Dự án 14 triệu USD nguy cơ thành phế liệu: Chủ tịch tỉnh trần tình
“Một dự án khổng lồ như vậy, tôi ký là trên cơ sở tham mưu của các ngành từ dưới lên trên đầy đủ hết, nhưng... đã chồng và có thể gây lãng phí” - ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nói về việc ông ký Quyết định phê duyệt Dự án điện lưới chồng lên Dự án pin mặt trời.
Chồng là do tham mưu?
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 11/4, liên quan hai dự án điện sáng phục vụ vùng sâu, vùng xa của Quảng Bình, có tổng vốn trên 640 tỷ đồng bị chồng nhau, có nguy cơ gây lãng phí gần 14 triệu USD vay của Hàn Quốc, ông Nguyễn Hữu Hoài cho rằng: Báo Tiền Phong nêu những vấn đề liên quan hai dự án là đúng, tỉnh sẽ tiếp thu và khắc phục. Tới đây, ông sẽ chỉ đạo cho kiểm điểm nghiêm túc những tập thể, cá nhân liên quan.
Một dự án khổng lồ như vậy, tôi ký là trên cơ sở tham mưu của các ngành từ dưới lên trên đầy đủ hết, nhưng... đã chồng và có thể gây lãng phí”.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài
Cũng theo ông Hoài, để xảy ra việc này là do các cơ quan tham mưu. Do tin tưởng cấp dưới, lại bận trăm công nghìn việc, ông không kiểm soát hết nên đã ký phê duyệt Dự án điện lưới chồng lên Dự án pin mặt trời.
“Tôi ký quyết định này là ký theo quy trình được các cơ quan chuyên môn họ làm đầy đủ, từ tư vấn, chủ đầu tư, Sở Kế hoạch Đầu tư thẩm định, rồi qua văn phòng mới đến tôi ký. Một dự án khổng lồ như vậy, tôi ký là trên cơ sở tham mưu của các ngành từ dưới lên trên đầy đủ hết, nhưng... đã chồng và có thể gây lãng phí” - ông Hoài nói.
Liên quan đến việc đề xuất cho tháo dỡ vật tư thiết bị của Dự án pin mặt trời cất vào kho khi Dự án điện lưới hoàn thành, và được UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý, ông Hoài phân trần: “Cái này là do Sở Công Thương. Mà văn bản của Sở Công Thương, nói thật cái này là do Văn phòng xử lý mà không đến tay tôi. Văn bản đó không thể chấp nhận”.
Khi được hỏi, với một dự án kéo điện lưới như ông nói là “khổng lồ” trải rộng trên địa bàn nhiều huyện, đặc biệt có một tuyến lên hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch đi qua Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng sao vẫn được ông phê duyệt?
Ông Hoài thừa nhận là mình đã sai và đang yêu cầu cơ quan chuyên môn làm bổ sung báo cáo đánh giá tác động môi trường. “Đối với các Dự án đi qua vùng lõi của Di sản là phải có đánh giá tác động môi trường. Đó là quy định của Chính phủ rồi, nguyên tắc phải thế trước khi phê duyệt dự án. Báo viết, tôi tiếp thu để làm cho tốt” - ông Hoài nói.
Vẫn quyết tâm kéo điện lưới
Tại cuộc trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng: Ông đã phát hiện việc Dự án điện lưới chồng lên Dự án pin mặt trời trước khi báo nêu và đã có chỉ đạo các ngành điều chỉnh. Và sau khi báo nêu, ông tiếp tục chỉ đạo các ngành điều chỉnh tiếp để phù hợp hơn, tránh lãng phí.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài
Trong thông báo ý kiến của Chủ tịch Nguyễn Hữu Hoài ngày 11/12/2014 (trước khi báo Tiền Phong nêu), Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình ghi rõ: Dự án pin mặt trời có ưu điểm là nguồn năng lượng sạch, cung cấp nguồn điện giá rẻ, tuy nhiên có nhược điểm là nguồn điện không ổn định, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết... Dự án cấp điện lưới có ưu điểm là nguồn điện ổn định...
Việc lồng ghép hai dự án là nhằm phát huy ưu điểm, hạn chế nhược điểm của từng dự án. Vì vậy, thống nhất chủ trương triển khai cả hai dự án cấp điện tại các địa bàn. Tuy nhiên, trước mắt Dự án pin mặt trời đã được đấu thầu và sẽ triển khai thi công trong quý I/2015.
Vì vậy yêu cầu Sở Công Thương chỉ đạo đơn vị tư vấn rà soát, điều chỉnh, trước mắt tập trung cấp điện cho các thôn bản điện lưới chưa đến được ở các xã khác, riêng hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch sẽ đưa vào thực hiện ở bước sau của giai đoạn I.
Còn sau khi báo nêu, ông Hoài tiếp tục chỉ đạo các ngành điều chỉnh theo hướng, vẫn kéo điện lưới lên những địa bàn đã có Dự án pin mặt trời, nhưng điện lưới chỉ để phục vụ sản xuất, còn điện mặt trời phục vụ chiếu sáng sinh hoạt của người dân.
“Trên một đơn vị địa phương có thể một lúc kéo hai nguồn nhưng vấn đề ở chỗ nó có đúng mục đích hay không thôi. Pin mặt trời là để chiếu sáng cho dân. Mà pin mặt trời là để phục vụ chiếu sáng bình thường trong sinh hoạt thôi, còn điện lưới ngoài phục vụ chiếu sáng dân sinh ra thì còn phục vụ sản xuất nữa. Tôi chỉ đạo, nếu điện lưới đến mà chỉ phục vụ chiếu sáng sinh hoạt thôi thì không nên, vì đã có pin mặt trời rồi” - ông Hoài nói.
Như vậy, theo chỉ đạo đối với các ngành của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình điều chỉnh Dự án điện lưới trước và sau khi báo nêu đều thể hiện quyết tâm kéo điện lưới đến những địa phương mà Dự án pin mặt trời đang triển khai.
Việc điều chỉnh có chăng là giãn tiến độ kéo điện lưới về cuối năm 2015, thay vì triển khai trong quý I/2015 ở hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch. Và người dân sẽ không được dùng điện lưới mà phải dùng điện mặt trời nếu chỉ để thắp sáng.
Theo ông Nguyễn Hữu Hoài, điện mặt trời chỉ có độ bền 20 năm, còn điện lưới thì lâu hơn nên cần phải kéo điện lưới. Tuy nhiên, để thực hiện việc này, tới đây tỉnh sẽ xin ý kiến của Bộ Công Thương.
Như Tiền Phong đã thông tin, Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời tại Quảng Bình có tổng vốn gần 14 triệu USD vay của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Đây được xem là Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời lớn nhất Việt Nam, khu vực triển khai kéo dài trên địa bàn 10 xã của 4 huyện.
Trong khi Dự án điện năng lượng mặt trời đang triển khai, ngày 16/10/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài ký Quyết định số 2908/QĐ-UBND phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia với tổng số vốn 368 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, chồng lên hầu hết địa bàn thực hiện dự án điện năng lượng mặt trời. Việc làm này có nguy cơ gây lãng phí gần 14 triệu USD vay của Chính phủ Hàn Quốc.
Theo thông tin của phóng viên Tiền Phong, hiện ở các xã mà Dự án pin mặt trời vay của Chính phủ Hàn Quốc đang triển khai, có một số nơi đã được đầu tư pin mặt trời bằng các dự án nhỏ lẻ trước đó để phục vụ chiếu sáng và hoạt động của các cơ quan công quyền trên địa bàn. Tuy nhiên, số pin mặt trời này sẽ bị tháo dỡ khi Dự án pin mặt trời của Hàn Quốc đi vào hoạt động do không đồng bộ.
>>>Dự án “Thung lũng Silicon” đắp chiếu: Ngại thu hồi vì sợ kiện?
Theo Hoàng Nam
Tiền Phong