MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp than thủ tục về tài nguyên môi trường đứng đầu về sự phiên hà

Tài nguyên môi trường đứng đầu trong các lĩnh vực phiền hà khi DN thực hiện thủ tục hành chính với tỷ lệ DN phản ánh là 27%, trong đó, lĩnh vực đất đai là 21%, bảo vệ môi trường là 6%

Ngày 25/06/2014, Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI tổ chức “Hội nghị đối thoại doanh nghiệp năm 2014 về thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường”. Thứ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà và phó Chủ tịch thường trực VCCI Hoàng Văn Dũng đồng chủ trì hội nghị.

Tại Hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn – trưởng ban pháp chế của VCCI đã công bố kết quả khảo sát đánh giá của 219 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và hơn 8000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các địa phương về thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Theo đó, về mức độ kịp thời trong xử lý những bất cập lớn, vấn đề nóng phát sinh trong thi hành pháp luật, có 30,12% doanh nghiệp đánh giá là “tương đối kịp thời”, có 26,51% doanh nghiệp đánh giá bộ TNMT ở mức độ “không nhanh nhưng cũng không quá chậm”.

Theo khảo sát, Tài nguyên Môi trường (TNMT) là cơ quan đứng thứ 4 về thanh kiểm tra doanh nghiệp thường xuyên trong giai đoạn 2010 - 2013, sau các cơ quan Thuế, quản lý thị trường, An toàn phòng chống cháy nổ. Theo thống kê của VCCI, cứ 14 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp bị thanh kiểm tra về tài nguyên môi trường.

Nhưng đồng thời, TNMT lại là lĩnh vực mà các DN gặp nhiều khó khăn nhất khi thực hiện thủ tục hành chính. Trong khảo sát của VCCI, TNMT (bao gồm đất đai và bảo vệ môi trường) đứng đầu trong các lĩnh vực phiền hà khi DN thực hiện thủ tục hành chính (với tỷ lệ DN phản ánh là 27%, trong đó, lĩnh vực đất đai là 21%, bảo vệ môi trường là 6%). Đặc biệt, các DN đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai. Cụ thể, thủ tục hành chính là trở ngại chính đối với các DN khi mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh. Đứng đầu là thủ tục thuê, mua đất đai; đứng thứ hai là tỷ lệ DN phản ánh về việc quy hoạch đất đai của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của DN; xếp sau đó là giải phóng mặt bằng chậm. Điểm tích cực là tỷ lệ DN gặp khó khăn khi mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh có xu hướng giảm.

Khảo sát cũng cho biết khó khăn gia tăng ở thời gian và quy trình thực hiện nhưng có cải thiện tích cực về công khai giá đất, hướng dẫn của cán bộ và chi phí không chính thức.

Theo ông Tuấn, trong quá trình khảo sát, VCCI đã nhận được một số phản ánh của DN về các khó khăn như thủ tục tiến hành đánh giá tác động môi trường nhiều khi mang tính hình thức mà chưa thực chất. Thủ tục đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại chưa thuận lợi: DN không ký được hợp đồng với bất kỳ một DN xử lý chất thải nguy hại nào do không có DN xử lý chất thải nào tại địa bàn, mà nếu xử lý tại tỉnh khác sẽ làm tăng chi phí. Các cơ quan (xây dựng, môi trường, khoa học công nghệ) thiếu sự phối hợp giữa thẩm định công nghệ và cấp phép xử lý chất thải nguy hại. Bên cạnh đó, còn có nhiều mâu thuẫn về việc thẩm định phế liệu xem có phù hợp quy chuẩn hay không. Khi chuyển chất thải, phế liệu trong khu chế xuất ra ngoài, cơ quan hải quan coi đây là hành động nhập khẩu trong khi cơ quan môi trường lại nói là không. Điều này gây khó khăn cho DN.

Các DN cũng phản ánh về việc thủ tục xin chứng nhận đã hoàn thành công tác bảo vệ môi trường không thực hiện được khiến cho DN không được hưởng ưu đãi theo Nghị định 04/2009 về ưu đãi thuế, hạ tầng đối với các DN có hoạt động bảo vệ môi trường, thủ tục hành chính trong việc cấp phép thăm dò nước ngầm, khai thác nước ngầm, khai thác nước mặt và cấp phép xả thải vào nguồn nước bị kéo dài.

Trước những khó khăn đó, VCCI, đại diện cho các DN kiến nghị Bộ TNMT đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai để tạo thuận lợi cho DN và các nhà đầu tư.

Hồng Hà

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên