MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dệt may và CNTT sẽ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam

Ngành hàng dệt may được kỳ vọng sẽ đóng góp gần 20% cho tăng trưởng của ngành xuất khẩu hàng tiêu dùng từ nay đến năm 2030. Việt Nam cũng đã tạo dựng được sự hiện diện trên thị trường viễn thông toàn cầu.

Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo Kết nối giao thương Việt Nam. Tổ chức này cho rằng, nhờ mức nhân công thấp và vị trí địa lý gần các nền kinh tế phát triển nhanh trong khu vực, dẫn đầu là Trung Quốc sẽ giúp thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng mạnh vào Việt Nam trong những năm gần đây.

Các thỏa thuận thương mại với khối ASEAN, Mỹ, và châu Âu trong những năm sắp tới sẽ đảm bảo cho Việt Nam mở cửa thị trường cho các ngành xuất khẩu giá trị cao hơn và giúp giảm chi phí nhập khẩu.

“Với bối cảnh này, chúng tôi dự đoán tăng trưởng GDP thực của Việt Nam sẽ hơn 5% mỗi năm trong một thập kỷ cho đến năm 2030” – HSBC nhấn mạnh.

Dệt may và CNTT sẽ hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu cho Việt Nam

Ngành hàng dệt may được kỳ vọng sẽ đóng góp gần 20% cho tăng trưởng của ngành xuất khẩu hàng tiêu dùng từ nay đến năm 2030. Việt Nam cũng đã tạo dựng được sự hiện diện trên thị trường viễn thông toàn cầu.

Theo HSBC, điều này giúp Việt Nam ở vị thế tốt để đáp ứng các nhu cầu đang tăng đối với hàng tiêu dùng tại khu vực châu Á mới nổi.

Sau ngành dệt may, ngành CNTT&VT sẽ đóng góp nhiều thứ hai cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn từ 2015 đến 2030.

Trung Quốc sẽ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

HSBC dự báo, các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam từ nay đến năm 2030 là: Trung Quốc, Ấn Độ, và Malaysia (tăng trưởng xuất khẩu đến các thị trường này ít nhất khoảng 14% mỗi năm).

Mặc dù Mỹ vẫn là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào năm 2013 nhưng ngân hàng dự đoán Trung Quốc sẽ thay thế vị trí của Mỹ để trở thành đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào năm 2030.

Tuy nhiên, HSBC cũng nhắc lại rằng, Mỹ và Việt Nam có lịch sử quan hệ giao thương mạnh và đến năm 2030 Mỹ vẫn sẽ chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam và Mỹ là hai trong số 12 quốc gia tham gia đàm phán hiệp định TPP.

Khi hiệp định này được chốt lại, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh cao hơn tại Mỹ và nhiều khả năng hiệp định TPP sẽ thúc đẩy giao thương giữa hai nước này.

Máy móc tiếp tục là ngành nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam

Theo báo cáo về mức độ canh tranh toàn cầu “Global Competitiveness” của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum), điểm cơ sở vật chất của Việt Nam đã cải thiện trong thập kỷ vừa qua, cho thấy sức tăng trưởng mạnh và được hỗ trợ bởi các dòng vốn FDI lớn hơn.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chỉ xếp thứ 81 ở hạng mục cơ sở vật chất trong tổng số 144 quốc gia trong báo cáo mới nhất. Vị trí này thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan xếp thứ 48, và Indonesia xếp thứ 56.

HSBC kỳ vọng nhập khẩu máy móc tiếp tục là ngành nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam từ nay đến năm 2030 khi việc phát triển đầu tư cơ sở hạ tầng được thực hiện một cách bền vững. Ngành này đóng góp 1/4 cho tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Hai ngành nhập khẩu quan trọng tiếp theo của Việt Nam sẽ là nguyên vật liệu dệt may (và nguyên vật liệu gỗ) và các thiết bị CNTT & VT hỗ trợ cho các ngành xuất khẩu trong lĩnh vực này.

 

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên