MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dệt may Việt Nam chưa sẵn sàng với TPP?

Dù cho việc đầu tư vào nguyên phụ liệu vận hành đúng kế hoạch, mặc nhiên chúng ta vẫn chậm so với các đối tác nước ngoài. Nhưng, chúng ta có thể trông đợi TPP đẩy mạnh tiến trình cải cách ở VN.

Vinatex xoay sở vốn đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu

Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex vừa mới công bố kế hoạch đầu tư năm 2014. Theo đó, năm 2014 Vinatex sẽ triển khai 57 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 9.722 tỷ đồng, trong đó năm nay Vinatex sẽ giải ngân khoảng 4.915 tỷ đồng.

57 dự án đầu tư bao gồm: 15 dự án sợi, 8 dự án dệt, 24 dự án may, 2 dự án bông trang trại; trong đó trọng điểm là: 2 nhà máy sản xuất vải yarn dyed (vải nhuộm sợi rồi dệt) công suất 12 triệu m/năm; 2 nhà máy sản xuất vải solid dyed (nhuộm vải mộc) công suất 40 triệu m/năm và chuỗi các nhà máy sợi với tổng quy mô 200.000 cọc sợi.

Sau khi các dự án hoàn thành, năng lực nguyên, phụ liệu tăng thêm của Tập đoàn sẽ khoảng 7.000 tấn sợi, 1,1 triệu veston, 4.000 tấn vải dệt kim, trên 20 triệu mét vải dệt thoi.

Năm nay, Vinatex sẽ chính thức cổ phần hóa. Sau khi cổ phần hóa, vốn điều lệ của Tập đoàn sẽ đạt khoảng 5.000 tỷ đồng, 49% cổ phần sẽ được bán ra bên ngoài, Nhà nước nắm giữ 51% cổ phần. Hiện vốn điều lệ của Vinatex chỉ khoảng 4.000 tỷ đồng cũng có nghĩa lượng vốn đi vay cho đầu tư là rất lớn.

Trước đó, giữa tháng 1/2014, Ngân hàng BIDV và Vinatex đã ký kết thỏa thuận tài trợ vốn và dịch vụ thực hiện đầu tư mở rộng, đổi mới công nghệ hướng tới Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tổng giá trị cam kết của gói tài trợ là 600 triệu USD trong giai đoạn 2014-2016.

Dẫn lời lãnh đạo của Vinatex, ông Trần Quang Nghị, với mức vốn đầu tư khoảng 9.722 tỷ đồng là rất lớn và không dễ xoay sở.

Đối tác ngoại đã sẵn sàng!

Trong khi Vinatex đang loay hoay thu xếp vốn khoảng 9.722 tỷ đồng được cho là quá lớn và không dễ xoay sở  để  đầu tư vào các dự án sản xuất nguyên phụ liệu, thì nhà máy mới của Tập đoàn Dệt may Texhong ở Quảng Ninh đã đi vào hoạt động.

Tập đoàn Texhong trong bản tin gửi Nhà đầu tư của họ cho biết: Nhà máy mới ở phía bắc Việt Nam đã hoạt động chính thức vào tháng 7/2013 bổ sung 170.000 thoi dệt, 30 máy xe sợi cùng với các nhà máy hiện hữu ở Trung Quốc và Việt Nam - bổ sung 600.000 thoi dệt, nâng tổng mức lên 1,77 triệu thoi dệt & 30 máy xe sợi.

Năm 2014, dự kiến nâng công suất nhà máy ở phía Bắc Việt Nam lên 230.000 thoi dệt. Cùng với việc mở rộng sản xuất tại các nhà máy khác ở ShangDong-Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Urugoay, tổng chi phí đầu tư dự kiến lên đến 1,35 tỉ NDT.

TexHong kỳ vọng sẽ tận dụng lợi thế về chi phí rẻ của các nhà máy Việt Nam khi Việt Nam gia nhập TPP.

Tương tự như Texhong, Tập đoàn Crystal của Hồng Kong sẽ đầu tư khoảng 425 triệu USD vào dự án dệt Pacific Crystal và 120 triệu USD vào dự án may Tinh Lợi mở rộng ở miền Bắc Việt Nam.

Theo thống kê, có đến 1 tỷ USD của các nhà dệt may nước ngoài sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam để đón đầu TPP (Tập đoàn Hong Kong’s TaL Group đầu tư 200 triệu USD; TexHong đầu tư 300 triệu USD, Korea’s Kyungbang đăng ký đầu tư mới 40 triệu USD, Tập đoàn dệt may Pacific đầu tư 180 triệu USD....).

Ngành Dệt may Việt Nam chưa đủ điều kiện để hưởng lợi TPP?

Trong khi truyền thông cũng như các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, các tổ chức tính toán ngành dệt may Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ, tăng gấp 3 kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đạt mức 20 tỷ USD vào năm 2020; nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi.

Nhưng với thực trạng ngành hiện nay, công chúng hoài nghi về khả năng đến năm 2016 ngành dệt may Việt Nam vẫn chưa hội đủ điều kiện để hưởng lợi và có thể thua ngay trên sân nhà, chưa kể có thể mất thị phần nội địa với sản phẩm trung cao cấp.

Bởi, dù cho Chính phủ đang nổ lực, quyết tâm cải cách, tái cấu trúc khối doanh nghiệp nhà nước trong vòng 2 năm 2014 – 2015, nhằm giải quyết những tồn tại tiêu cực của khối này cũng như tạo ra sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, thì Việt Nam đối mặt với thách thức khác.  

Một, điều kiện ràng buộc về xuất xứ trong TPP đối với sản phẩm dệt may – nguyên tắc xuất xứ tính từ sợi. Giả định Vinatex thu xếp được vốn dồi dào, các dự án được đầu tư và đưa vào vận hành đúng kế hoạch, mặc nhiên Vinatex vẫn chậm so với các đối tác nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam.

Hai, việc đồng loạt cả phía doanh nghiệp Việt Nam lẫn khối doanh nghiệp nước ngoài vào ngành nguyên phụ liệu sẽ có sự cạnh tranh nhất định về lao động, qua đó đẩy chi phí nhân công lên cao. Điều này có thể ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm đầu ra.  

Ba, vấn đề tự do nghiệp đoàn trong cam kết TPP – quyền lập hội của người lao động. Quyền lập hội của người lao động thực ra đã có ở Việt Nam, nhưng đa phần chỉ ở những doanh nghiệp Nhà nước – công đoàn. 

Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên