MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Du lịch Việt Nam: Nhiều thách thức khi hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được chính thức thành lập từ 31-12-2015. Thỏa thuận ASEAN về tự do luân chuyển nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch giữa các nước trong khu vực (MRA-TP) được triển khai mở ra nhiều cơ hội việc làm cho “ngành công nghiệp không khói” của Việt Nam.

Tuy nhiên, hội nhập AEC cũng đặt ra nhiều thách thức đối với lao động du lịch, đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR) với tốc độ tăng trưởng là 6,2%/năm trong giai đoạn 2011-2015, đến hết năm 2015, nhu cầu nhân lực du lịch Việt Nam làm việc trực tiếp (hướng dẫn viên du lịch, lễ tân…) cần khoảng 620.000 lao động; giai đoạn 2016 - 2020 cần 870.000 lao động. Ngành du lịch Việt Nam hiện được đánh giá là ngành có nhu cầu nhân sự cao gấp 2-3 lần so với các ngành trọng điểm khác như giáo dục, y tế, tài chính…

Hiện cả nước có 62 trường đại học, 80 trường cao đẳng tham gia đào tạo nghiệp vụ du lịch; 117 trường trung cấp (trong đó có 12 trường trung cấp nghề); 2 công ty đào tạo và 23 trung tâm có tham gia đào tạo nghiệp vụ nghề du lịch.  Riêng TP.HCM có hơn 50 trường đào tạo ngành du lịch trung bình mỗi năm đào tạo khoảng 11.000 chỉ tiêu/ năm.

Mỗi năm TP.HCM đón hàng triệu lượt khách quốc tế và con số này tăng lên hàng năm. Theo đó, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành du lịch của thành phố cũng rất lớn. Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi), nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành du lịch tại TP.HCM năm 2015 tăng 37,72% so với năm 2014 ở các vị trí như: Nhân viên tư vấn du lịch, điều hành tour, hướng dẫn viên du lịch, biên tập và quản trị nội dung website… với mức lương bình quân khoảng 5 - 8 triệu đồng/tháng.

Việc gia nhập ASEAN 2015 là điều kiện thuận lợi phát triển thị trường lao động Việt Nam nói chung và du lịch nói riêng, hoàn thiện quá trình đào tạo và nâng cao nguồn lực lao động. Tạo điều kiện cho nguồn nhân lực có trình độ, có chất lượng nhất là thanh niên có cơ hội mở rộng sự nghiệp, thăng tiến...

Nguồn nhân lực du lịch nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam hoặc nhân lực người Việt Nam ra nước ngoài làm việc là một trong những cơ hội tạo điều kiện để nguồn nhân lực trong nước hội nhập, nâng cao kỹ năng và tác phong lao động phù hợp yêu cầu đất nước trong giai đoạn phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…

Thời kỳ hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm, nhưng cũng là thách thức lớn đối với lao động của “Ngành công nghiệp không khói” với tiêu chí tuyển dụng cao hơn đòi hỏi như: Khả năng giao tiếp, sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, kỹ năng tìm hiểu và xử lý thông tin. Trong khi đó, nhìn nhận một cách khách quan nguồn nhân lực du lịch Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định.

Phát biểu tại buổi họp tình hình triển khai MRA-TP giữa tuần qua tại TP.HCM, ông Trần Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, hiện lao động lĩnh vực du lịch Việt Nam ngoài những ưu điểm là nguồn lao động dồi dào, chăm chỉ, thông minh nhưng tính kỷ luật thấp, năng suất lao động thấp so với một số nước khu vực. Mặc dù kỹ năng nghề có thể đáp ứng nhu cầu khu vực, nhưng vẫn còn yếu về khả năng ngoại ngữ, tính kỷ luật, kỹ năng mềm và tính sáng tạo.

Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Nhiều hướng dẫn viên du lịch dù được đào tạo dài hạn ở các trường đại học, cao đẳng... Khi được tuyển dụng làm việc hầu hết doanh nghiệp lữ hành đều phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung kỹ năng, ngoại ngữ.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Falmi cho biết, tại TP.HCM có hơn 50 trường đào tạo các chuyên ngành về du lịch nhưng chỉ đáp ứng được 60% so với nhu cầu, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nhân lực du lịch. Chương trình đào tạo tại nhiều trường còn chú trọng đến lý thuyết mà chưa có điều kiện tổ chức nâng cao thực hành vì vậy, sinh viên, học viên ra trường thiếu kỹ năng.

Cũng theo ông Tuấn, qua khảo sát một số các công ty du lịch, có khoảng  30-45% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour  không đạt chuẩn ngoại ngữ. Trình độ ngoại ngữ yếu, kỹ năng nghiệp vụ thiếu, đã hạn chế các đơn vị ngành du lịch không khai thác hết được nguồn lợi du lịch từ khách nước ngoài. Mặt khác, nếu không giỏi ngoại ngữ, những nhân viên trong ngành du lịch cũng khó hoàn thành tốt nhiệm vụ và phát triển nghề nghiệp chuyên môn, không thực hiện được sự hỗ trợ cho người nước ngoài hiểu về văn hóa Việt và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam.

Để sẵn sàng hội nhập, đủ sức cạnh tranh với thị trường lao động thế giới, theo các chuyên gia, ngành du lịch Việt Nam cần có sự liên kết, hợp tác đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức, xã hội, doanh nghiệp trong các hoạt động phát triển nguồn nhân lực theo định hướng chuyên môn, chất lượng cao.

Theo Thu Dịu

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên