MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

DNNN sẽ phải “chia tay” với ngân hàng, bất động sản

Nếu đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực quy định nêu trên không thuộc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư phải thực hiện phương án cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư.

Đây là một trong những nội dung quan trọng tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Theo đó, phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp gồm 4 ngành, lĩnh vực sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp nhà nước cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội, bao gồm: Dịch vụ bưu chính công ích; Xuất bản (không bao gồm lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm); Hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp theo quy định của pháp luật…

Thứ hai, doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên, bao gồm: Hệ thống truyền tải điện quốc gia, nhà máy thủy điện có quy mô lớn đa mục tiêu, nhà máy điện hạt nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội gán với quốc phòng, an ninh; In, đúc và sản xuất vàng miếng; Xổ số kiến thiết.

Thứ ba, doanh nghiệp nhà nước có chức năng đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, mua, bán và xử lý nợ phục vụ tái cơ cấu và hỗ trợ điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô; Trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ tư, doanh nghiệp nhà nước ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

Nghị định 91 cũng quy định rõ việc đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác.

Theo đó, Nhà nước chỉ thực hiện mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp trong 3 trường hợp: Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế thông qua việc thực hiện tái cơ cấu lại những doanh nghiệp hoạt động ở một số ngành, lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, bao gồm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phục vụ công nghiệp quốc phòng, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn chiến lược, biên giới đất liền, hải đảo; Cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội.

Một nội dung quan trọng của Nghị định 91 là doanh nghiệp nhà nước không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp doanh nghiệp nhà nước đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực quy định nêu trên không thuộc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư phải thực hiện phương án cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư theo quy định.

Về huy động vốn của doanh nghiệp nhà nước, Nghị định 91 quy định, doanh nghiệp nhà nước được trực tiếp vay vốn nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ cho bên vay nước ngoài theo đúng các điều kiện đã cam kết trong các thỏa thuận vay.

Điều kiện, trình tự, thủ tục xem xét chấp thuận khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh. Khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp phải nằm trong hạn mức vay nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và phải được đăng ký và xác nhận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định hiện hành.

Trước đó, báo cáo tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 12/10/2015 cho biết, về thoái vốn ngoài ngành, trong 8 tháng đầu năm cả nước đã thoái vốn được khoảng 8,39 nghìn tỷ đồng, thu về khoảng 12,38 nghìn tỷ đồng; bằng 1,48 lần giá trị sổ sách.

Trong đó: lĩnh vực bất động sản là 2,69 nghìn tỷ đồng, thu về 3,18 nghìn tỷ đồng; lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, tài chính là gần 1,3 nghỉn tỷ đồng thu về 1,35 nghìn tỷ đồng; bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp khác là 4,4 nghìn tỷ đồng, thu về 7,86 nghìn tỷ đồng.

Theo đánh giá của Chính phủ, việc các DN cổ phần hóa bắt buộc phải niêm yết trên thị trường đã tạo điêu kiện cho các nhà đầu tư sớm được giao dịch cổ phiếu sau cổ phần hóa, qua đó cũng góp phần tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu của DN và tạo cơ hội cho các DN tập dượt về các chế độ như công bố thông tin, báo cáo tài chính,... trước khi lên sàn niêm yết.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên