MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự thảo Luật đầu tư công: Dành trọn 1 chương cho việc phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư

Ngày 12/03/2014, Bộ Kế hoạch Đầu tư cùng với UBKT Quốc hội và Ngân hàng thế giới tổ chức Hội nghị Thảo luận xin ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật đầu tư công.

Việc quản lý đầu tư sử dụng vốn nhà nước hiện nay được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật đầu tư và các Nghị định, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Trong các năm gần đây, việc thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ NSNN và trái phiếu Chính phủ đã khắc phục một bước các hạn chế về đầu tư công.

Tuy nhiên, đây mới là giải pháp cấp bách trước mắt, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong quản lý đầu tư công một cách toàn diện, có hệ thống. Vì vậy, việc ban hành Luật đầu tư công là hết sức cần thiết.

Dự án Luật đầu tư công đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vào tháng 10/2013 và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vào tháng 5 tới.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh đã tóm tắt các nội dung chính và các điểm mới trong dự thảo Luật đầu tư công như sau:

Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh Luật bao quát được việc quản lý sử dung các nguồn vốn đầu tư công.

Thứ hai, đã thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư, là nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật này. Thực tế quản lý đầu tư công cho thấy lãng phí, thất thoát có nhiều nguyên nhân, nhưng lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả. Dự án Luật đã dành trọn chương II để chế định các nội dung, quy trình, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư.

Theo đó, mục 1 của chương II về chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công đã quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; điều kiện và trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với từng chương trình, dự án quan trọng quốc gia và các chương trình, dự án khác.

Đây là những quy định mới chưa được chế định trong các quy phạm pháp luật hiện hành, đặc biệt là nội dung về thẩm quyền và trình tự nghiêm ngặt quyết định chủ trương đầu tư các chưng trình, dự án công.

Thứ ba, tăng cường và đổi mới công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn. Hiện nay, nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa coi trọng công tác thẩm định vốn và cân đối vốn, quyết định các chương trình, dự án quy mô lớn gấp nhiều lần khả năng cân đối vốn của cấp mình cũng như khả năng bổ sung vốn của cấp trên. Vì vậy việc quy định về thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn sẽ tạo điều kiện nâng cao chất lượng và hiệu quả của chương trình, dự án đầu tư công.

Thứ tư, dự án Luật Đầu tư công được ban hành sẽ đảm bảo tính hệ thống , đồng bộ và xuyên suốt trong toàn bộ quá trình quản lý chương trình, dự án đầu tư công.

Thứ năm, đổi mới công tác lập kế hoạch đầu tư, chuyển tù việc lập kế hoạch ngắn hạn, hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, phủ hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hôi 5 năm.

Dự thảo Luật đã dành riêng một chương quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công bao quát toàn bộ quy trình từ lập kế hoạch đến thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm theo nguyên tắc, điều kiện lựa chọn danh mục chương trình, dự án đầu tư theo từng nguồn vốn cụ thể. Việc lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch vẫn thực hiện theo phân cấp hiện hành, nguồn vốn do cấp nào quản lý sẽ chịu trách nhiệm lập và phê duyệt kế hoạch trên các nguyên tắc quy định trong Luật đầu tư công.

Thứ sáu, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công. Dự thảo Luật đã dành một chương quy định các nội dung về triển khai thực hiện kế hoạch, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công của tất cả các cấp, các ngành.

Thứ bảy, tiếp tục đổi mới hoàn thiện quy chế phân cấp quản lý đầu tư công, phân định quyền hạn đi đôi với trách nhiệm của từng cấp. Trên cơ sở giữ các nguyên tắc về phân cấp quản lý đầu tư công, quyền hạn của các cấp, các ngành như hiện nay, dự án Luật đã chế định quyền hạn và trách nhiệm của các cấp trong toàn bộ quá trình đầu tư của các chương trình, dự án toàn bộ quá trình từ lập kế hoạch, phê duyệt đến triển khai theo dõi, đánh giá thực hiện.

Tiếp thu ý kiến đại biểu về phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định chương trình, dự án, có ý kiên đề nghị bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc phê duyệt chiến lược đầu tư công dài hạn, quyết định chủ trương đầu tư các chương trình và các dự án đầu tư nhóm A. Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư các chương trình, dự án đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, bao gồm quyết định đầu tư dự án nhóm A.

Bộ giải trình, với số lượng dự án mới khá lớn trong năm phải phê duyệt, để thực hiện đầy đủ quy trình thì các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ sẽ mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị, thảo luận, dẫn đến thời gian phê duyệt chủ trương đầu tư của từng chương trình, dự án sẽ bị kéo dài. Ngoài ra, theo các quy định trong Luật Xây dựng, thẩm quyền phê duyệt các dự án nhóm A, B, C đều phân cấp cho các bộ, ngành địa phương quyết định đầu tư. Nếu sửa đổi nhóm A do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư sẽ thay đổi toàn bộ quy định phê duyệt quyết định đầu tư các DA nhóm A hiện nay, phải điều chỉnh hàng loạt các văn bản pháp luật liên quan, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện.

Theo đó, Luật điều chỉnh thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư từ Thủ tướng Chính phủ sang Chính phủ đối với dự án nhóm A; các chương trình đầu tư công sử dụng vốn ngân sách Trung ương, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước; đầu tư từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước.

Tại hội nghị, các đại biểu đến từ các địa phương đã đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật đầu tư công tập trung vào các vấn đề như phân cấp thẩm quyền trong việc ra quyết định đầu tư và phê duyệt dự án, thẩm định dự án đầu tư, phân loại quy mô dự án nhóm A, B, C theo các tiêu chí. Trước những ý kiến đóng góp này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã yêu cầu cơ quan soạn thảo dự thảo Luật ngay lập tức tổng hợp để hoàn chỉnh bản trình vào ngày 15/3 tới đây.

Hải Minh

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên