Dự thảo thuế TTĐB "để mở", giá xe sẽ lại tăng sau ngày 1.7?
Cách tính thuế TTĐB đối với xe hơi nội và nhập khẩu có khả năng sẽ thay đổi một lần nữa và góp phần đẩy giá xe lên đáng kể khi luật sửa đổi thuế TTĐB được Quốc hội thông qua vào tháng 3 tới.
- 03-02-2016Người Việt chi hơn 1 tỷ USD mua ô tô Trung Quốc
- 11-01-2016Năm 2015: Người Việt “ồ ạt” sắm ô tô
- 06-01-2016Giáp Tết, Bộ Tài chính lại “siết” giá cước ô tô
Giá tính thuế TTĐB xe hơi có thể đổi một lần nữa?
Trong dự thảo sửa đổi thuế TTĐB đang chờ quốc hội thông qua có nêu ra đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất “Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất bán ra nhưng không được thấp hơn mức tỷ lệ (%) do Chính phủ quy định so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.
Trường hợp giá do cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất bán ra không theo giá thị trường thì cơ quan thuế ấn định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế."
Với đề xuất này, Bộ Tài chính để ngỏ khả năng giá tính thuế TTĐB cho nhiều mặt hàng trong đó có ôtô sẽ chuyển từ giá bán buôn (giá của cơ sở sản xuất và phân phối) sang giá bán lẻ (giá bán của các cơ sở kinh doanh thương mại) nếu tỷ lệ chênh lệch do Chính phủ quy định giảm xuống bằng 0%.
Nhận định về khả năng này, một đại diện nhà phân phối xe nhập hạng sang lớn tại Việt Nam cho rằng nếu giá tính thuế TTĐB thay đổi một lần nữa theo luật sửa đổi này thì giá xe nhập có thể tăng từ 7 đến 15%, các dòng xe cao cấp có thể lại tăng giá thêm cả trăm triệu đồng. Người này dự đoán nếu Quốc hội thông qua luật sửa đổi này vào tháng 3 thì khả năng giá xe tăng từ ngày 1.7 là rất lớn.
Trao đổi với báo Lao Động, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách Bộ Tài chính cho biết trong luật sẽ giao cho Chính phủ quyết định mức % chênh lệch giữa giá bán buôn và giá bán lẻ. Mức này sẽ thay đổi tuỳ theo mặt hàng và đây là biện pháp để phòng nguy cơ chuyển giá giữa nhà phân phối và các đại lý bán lẻ.
Trước đó, từ ngày 1.1, theo thông tư 195 của Bộ Tài chính, giá tính thuế TTĐB với mặt hàng ôtô nhập khẩu cũng đã thay đổi từ giá CIF (giá tính thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu) sang giá bán buôn (giá bán của cơ sở nhập khẩu nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu). Sự thay đổi này đã đẩy mặt bằng giá xe nhập khẩu, đặc biệt là các xe hạng sang, dung tích lớn lên cao.
Giá tăng, phương tiện cá nhân bị hạn chế, thị trường năm 2016 sẽ tuột dốc?
Ngay từ ngày 1.1, thị trường xe hơi ít nhiều đã bị sốc khi hàng loạt dòng xe nhập khẩu tiến hành điều chỉnh giá theo cách tính thuế TTĐB mới với mức trên dưới 10%.
Mức tăng giá với các dòng xe cao cấp như Mercedes G65 AMG hay Porsche Panamera Turbo Executive lên tới cả tỉ đồng.
Việc hàng loạt mẫu xe nhập tăng giá ngay lập tức đã khiến thị trường giảm nhiệt. Bên cạnh đó, khá nhiều người đã mua xe chạy thuế trong tháng 12 nên sức mua chung toàn thị trường tháng cận Tết giảm khá mạnh dù các dòng xe bình dân nhập khẩu và hầu hết các mẫu xe lắp ráp trong nước không tăng giá hoặc tăng ít hơn.
Nhận định về thị trường năm 2016, một số đại diện hãng xe cho rằng thị trường tháng 1 hiện vẫn ổn nhờ nhu cầu mua xe chạy Tết. Tuy nhiên, các tháng tiếp theo thị trường nhiều khả năng sẽ lao dốc và sức mua có thể sẽ giảm tiếp nếu giá xe một lần nữa bị điều chỉnh.
Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí về câu chuyện giá xe giảm sau năm 2018 cũng như việc điều chỉnh thuế TTĐB, PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả cho rằng "Vì cơ quan chức năng luôn luôn phải tìm cách tăng thuế, phí mà thuế và phí là các yếu tố cấu thành lên giá nên chắc chắn người Việt Nam không bao giờ được hưởng xe giá rẻ đâu."
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định thuế TTĐB chính là công cụ để duy trì mức thuế cũng như giá xe bởi ngoài việc phải đảm bảo nguồn thu ngân sách, bài toán hạn chế phương tiện cá nhân cũng đang được tính đến để giải quyết vấn nạn tắc đường tại các thành phố lớn.