Dệt may Việt Nam thua Campuchia tại EU: Nhanh chóng nhìn lại năng lực của chính mình
Việc hàng dệt may của Campuchia đang nắm giữ được thị phần lớn hơn Việt Nam tại thị trường EU chỉ mang tính thời điểm và dệt may Việt Nam sẽ sớm giành lại vị trí của mình.
- 01-03-2016Campuchia vượt Việt Nam xuất khẩu dệt may vào EU
- 29-02-2016Dệt may vào TPP: Hợp tác và chủ động
- 19-02-2016Các nhà sản xuất dệt may đang chuyển hướng sang Đông Nam Á
Đó là quan điểm được đại diện của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đưa ra khi trao đổi với chúng tôi về thông tin dệt may Việt Nam đang “thua” Campuchia tại thị trường này.
Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì cho rằng có thể trong thời điểm hiện nay Việt Nam có thể thua Campuchia trong một số mặt hàng, hoặc giảm sút về thị phần so với Campuchia tại EU. Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh dài hạn của Việt Nam tại thị trường này vẫn chủ yếu tập trung vào mặt hàng dệt may, da giày trong thời gian tới.
“Trên thực tế lĩnh vực này doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh tương đối dài hạn. Điều quan trọng là làm sao để giữ được sự cạnh tranh này, bởi trong thời gian tới, định hướng của chúng ta vẫn là phát triển những ngành sử dụng nhiều lao động” – ông Lộc nói.
Không phải thua cả lĩnh vực, mà chỉ một vài mặt hàng?
Đặt trong bối cảnh tái cấu trúc lại lực lượng lao động trong thời gian tới, Chủ tịch VCCI cho rằng sẽ có hàng triệu lao động nông nghiệp Việt Nam sẽ phải chuyển dịch sang các ngành công nghiệp và dịch vụ. Do đó, với những ngành có lợi thế thâm dụng lao động cao như dệt may và da giày thì tiếp tục là ngành chiến lược.
Vì vậy, Chủ tịch VCCI khẳng định rằng: “Trong ngắn hạn có thể thị phần giảm sút trong tương quan với các đối tác khác nhưng về dài hạn dệt may sẽ là ngành có lợi thế cạnh tranh cao”.
Đặt trong điều kiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã được ký kết, chuyên gia của EuroCham cũng khẳng định rằng khi FTA đi vào hiệu lực thì vị trí thứ hạng có thể thay đổi và Việt Nam vân là nước có lợi thế nhiều hơn tại EU trong xuất khẩu hàng dệt may.
Trước đó, theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) trong năm 2015, Campuchia đã vượt Việt Nam để vươn lên vị trí thứ 5 trong nhóm các thị trường xuất khẩu dệt may nhiều nhất vào EU. Cụ thể, Campuchia đã vượt Việt Nam về thị phần xuất khẩu vào thị trường này (thị phần của Campuchia là 3,64%, trong khi tỷ trọng của dệt may Việt Nam là 3,45% trong tổng kim ngạch hàng dệt may các nước xuất vào EU.
Tuy nhiên, trong một thông tin xác nhận mới đây của Vitas lại khẳng định việc Campuchia vượt Việt Nam về thị phần dệt may tại EU là không chính xác. Cụ thể, theo bảng thông tin mà Hiệp hội này đưa ra thì đây chỉ là thống kê hàng may mặc thuộc mã HS61 + HS62, song thông tin đưa ra lại có sự “nhầm lẫn” thành hàng dệt may nói chung.
Vitas cũng giải thích, trong năm 2014, tổng nhập khẩu hàng dệt may của EU28 (28 nước thành viên EU) từ Việt Nam là 2,53 tỷ Euro, tăng trưởng 21,31%; năm 2015 là 3,13 tỷ Euro, tăng trưởng 23,91%.
Trong khi đó, tổng nhập khẩu hàng dệt may (HS 50-63) của EU28 từ Campuchia, năm 2015 là 2,97 tỷ Euro, tăng trưởng 31,64%. Như vậy, tính tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào EU28 thì Việt Nam vẫn duy trì kim ngạch xuất khẩu cao hơn Campuchia.
Dệt may phải "suy nghĩ" lại về năng lực cạnh tranh của mình
Cho dù hàng dệt may Việt Nam chỉ "thua" Campuchia ở một vài mặt hàng, hay toàn bộ ngành hàng thì vị chuyên gia của EuroCham cũng như Chủ tịch VCCI đều cho rằng vấn đề năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may Việt Nam là điều cần phải suy ngẫm, để có thể tận dụng được các cơ hội về mà Hiệp định mang lại.
Theo đó, không chỉ là nâng cao cạnh tranh của từng doanh nghiệp, thì việc cải cách hành chính trong thời gian tới, nhằm giảm mạnh chi phí hành chính, giảm gánh nặng khác cho doanh nghiệp là rất cần thiết.
Đặc biệt là chi phí liên quan đến tiền lương và người lao động. Theo ông Lộc, nếu chính sách điều chỉnh tiền lương quá nhanh, và không phù hợp với sức khỏe của doanh nghiệp hiện nay, thì nguy cơ doanh nghiệp dệt may và da giày có thể mất lợi thế là nhãn tiền có thể xảy ra.
“Các chính sách tài chính cần có quyết định phù hợp, thì năng lực cạnh tranh của ngành dệt may mới được đảm bảo và ta mới có thể là nhà xuất khẩu dệt may hàng đầu vào EU và trong thời gian tới” - Ông Lộc nói.