Điều ngạc nhiên của Bộ trưởng!
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã có buổi đối thoại, giải đáp nhiều băn khoăn của lãnh đạo các doanh nghiệp trưa ngày 30/3.
- 30-03-2015Bloomberg: Ngành công nghiệp là “đòn bẩy” cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam
- 18-02-2015TS Lê Đăng Doanh: Kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi nhưng mức độ hội nhập rất cao
- 26-01-2015Bộ GTVT lên tiếng cảnh báo về hiện tượng “người quen của Bộ trưởng Thăng”
Tại buổi đối thoại, Bộ trưởng đã nêu lại một số câu chuyện khi ông trao đổi với người đứng đầu một số hiệp hội, chủ DN lớn.
Chưa chuẩn bị kỹ cho hội nhập
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, khi ông hỏi Chủ tịch 1 DN tư nhân lớn là đã chuẩn bị gì trong giai đoạn hội nhập sắp tới, các hiệp định FTA, TPP …được ký kết. Vị lãnh đạo DN này cho hay “chưa nắm rõ và cũng chưa chuẩn bị gì”. Điều này khiến Bộ trưởng hết sức ngạc nhiên.
Câu chuyện của Bộ trưởng Vinh cho thấy còn có nhiều vấn đề về môi trường kinh doanh phải cải thiện và sự “yếu kém” trong việc chuẩn bị quá trình hội nhập của các DN Việt.
Bộ trưởng cũng gửi thông điệp tới cộng đồng DN, khẳng định Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn khi tham gia ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do, cũng như tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Chính vì thế, điều quan trọng là làm sao để cộng đồng DN hiểu rõ những cơ hội và thách thức này để sẵn sàng chuẩn bị cho quá trình hội nhập. Bởi nếu không, DN Việt sẽ thua ngay trên sân nhà.
“Họ mở thị trường cho mình thì mình cũng phải mở cửa cho họ. Nhưng nếu mình yếu mà họ mạnh, nếu DN Việt không chuẩn bị đầy đủ sẽ khó cạnh tranh với DN ngoại có năng suất cao, công nghệ tiên tiến”, Bộ trưởng Vinh lưu ý.
Nhiều DN trong và ngoài nước tại buổi đối thoại đã đồng tình với những quan điểm thẳng thắn của Bộ trưởng Vinh nhưng cũng nêu lên một số băn khoăn về hoạt động đầu tư kinh doanh.
Khi được hỏi về định hướng thu hút FDI, Bộ trưởng Vinh cũng khẳng định, đã qua thời Việt Nam “trải thảm đỏ” thu hút FDI tràn lan. Đã đến lúc chỉ ưu tiên cho các dự án có chuyển giao công nghệ, không chỉ hút vốn, tạo giá trị xuất khẩu đơn thuần, mà phải có chuyển giao công nghệ, quản trị tiên tiến từ đó nâng tầm sức cạnh tranh, làm cho chất lượng kinh tế Việt Nam tăng lên.
Yêu cầu minh bạch
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng: Nghị quyết 19 của Chính phủ đang đi vào cuộc sống. Chính phủ đang rất sát sao đốc thúc các Bộ, ngành thực hiện (riêng lĩnh vực Thuế phải cắt giảm số giờ làm thủ tục còn 171 giờ…)
“Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm cải cách. 6 tháng gần đây là thời điểm Thủ tướng Chính phủ có những thay đổi quyết liệt nhất, đến tôi cũng phải ngỡ ngàng. Thủ tướng đã chỉ đạo phải làm sao để môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam phải đạt mức ASEAN 4, chứ không phải là ASEAN 6 như trước”, Bộ trưởng Vinh chia sẻ.
Điều quan trọng mà Chính phủ muốn hướng tới là vấn đề hoàn thiện thể chế, phải luật hóa , có các quy định tốt cho môi trường đầu tư. Các hoạt động cản trở DN, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư sẽ phải có các chế tài đủ mạnh. Đồng thời, quan trọng nhất vẫn là con người thực thi nghiêm túc các quy định.
Không thể tồn tại kiểu quy định đa nghĩa, trong đó Bộ hướng dẫn một kiểu, nhưng xuống cấp Sở, Phòng thì có thể “vận dụng” theo các hướng khác nhau (đôi khi vì lợi ích nhóm), như vậy là không minh bạch. Còn các DN tự mình cũng phải minh bạch trong môi trường đầu tư mới.
“Thực tế, đây là quá trình khó khăn, vì không có gì khó bằng đổi mới chính mình, nhiều người có thể chiến thắng đối thủ, nhưng chiến thắng chính mình, bỏ quyền lợi của mình là rất khó. Ví dụ Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo Luật Đầu tư công mới, đã trao lại nhiều quyền phân bổ đầu tư cho các địa phương, rõ ràng là có ảnh hưởng đến quyền lợi không ít người. Tuy nhiên, không thể vì quyền lợi của mình mà để một chính sách sai, làm đất nước tụt hậu ngày càng xa”, Bộ trưởng Vinh nói.
Không phân biệt DN tư nhân hay Nhà nước
Bộ trưởng cũng phản bác việc phân biệt doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và DN tư nhân. Vì nếu là chính quyền của dân, do dân và vì dân, trong đó DN tư nhân là của dân thì không có lý gì đặt DNNN lên cao hơn. Người dân và DN là người đóng thuế nuôi bộ máy, đóng góp cho tăng trưởng. Nhà nước không phải là “bề trên cai trị” mà phải là bộ máy phục vụ chính người dân.
“Dù là DN tư nhân, DNNN hay DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI ) thì đều có vai trò quyết định đối với nền kinh tế Việt Nam. Đến giờ, tôi có thể khẳng định rằng, DN tư nhân chính là nền tảng, là động lực của nền kinh tế Việt Nam. DN mạnh thì kinh tế Việt Nam mới mạnh được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Vinh khẳng định luôn luôn muốn lắng nghe và chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, cũng như các khó khăn, vướng mắc của các DN. Từ đó có những chính sách phù hợp để DN phát triển mạnh mẽ hơn.
“Thời gian trước nói và viết nhiều rồi, năm 2015 là thời điểm Chính phủ triển khai nhiều hành động thực tế. Chính người dân và DN sẽ đo đếm hiệu quả cải cách đó, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.
>>> Bộ trưởng choáng, Thống đốc giật mình, Phó thủ tướng bất ngờ
Theo Huy Thắng
Chinhphu.vn