MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp FDI bỏ trốn: Việt Nam đã ứng xử "sai"?

Phải có môi trường thì cái xấu mới phát huy, “mua” bộ máy quản lý để họ chuộc lợi

PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam đã phân tích như vậy trước việc nhiều doanh nghiệp có vốn nước ngoài bỏ trốn, trốn thuế sau một thời gian dài đến kinh doanh tại Việt Nam.

Nền kinh tếbị 'trật khớp'

PV: -Thưa ông, gần đây liên tiếp có những thông tin về DN có vốn đầu tư nước ngoài bỏ trốn. Trong năm 2013, báo cáo của Bộ KHĐT cho thấy các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bỏ trốn trên cả nước đã lên tới con số 500. Ông bình luận gì về điều này?

PGS.TS Lê Cao Đoàn: - Sau một thời gian dài kỳ vọng vào FDI chúng ta mới ngộ ra rằng có rất nhiều điều phải bàn luận lại về cách ứng xử của Việt Nam chứ không phải bản chất của FDI.

Trong điều kiện hiện đại thì nền kinh tế toàn cầu đã thiết lập nên một hệ thống toàn cầu của các điều kiện tái sản xuất trong đó có vốn. Khi đó sự di chuyển của nguồn vốn là cơ hội để các nước đang phát triển có được nguồn lực rất quan trọng để thay đổi phương thức phát triển của mình.

Với doanh nghiệp FDI chủ đầu tư dùng vốn đầu tư vào sẽ làm tăng lượng vốn phát triển của đất nước lên tạo ra nguồn lực phát triển nhanh và tạo ra điều kiện để phát triển nền kinh tế,sử dụng tốt hơn nguồn lao động sẵn có tạo ra nguồn thu nhập mới cho quốc gia này.

Điều quan trọng bậc nhất không phải chỉ kiếm được thu nhập mà nó góp phần thay đổi phương thức sản xuất của một quốc gia đang phát triển sẽ giúp cho nền kinh tế quốc gia này biến chuyển nhanh hơn.

Nhưng đấy là những triển vọng mang tính chất lý thuyết còn thực tế điều ấy có diễn ra hay không thì tùy thuộc vào năng lực các nước nhận FDI. Còn nếu năng lực không phù hợp thì các nguồn lực bên ngoài đến chưa chắc đã đem lại sự phát triển thích ứng, thậm chí nó còn làm cho nền kinh tế của đất nước đó còn bị trật khớp gây ra những tổn thương lớn.

Tổn thương đó chính là hiện nay chúng ta đang vấp phải. Nghĩa là ở đây chính môi trường mà chúng ta xây lên đã tạo ra những kẽ hở để có những kẻ tìm đến không phải mang theo phương thức phát triển tiến bộ mà để kiếm lời, lợi dụng môi trường kinh doanh thao túngtrục lợi.

Nhìn ở góc độ kinh doanh chạy trốn ở đây có hai ý, một là thua lỗ phải trốn nợ, hai là có thể anh ta đã nuốt no rồi nên chuồn êm.

Việc doanh nghiệp này kiếm được tiền có thể không phải bằng con đường kinh doanh lành mạnh mà đã “nuốt” một cách có tính chất gian lận trong kinh doanh hoặc sử dụng quan hệ thân hữu để kiếm lợi rồi chuồn êm cũng có thể xảy ra.

PV: - Không chỉ bỏ trốn, con số DN FDI trốn thuế, chuyển giá cũng đáng báo động. Tổng cục Thuế đã chỉ rõ khi thanh tra tại 870 DN FDI có tới 720 DN vi phạm trốn thuế, hoặc kêu lỗ không đóng thuế. Trong khi đó các DN này đã và đang được nhận ưu đãi lớn (giảm thuế, đất đai, nhà xưởng, tín dụng…) tạo sân chơi bất công bằng khiến các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ không thể cạnh tranh được đã dẫn đến phá sản hoặc chết lâm sàng. Xét cả hai chiều hướng DN FDI và các DN trong nước đều dẫn đến kết luận kéo giảm nền kinh tế, ông có nhận xét gì về tình trạng lạ lùng này?

PGS.TS Lê Cao Đoàn: - FDI bản chất là phát triển nhưng trong trường hợp này là phản phát triển vì nó chỉ mang lại lợi cho một nhóm người thôi. Chúng ta đang bị rơi vào bẫy của FDI đi ngược lại quy luật của sự phát triển.

Câu chuyện về trốn thuế, lỗ giả lãi thật đã nhiều lần được phân tích. Trên thực tế các doanh nghiệp này giả làm lỗ nhưng thực ra không phải như vậy. Vậy tại sao nó làm được như thế? Chỉ khi năng lực quản lý yếu hoặc cố tình để họ được như vậy. Nhưng trong trườnghợp này tôinghi ngờ về môi trường kém nhiều hơn.

Nghĩa là yếu tố Rent Seeking đang phát huy tác dụng. Tức là thay vì hoạt động thương mại trong sản xuất, nỗ lực thay đổi năng lực thì nhà đầu tư lại chú ý tới yếu tố thao túng làm méo mó thị trường, móc ngoặc với quan chức để tăng lợi ích lên.

Thứ hai một nền kinh tế muốn phát triển được thì bàn thân nền kinh tế phải có năng lực kinh tế để thúc đẩy sự phát triển và hấp thụ, tiêu hóa được các nguồn lực của thế giới thông qua các kênh trong đó có nguồn vốn FDI. Khi đó mới có sự nối kết giữa hai trình độ phát triển để tích hợp tạo ra sự phát triển cao hơn.

Khi năng lực quản lý và thể chế tốt hơn thì dù là FDI hay ai đó muốn làm bậy cũng không được. Cái thất bại nhà nước là cái thất bại rất nghiêm trọng nhất trong phát triển nhưng dường như chúng ta đang bị phạm vào điều đó.

Phải có môi trường thì cái xấu mới phát huy trong khi ở ta như tôi đã từng phân tích, môi trường kinh doanh kém nhưng lại rất dễ dùng dùng phương thức thị trường để “mua” bộ máy quản lý và là môi trường tốt để họ chuộc lợi.

Như vậy thiệt thì cả nền kinh tế thiệt chứ không phải cá nhân nào. Thực trạng này xảy ra chính là từ nghịch lý môi trường xấu nhưng lại nhiều người muốn vào. Môi trường này có một số người trong vị trí quản lý của hệ thống của mình có thể 'buôn bán' được.

Cần có những cam kết chặt chẽ để các doanh nghiệp FDI lan tỏa phương thức sản xuất tiên tiến ở quốc gia mà họ đến
Cần có những cam kết chặt chẽ để các doanh nghiệp FDI lan tỏa phương thức sản xuất tiên tiến ở quốc gia mà họ đến

Phải chấn chỉnh ngay các doanh nghiệp FDI

PV: -Dù đã có nhiều cảnh báo của giới chuyên môn về việc chúng ta đang dành quá nhiều ưu đãi cho DN FDI, song thực tế này vẫn đang tiếp tục diễn ra và điển hình là câu chuyện của Formosa hay Bersa gần đây. Ông có cho rằng làn sóng “hớt váng” rồi rút êm sẽ diễn ra trong thời gian tới và bài học từ Thái Lan năm 1997 là một ví dụ?

PGS.TS Lê Cao Đoàn: -Ở đây không còn dự báo gì nữa mà mọi việc đang dần hé lộ. Giai đoạn đầu khát vốn chúng ta đã trải thảm là quá đúng. Nhưng dần dần đã bộc lộ có một sự chuyển biến trái chiều.

Dù không vơ đũa cả nắm các DN FDI nhưng con số Tổng cục thuế đưa ra là một con số không nhỏ. Là bức tranh u ám về các DN FDI. Không phải là câu chuyện thúc đẩy sự phát triển mà chỉ là sự mua bán nhờ môi trường kinh doanh kém. Như vậy là các DN FDIđi ngược lại sự kỳ vọng của chúng ta.

Ở một nước có pháp luật và các chế tài tốt thì làm sao họ có thể làm như thế được?. Cho nên theo quy luật để họ ăn no, biết là có lợi rồi nên rút đi. Điều này đã có trong chu trình có sự kiểm soát của họ. Họ đã ăn đủ rồi và đã khấu hao hết nên chuyện rời bỏ là có thể xảy ra.

PV: -Vậy trước thực trạng đó ông có kiến nghị?

PGS.TS Lê Cao Đoàn: - Có thể thấy ở nước ta FDI không phải là mang theo phương thức sản xuất tiến tiến làm lan tỏa, cũng không phải là động lực mà lại là một cách thức làm cho nền kinh tế của chúng ta kiệt quệ.

Chất lượng phát triển thấp vừa qua không đơn giản chỉ là trình độ phát triển thấp của doanh nghiệp kinh tế trong nước mà FDI cũng là một bộ phận góp phần rất mạnh vào việc làm cho chất lượng tăng trưởng thấp.

Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải cấu trúc lại cả nhóm FDI bởi họ đangchiếm 1/3 nền kinh tế. Cho nên phải tái cấu trúc lại cả nhóm này cơ bản hơn để chuyển thành một đòn bẩy thực sự hay là một phương thức để hiện đại hóa nền kinh tế.

Phải đặt vấn đề tái cấu trúc lại cả thể chế lẫn quan hệ với FDI trong tổng thể cả nền kinh tế chứ không nên nghĩ rằng đây là một tấm gương cho đất nước phát triển.

Phải sàng lọc FDI và cần có cam kết, chứng minh nếu họ vào sẽ góp phần phát triển, thúc đẩy phương thức phát triển kinh tế trong nước như thế nào chứ không đơn thuần là đóng thuế và tạo một chút công ăn việc làm.

Phải chấn chỉnh ngay FDI thì mới mong đem lại sự phát triển mới nếu không kinh tế sẽ bị thất bại.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

>>>

Theo Bích Ngọc

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên