MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Trung Quốc bày tỏ mong muốn được làm ăn ở Việt Nam

Hoạt động sản xuất kinh doanh giữa Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là khu vực biên giới vẫn ổn định so với trước ngày 1/5.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 29/5, trả lời câu hỏi của báo chí về tình hình kinh tế-thương mại Việt Nam – Trung Quốc sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: “Chúng ta giữ vững quan điểm, chủ trương, chính sách không có thay đổi gì với quan điểm thương mại với các nước, trong đó có Trung Quốc."

“Từ trước đến nay khi kêu gọi đầu tư, Việt Nam không có chính sách riêng nào cho từng nước. Nhưng với đặc thù giữa hai nước thì kinh tế thương mại giữa 2 nước Việt Nam – Trung Quốc, chúng ta tin tưởng người dân 2 nước vẫn mong muốn yên bình để giao lưu thương mại và sản xuất. Vì vậy, chúng ta giữ vững quan điểm chủ trương chính sách không có thay đổi gì với quan điểm thương mại với các nước, trong đó có Trung Quốc” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho biết, Chính phủ và các DN xác định sẽ đa dạng thị trường, có cách tính toán để khi Trung Quốc ngăn chặn thì chúng ta vẫn có các phương án phát triển thương mại, thị trường. Và bản thân DN Trung Quốc vẫn cho biết họ vẫn hoạt động bình thường và bày tỏ mong muốn đầu tư sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Làm rõ hơn nội dung này tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Hoạt động sản xuất kinh doanh giữa Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là khu vực biên giới vẫn ổn định so với trước ngày 1/5. Đáng mừng là xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ cũng tăng so với cùng kỳ năm trước. Ông Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh rằng: Không phải đến khi có vụ việc trên Biển Đông chúng ta mới tính đến bài toán nhập siêu từ Trung Quốc và việc phụ thuộc vào 1 thị trường. Chúng ta cũng đã tính đến nhiều biện pháp giảm nhập siêu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh đặc điểm là nhập siêu từ Trung Quốc nhưng lại xuất siêu đi Mỹ, Hàn Quốc...

Về giải pháp tăng sản xuất từ trong nước, theo ông Đỗ Thắng Hải, chúng ta phải có chính sách hỗ trợ DN tăng hàng hóa nguyên phụ liệu sản xuất từ trong nước. Chúng ta cũng đang có những giải pháp căn cơ cho xuất khẩu là đa dạng hóa thị trường. Bên cạnh đó, có nhiều mặt hàng Việt Nam chất lượng tốt chưa được ưu tiên sử dụng thì cũng cần kêu gọi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng sản xuất trong nước để biểu thị tinh thần yêu nước.

Tại họp báo, thông tin về tình hình kinh tế xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: Trong tháng 5 tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định theo chiều hướng tốt. Lạm phát thấp so với cùng kỳ nhiều năm. Về phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh: Công nghiệp phát triển khá cao; nông nghiệp cũng có chiều hướng phát triển tích cực; xuất khẩu tăng; dự trữ ngoại tệ tăng; dịch vụ, nhất là du lịch cũng tăng... dù con số không phải là cao lắm chưa có gì đột biến nhưng chứng tỏ đã phục hồi. Các hoạt động văn hóa, xã hội diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, hạn chế là tổng cầu tiếp tục thấp, tín dụng chưa khởi sắc dù có cố gắng, nợ xấu chưa giải quyết được đúng theo tiến độ… Riêng số doanh nghiệp giải thể, phá sản không nhiều bằng thành lập mới nhưng con số còn rất lớn./.

Theo Vũ Hạnh

thunm

VOV

Trở lên trên