MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp ô tô: Nhập khẩu hay lắp ráp?

Trường Hải và Toyota là hai DN chiếm hơn 60% thị phần ô tô tại VN và nếu có những chính sách phù hợp thì việc họ tiếp tục đầu tư lớn hơn nữa cho sản xuất, lắp ráp, gia tăng nội địa hóa là chuyện không quá xa.

Trong vòng 7 tháng vừa qua, trong số các mẫu xe tung ra thị trường hoặc chuẩn bị giới thiệu tại thị trường VN thời gian tới của các hãng ô tô tại VN đa phần đều là những mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc, mà không lắp ráp tại VN.

Liệu việc nhập khẩu xe nguyên chiếc có trở thành chủ đạo trong thời gian ngắn tới so với việc lắp ráp trong nước thời gian qua ?

Không còn là xu hướng

Điều này không phải bây giờ mà trong khoảng 5 -6 năm trở lại đây, hầu như tất cả các hãng ô tô có nhà máy tại Việt Nam đều vừa lắp ráp vừa nhập khẩu xe nguyên chiếc.

Và theo thời gian, tỷ lệ xe nhập khẩu nguyên chiếc so với xe lắp ráp của chính các thành viên trong Vama lại tăng dần lên, ngang bằng rồi vượt lên so với xe lắp ráp. Một số hãng có nhà máy ở VN gần như lấy các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc làm chủ đạo, lượng xe lắp ráp trong nước rất ít.

Theo thống kê trong 7 tháng đầu năm, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc về VN đạt khoảng 65.000 ngàn chiếc với giá trị kim ngạch nhập khẩu khoảng 1,72 tỷ USD, tăng gần 108% về lượng và gần 160% về giá trị (Tính trung bình VN nhập khẩu khoảng 10.000 xe/tháng).

Trả lời câu hỏi tại sao các hãng ô tô hiện nay chủ yếu nhập khẩu mà không tập trung đầu tư cho sản xuất, lắp ráp, dại diện Vama vẫn đưa ra những nguyên nhân đã cũ, mà trong đó nhấn mạnh là do dung lượng thị trường quá nhỏ.

Nhưng khi hỏi với dung lượng thị trường bao nhiêu thì đủ để các hãng ô tô tập trung đầu tư lớn cho sản xuất, lắp ráp hơn nữa thì vị đại diện này nói rằng không thể trả lời được.

Điều đó có nghĩa là các hãng ô tô tại VN chắc chắn sẽ tập trung vào việc nhập khẩu xe nguyên chiếc trong thời gian tới, nhất là thời điểm thực hiện các cam kết AFTA đang quá gần.

Điều này cũng có nghĩa là chiến lược pát triển công nghiệp ô tô tại VN thời gian qua đã thất bại, cho dù như ông Maruta, Chủ tịch Vama, TGĐ Toyota VN cho rằng: Chưa thể nói chiến lược xe hơi ở VN đã thất bại và thời gian tới Vama sẽ tiếp tục cùng chính phủ tìm thêm các giải pháp khắc phục để ngành công nghiệp này phát triển.

Việc ông Maruta phát biểu như vậy cũng có cái lý, bởi xét cho cùng đến thời điểm hiện nay, Toyota cùng với Trường Hải vẫn là các DN có số lượng tiêu thụ hàng đầu tại thị trường VN mà trong số đó đa phần là các mẫu xe được lắp ráp trong nước.

Tuy nhiên, điều cần đặt câu hỏi là liệu Toyota và Trường hải liệu có đủ sức kéo xu hướng nhập khẩu nguyên chiếc của những thành viên còn lại trong Vama? Khó, nếu như không muốn nói là không thể.

Cửa vẫn sáng cho lắp ráp

Xu hướng là vậy, nhưng vẫn còn “cửa” sáng cho lắp ráp và sản xuất trong nước. Thực tế, Trường Hải và Toyota là hai DN chiếm hơn 60% thị phần ô tô tại VN và nếu có những chính sách phù hợp thì việc họ tiếp tục đầu tư lớn hơn nữa cho sản xuất, lắp ráp, gia tăng nội địa hóa là chuyện không quá xa.

Mới đây, trong thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực chính phủ về Cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô VN đã khẳng định: “Ngành công nghiệp ô tô VN thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng chưa đáp ứng được các mục tiêu đề ra…”.

Đặc biệt, dự thảo các cơ chế, chính sách nêu ra còn chưa đủ mạnh, nhất là các quy định liên quan đến chính sách thuế.

Với những ưu đãi chi tiết đối với từng dòng xe, dự án cụ thể thì “cửa vẫn sáng” đối với việc đầu tư sản xuất, lắp ráp, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với các DN ô tô cũng như ngành công nghiệp này.

Và để đạt được các mục tiêu đề ra trong chiến lược và quy hoạch đã được phê duyệt, thủ tướng chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài Chính tiếp thu ý kiến các đại biểu tham dự cuộc họp để hoàn thiện dự thảo Quyết định về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược, Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô theo hướng: Đối với những nội dung liên quan đến khuyến khích sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô (Trong đó đặc biệt khuyến khích sản xuất động cơ, hộp số…) cần nêu rõ nội dung, tiến độ, những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội thì đề xuất giao các cơ quan liên quan chuẩn bị trình Quốc hội theo quy định.

Đối với những nội dung liên quan đến thuế thu nhập DN và thuế TTĐB cần điều chỉnh, sửa đổi, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng phương án sửa đổi, báo cáo chính phủ xem xét, trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13 với các nội dung như điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB theo nguyên tắc phân chia thành các nhóm nhỏ hơn quy định tại Luật Thuế TTĐB hiện hành, có tham khảo kinh nghiệm một số nước trong khu vực.

Cụ thể như giảm mức thuế suất thuế TTĐB đối với các dòng xe ưu tiên phát triển; áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB cao và đặc biệt cao đối với các dòng xe đến 9 chỗ có dung tích trên 3.0 lit, tiêu hao nhiều nhiên liệu, kích thước lớn, chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn và các chủng loại xe đến 9 chỗ có giá trị tuyệt đối lớn.

Đối với dự án có quy mô lớn sản xuất các dòng xe ưu tiên và dự án sản xuất các cụm chi tiết quan trọng thì áp dụng mức ưu đãi thuế thu nhập DN ưu đãi hơn quy định hiện hành; mức ưu đãi đối với từng dự án cụ thể do Thủ tướng chính phủ quyết định.

Với những vấn đề được Thủ tướng chính phủ kết luận như trên, nhiều chuyên gia khẳng định, cửa vẫn sáng cho sản xuất, lắp ráp ô tô tại VN. Đặc biệt, những vấn đề ưu đãi chi tiết đối với từng dự án cụ thể đã được xác định, không có sự ưu đãi đồng đều” như trước đây. Việc lựa chọn sản xuất, lắp ráp hay nhập khẩu xe nguyên chiếc hoàn toàn phụ thuộc vào từng doanh nghiệp.

 

Theo Bảo Nguyên

Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Trở lên trên