MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng Nai vượt kế hoạch thu hút vốn FDI cả năm 2015

Từ đầu năm đến ngày 15/4, thu hút vốn FDI của tỉnh Đồng Nai vào các khu công nghiệp (KCN) đạt hơn 925 triệu USD, vượt kế hoạch năm 2015 trên 25 triệu USD.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai, trong thời gian trên, có 28 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký 790,59 triệu USD và 22 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký 134,77 triệu USD.

Trong số các dự án FDI có vốn đầu tư lớn, nổi bật nhất là Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai (chuyên sản xuất các loại sợi vải mành, sợi spandex, nylon, polyester, sợi làm thảm, sợi thép các loại dùng làm lốp xe) với tổng vốn đầu tư hơn 600 triệu USD - Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai cho biết.

Trong thời gian trên, tỉnh Đồng Nai cũng đã thu hồi 23 dự án với tổng vốn thu hồi là gần 30 triệu USD. Hầu hết các dự án này nằm ngoài KCN và do chậm triển khai thực hiện.

Như vậy, tính đến nay, tổng số dự án đầu tư nước ngoài lũy kế được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Đồng Nai là 1.479, với tổng vốn đầu tư 27,03 tỷ USD. Trong đó, số dự án còn hiệu lực là 1.127 dự án với tổng vốn 22,54 tỷ USD.

Lãnh đạo Sở KH&ĐT Đồng Nai lý giải nguyên nhân thu hút nguồn vốn FDI vượt trước kế hoạch năm là do tỉnh đã tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.

Những năm gần đây, Đồng Nai luôn chú trọng và tích cực thực hiện cải thiện môi trường đầu tư và cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện, công khai, minh bạch, đơn giản, nhanh chóng, kip thời cùng với phương châm “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, “chính quyền phục vụ doanh nghiệp”.

Dự kiến, năm 2015 tỉnh Đồng Nai tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư FDI vượt ngưỡng 1 tỷ USD.

Chỉ chấp nhận các dự án “xanh”

Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp (KCN), trong đó có 28 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy bình quân 67%.

Tuy vẫn xác định rõ nguồn vốn FDI luôn đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế, song những năm gần đây, tỉnh Đồng Nai đã từ chối không ít dự án vì có công nghệ lạc hậu, nhiều chất thải, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Song song với việc chỉ thu hút những dự án sản xuất sạch, tỉnh cũng siết chặt việc quản lý và xử lý các nguồn thải với mục tiêu hướng đến sản xuất công nghiệp xanh.

Đầu tháng 7/2014, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về danh mục dự án thuộc ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư, thu hút đầu tư có điều kiện và tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, ưu tiên thu hút những ngành nghề sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ có công nghệ sản xuất sạch, sản xuất vật liệu mới, các dự án tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất sản phẩm phần cứng, phần mềm, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm.

Các dự án thu hút đầu tư có điều kiện là công nghiệp hỗ trợ có công đoạn xi mạ, phun phủ, đánh bóng kim loại, sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến thủy sản, sản xuất sơn, phụ gia chất tẩy rửa công nghiệp, dệt có công đoạn nhuộm, chế biến gỗ, dăm ván gỗ công nghiệp. Riêng thành phố Biên Hòa, ngoài những tiêu chí trên, còn thêm điều kiện chỉ chấp nhận những dự án sử dụng dưới 1.000 lao động/dự án.

Các ngành nghề tạm dừng thu hút đầu tư, gồm: Sản xuất giấy, bột giấy từ nguyên liệu thô, chế biến tinh bột sắn, chế biến mủ cao su chưa sơ chế, sản xuất hóa chất cơ bản, thuộc da, sơ chế da.

Đồng Nai, Bình Dương "khát" gần 100.000 lao động

PV

Theo Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên