MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dùng dằng số phận Tổng cục Thống kê

TS. Trần Du Lịch: “Thuộc ai mà không có định chế độc lập thì cũng thế thôi”...

Để chuẩn bị dự án Luật Thống kê (sửa đổi) tiếp tục đưa ra lấy ý kiến tại phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thương vụ Quốc hội từ ngày 10 đến 19/8, Ủy ban Kinh tế vừa tiến hành tái mổ xẻ dự án luật này để chốt lại những điểm còn vướng mắc.

Thuộc ai mà không độc lập thì cũng thế

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, dự án luật này phải khắc phục được căn bản tình trạng chênh lệch số liệu thống kê, nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, đến lòng tin của xã hội đối với ngành thống kê trong nước.

Để làm được điều này, trước hết cần làm rõ vị trí pháp lý và chức năng của cơ quan thống kê.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế, TS. Trần Du Lịch nhận xét, sửa Luật Thống kê lần này ghi nhận có thêm các nội dung đổi mới. Tuy nhiên, về “số phận” của Tổng cục Thống kê là độc lập hay không độc lập, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay không, thì quy định trong dự án luật còn thiếu sự dứt khoát và vẫn còn dùng dằng chưa rõ.

“Chúng ta không nhất thiết phải bàn cãi chuyện cơ quan này sẽ thuộc ai, mà phải luật định cho nó quyền tương đối độc lập, tránh tình trạng mỗi cơ quan đưa ra một số liệu thống kê, người dân, doanh nghiệp không biết tin số liệu nào. Thuộc ai mà không có định chế độc lập thì cũng thế thôi”, ông Lịch nhận định.

Theo dự thảo luật quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thống kê.

Nhưng hiện có nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo tính pháp lý, nâng cao vị thế phối hợp, đặc biệt là tính độc lập và tổ chức thực hiện, cần cân nhắc quy định cơ quan thống kê nên trực thuộc Chính phủ để đảm bảo tính minh bạch, khách quan trong hoạt động thống kê, góp phần nâng cao chất lượng thông tin thống kê.

Tại kỳ họp thứ 9 vừa diễn ra khi thảo luận về luật này, nhiều đại biểu Quốc hội đều có ý kiến rằng, cơ quan thống kê Trung ương cần tách khỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nâng địa vị pháp lý của cơ quan này để đảm bảo số liệu thống kê độc lập, khách quan.

Cụ thể là, nâng Tổng cục Thống kê thành cơ quan thống kê quốc gia Việt Nam do Quốc hội thành lập, hoạt động theo luật và chỉ tuân theo pháp luật.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Hà Huy Thông, dự kiến 3 năm nữa đến năm 2018 nước ta sẽ có quy chế kinh tế thị trường, mà một nền kinh tế thị trường đòi hỏi có một số thiết chế độc lập để hỗ trợ hạn chế can thiệp, bóp méo, trái quy luật thị trường. Khi sửa đổi Hiến pháp năm 2013 đã có đề nghị thành lập cơ quan thống kê quốc gia như Kiểm toán Nhà nước.

Đồng thời, một nguyên nhân nữa khiến ngành thống kê dứt khoát phải được độc lập, theo ông Thông là, những đối tượng và nội dung thống kê, luật pháp, tư pháp, kinh tế, xã hội, công an, con người, môi trường... liên quan đến nhiều bộ, ngành có thẩm quyền cao hơn Tổng cục Thống kê khi trực thuộc một bộ.

8/24 bộ, ngành chưa có tổ chức thống kê chuyên trách

Một số vấn đề khác đang nổi lên trong luật này còn là về sự phối hợp giữa cơ quan thống kê Trung ương với các bộ, ngành thực hiện quản lý nhà nước về thống kê trong ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách.

Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Hà Sỹ Đồng nhận xét, dự thảo đã làm rõ sự phối hợp về mặt nghiệp vụ và trách nhiệm giữa cơ quan thống kê Trung ương và các bộ, ngành. Tuy nhiên, không rõ nếu hai bên không thống nhất trong kết quả thực hiện thì cơ quan thống kê Trung ương hay cơ quan các bộ, ngành chịu trách nhiệm cuối cùng về kết quả đó.

Còn Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Hoàn thì quan tâm đến vấn đề tổ chức hệ thống thống kê.

Theo bà Hoàn, nên nghiên cứu để quy định rõ hơn về thống kê cấp xã cho thống nhất bởi hiện nay mỗi địa phương bố trí cán bộ làm công tác thống kê cấp xã khác nhau.

Có nơi thì cán bộ văn phòng đảng ủy kiêm, có nơi cán bộ đoàn thể kiêm, có nơi văn phòng ủy ban nhân dân kiêm, nên ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng tham mưu cũng như chất lượng và số liệu thống kê hiện nay.

Hoạt động thống kê là một lĩnh vực phức tạp mang tính chuyên ngành, đòi hỏi độ chính xác và tính chuyên môn sâu. Thực trạng hiện nay theo báo cáo có 8/24 bộ, ngành chưa thành lập các tổ chức thống kê chuyên trách, nhất là cán bộ công tác thống kê tại phường, xã và tại các doanh nghiệp càng khó khăn hơn.

Về nguồn lực cũng như về chất lượng, số lượng trong dự thảo luật cần quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, quy mô đào tạo, tài chính thực hiện hoạt động thống kê để đảm bảo tính khả thi và triển khai thực hiện một cách hiệu quả công tác thống kê trong dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi).

Theo Đoàn Trần

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên