MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dư 14.000 tỷ đồng từ Quốc lộ 1A: Các địa phương đua nhau xin dự án

Việc sử dụng hơn 14.000 tỷ đồng vốn dư của cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để ưu tiên cho những dự án thực sự cấp bách, cần thiết.

Đó là khuyến nghị của các Đại biểu Quốc hội đưa ra khi thảo luận về phương án sử dụng vốn dư của dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên

Đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) cho rằng việc đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành vượt thời gian dự án so với kế hoạch đề ra có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những đoạn đường xuống cấp như đoạn Quốc lộ 1A qua tỉnh Long An, nên cần phân bổ và sử dụng số vốn còn dư để cải tạo nâng cấp.

“Đề nghị Chính phủ cần rà soát kỹ hơn, bảo đảm các dự án được đề xuất phân bổ vốn dư là những dự án thực sự cấp bách, thiết thực, mang lại hiệu quả cao nhất, tránh tình trạng bố trí dở dang, thiếu vốn. Trong đó, đề nghị Chính phủ quan tâm, đầu tư dự án tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Long An. Đây là tuyến đường huyết mạch đi các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long” – Đại biểu Nguyễn Minh Lâm đề xuất.

Đặt trong điều kiện ngân sách khó khăn, Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đưa ra vấn đề là có tiếp tục sử dụng 14.259 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư. Theo vị này, cần hết sức cân nhcắ và chỉ sử dụng vốn cho những dự án thật sự cấp bách và cần phải đầu tư.

Đơn cử như Quốc lộ 1A đi qua Quảng Nam, đoạn Tam Kỳ - Đà Nẵng, Bộ Giao thông vận tải đã thu hẹp, có một đoạn ở phía Bắc, cắt còn 4 làn xe. Do đó, Đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng việc cắt làn khiến xe không thể tránh được, gây tai nạn giao thông xảy ra liên tục và có chiều hướng tăng cao nên cần phải mở rộng làn đúng thiết kế.

Trong khi đó, Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) lại kiến nghị xem xét ưu tiên sử dụng vốn dư cho việc phát triển hạ tầng của Đồng bằng sông Cửu Long với tuyến huyết mạch là Quốc lộ 91, cụ thể là dự án đường tránh Long Xuyên tỉnh An Giang. Theo Đại biểu Tuyết, đây là công trình rất cấp bách, có ý nghĩa giảm bớt áp lực lưu lượng xe trên Quốc lộ 91 hiện đã quá tải, xuống cấp. Công trình này cũng giúp tỉnh An Giang cũng như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phát triển hàng hóa với Campuchia cũng như Lào.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), cũng đồng tình phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư trong dự án cải tạo nâng cấp ở Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Tuy nhiên, cần phải bổ sung thêm hai danh mục gồm dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ thị xã Bình Long đi thị trấn Lộc Ninh (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước); dự án đầu tư 11km đường DT755B Sao Bộng - Đăng Hà nối Quốc lộ 14 trên địa bàn tỉnh Bình Phước đi qua tỉnh Lâm Đồng.

Theo đại biểu Bùi Mạnh Hùng, đây là những đoạn đường quan trọng, là tuyến du lịch nối miền Đông Nam Bộ với các tỉnh Đông Bắc của Campuchia, Nam Lào và Thái Lan. Do đó, việc hoàn thiện tuyến đường qua thị trấn Lộc Ninh giúp Bình Phước phát triển du lịch. Hoặc việc hoàn thiện 11km qua Lâm Đồng cũng giúp rút ngắn quãng đường từ Đồng Xoài đến Đà Lạt chỉ mất 260 cây số, tiết kiệm 100km.

Theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, số vốn dư là trên 14.000 tỷ đồng được sử dụng để cải tạo nâng cấp QL 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Tuy nhiên, Đại biểu Y Thông (Phú Yên) chỉ ra các hạng mục không thấy kết nối nào qua Tây Nguyên mà hầu hết đều nằm ngoài đoạn qua Tây Nguyên.

Dẫn chứng, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên chỉ khoảng 500 cây số từ Kom Tum đến Bình Phước, nhưng lại được bố trí theo hạng mục nhằm nối thông tuyến đường Năm Căn - Đất Mũi. Song tuyến này không nằm trong đoạn qua Tây Nguyên. Hoặc đoạn cầu rẽ Ninh Bình thì ngoài đoạn qua Tây Nguyên, cũng không phải qua Tây Nguyên. .

Do đó, Đại biểu Y Thông cho rằng lẽ ra nên kết nối đoạn từ Kon Tum về Đà Nẵng, từ Kon Tum về Quảng Ngãi, từ Gia Lai về Phú Yên, từ Gia Lai về Bình Định, từ Đắk Lắk về Phú Yên hoặc từ Đắk Lắk về Khánh Hòa, đây là các tuyến đường kết nối phù hợp với tiêu đề của chúng ta đặt ra.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) thì đề nghị cần rà soát tổng thể toàn tuyến đường Hồ Chí Minh, thực hiện cả trong 2 giai đoạn vừa qua, không phải chỉ đoạn qua Tây Nguyên để xử lý dứt điểm các vướng mắc nợ đọng.

Đơn cử như kinh phí giải phóng mặt bằng, kinh phí và các khoản phát sinh khác như đoạn qua Hòa Bình nợ giải phóng mặt bằng lên tới hàng chục tỷ đồng. Đồng thời, cần loại bỏ nguyên tắc bố trí vốn cho một số công trình có tính chất kết nối với Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh bởi khả năng bố trí vốn cho các dự án kết nối là không khả thi.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên