vận tải ấn định thực sự là một điều kiện khó cho nhà đầu tư.

Theo ông Trần Quốc Việt, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông – Vận tải), ngoài chi phí xây dựng, đền bù giải phóng mặt bằng, tổng mức đầu tư 4.600 tỷ đồng của Dự án bao gồm cả lợi nhuận định mức, lãi vay và cả hai khoản dự phòng khối lượng và trượt giá.

Với trần lãi suất chưa bằng 1/3 lãi suất cho vay thương mại trung hạn, nên ngay cả khi chấp nhận “hy sinh” lợi nhuận định mức, có biện pháp tổ chức thi công tối ưu, thì nguy cơ thua lỗ đối với nhà đầu tư cũng rất lớn khi Dự án kết thúc sau 3 năm tới.

Cần phải nói thêm rằng, tình trạng “bỏ của chạy lấy người” đã diễn ra tại một số hợp đồng BT, chuyển giao quyền thu phí giao thông, do nhà đầu tư không huy động được vốn, hoặc lãi suất huy động vốn vượt quá bài toán tài chính dự án.

Được biết, đầu tháng 11/2011, Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (BEDC) đã phải có văn bản đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải cho phép không tiếp tục thực hiện Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Cần phải nói thêm rằng, tại dự án này, chủ đầu tư được hưởng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, như thu phí cầu Mỹ Thuận; được quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và thu phí trên Quốc lộ 1; độc quyền khai thác các dịch vụ, cơ sở hạ tầng trong phạm vi đường và các công trình ngầm; độc quyền kinh doanh quảng cáo dọc tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Không chỉ có vậy, công ty cổ phần do BIDV góp phần lớn vốn này còn từ chối luôn quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Việc góp vốn của các cổ đông vào BEDC không đạt yêu cầu cũng như quá trình thu xếp vốn từ các tổ chức tín dụng khác trong bối cảnh hiện nay là rất khó khăn, khi các định chế tài chính nước ngoài đã có văn bản không tiếp tục xem xét tài trợ dự án là những lý do khiến BIDV từ chối 2 dự án nói trên.

Việc BIDV từ chối mua quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương khiến Bộ Giao thông – Vận tải lâm vào thế khó. “Vào thời điểm hiện tại, rất ít nhà đầu tư trong nước có đủ tiềm lực bỏ ra một lúc gần 10.000 tỷ đồng để mua quyền thu phí dự án trong 20 – 25 năm”, ông Viên cho biết.

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, không ít nhà đầu tư tư nhân đang cân nhắc lại quyết định tham gia đầu tư các dự án BOT giao thông quy mô lớn trước những rủi ro rất lớn trong việc huy động vốn.

“Nếu tình hình kinh tế vĩ mô không sớm ổn định, mục tiêu huy động 300.000 tỷ đồng vốn từ nay đến năm 2015 từ nguồn vốn ngoài ngân sách sẽ rất khó khả thi”, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam đánh giá.

Theo Anh Minh

Báo Đầu Tư

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên