MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dừng khai thác than, nguy cơ thiếu điện

Do không thể vận chuyển được than, Tập đoàn Điện lực VN thông cáo hàng loạt nhà máy điện chỉ còn đủ than dự trữ từ 4,5-20 ngày.

Trước việc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) thông báo không thể vận chuyển được than, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã có thông cáo cho biết hàng loạt nhà máy điện chỉ còn đủ than dự trữ từ 4,5-20 ngày.

EVN cho hay tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nếu chạy một tổ máy chỉ đủ than trong 4,5 ngày nữa là hết (đồng nghĩa nếu không được cấp sẽ dừng phát điện). Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh chỉ đủ than trong bảy ngày nữa. Nhiều nhất là nhiệt điện Uông Bí còn đủ than chạy trong 20 ngày.

TKV và EVN đã có cuộc họp khẩn. EVN cho biết đã phải chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia huy động thấp các nhà máy nhiệt điện than và yêu cầu các tổng công ty phát điện phải tìm kiếm các nguồn cấp than để duy trì phát điện. Song EVN vẫn phải kêu gọi người dân sử dụng điện tiết kiệm, góp phần giảm sức ép trong vận hành hệ thống điện.

Thông tin từ TKV khẳng định hiện than cung ứng cho các nhà máy điện đang khó khăn..., tổng thiệt hại đến 14g ngày 30-7 của các đơn vị trực thuộc tập đoàn này chưa thể xác định hết nhưng ước tính trên 1.000 tỉ đồng.

Nỗ lực cứu mỏ

Ngày 31-7, có mặt tại khai trường của Công ty cổ phần than Mông Dương (TP Cẩm Phả) - đơn vị bị thiệt hại nặng nhất trong ngành than do mưa lũ gây ra, chúng tôi chứng kiến hàng trăm máy móc, thiết bị khai thác than trong các lò than vẫn chìm sâu dưới nước.

Các moong nước bị sạt lở tạo thành những bãi sình lầy ngập sâu đến 1m. Giữa trời mưa nặng hạt, một nhóm công nhân thuộc đội xây dựng mặt bằng đang nhanh chóng di chuyển các thùng phuy cỡ lớn và các tấm ván gỗ, những vật liệu này sẽ được kết thành bè để đặt các thiết bị bơm nước và giúp công nhân di chuyển dưới hầm lò. Hàng chục chiếc máy xúc và máy ủi đang hoạt động hết công suất để thu dọn bùn đất bám trên bề mặt sau khi nước có dấu hiệu rút bớt.

Sau gần 10 giờ làm việc, anh Ngô Văn Đức, đội khai thác số 7, cùng với các công nhân ướt sũng người di chuyển lên mặt đất. Đây là nhóm công nhân đầu tiên xuống độ sâu -97,5m để khắc phục sự cố tại mỏ than Mông Dương sau khi nước lũ rút.

Anh Đức chia sẻ: “Hiện tại mực nước dưới hầm lò từ 70cm đến 1,2m, ngoài nước dâng cao, chúng tôi còn phát hiện có khí độc dưới khu vực này, anh em vừa di chuyển vừa phải sử dụng đồng hồ đo khí để đảm bảo an toàn, công việc chính của anh em dưới đó là đắp đập để chỉnh hướng dòng chảy và hút nước khỏi hầm lò.

Thu nhập của công nhân hầm lò chúng tôi chủ yếu đến từ việc khai thác than, nay khai trường gặp sự cố ai cũng buồn bã. Tuy nhiên việc cấp bách nhất trong thời điểm này là cố gắng khắc phục sự cố để công ty vận hành trở lại”.

Ông Nguyễn Văn Tuất - phó chánh văn phòng Công ty cổ phần than Mông Dương - cho biết hiện mỏ Mông Dương có tổng khối tích khoảng 36.000m3 nước, tương đương 36km2 mỏ ngập trong nước. “Trận lũ quá khủng khiếp và ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của công ty và đời sống người lao động, đỉnh lũ có thời điểm dâng cao tới 3m tính từ lòng suối và nhấn chìm toàn bộ mặt bằng khai thác của công ty.

Hiện tại hai công việc quan trọng nhất của chúng tôi là thu dọn, nạo vét bùn đất tại mặt bằng và lắp đặt các thiết bị để bơm nước từ dưới hầm lò lên. Khoảng 4.000 công nhân đã phải ngừng việc vì mọi hoạt động tê liệt do nước ngập quá sâu, máy móc thiết bị tại các khu vực này đều đã bị hỏng do ngâm nước quá lâu, dự tính phải mất khoảng ba tháng công ty mới có thể khai thác trở lại”.

Giữa cơn mưa nặng hạt, công nhân tại mỏ than Mông Dương (Cẩm Phả) bì bõm dùng xe đạp vận chuyển dụng cụ lao động tìm được sau lũ - Ảnh: Nguyễn Khánh

Thiệt hại nặng nhất 
từ trước tới nay

Theo báo cáo tình hình thiệt hại của TKV, hàng loạt sự cố sạt lở, ngập lụt đã diễn ra tại các đơn vị thành viên, trong đó có những sự cố lớn: bùn đất chân bãi thải Đông Cao Sơn trôi lấp suối thoát nước, kho xăng dầu km6 Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả bị ngập...

Đáng lưu ý, thiệt hại tập trung chủ yếu ở các đơn vị sản xuất chủ chốt và “nổi danh” vùng Cẩm Phả, Quảng Ninh như Công ty than Mông Dương, Quang Hanh, Dương Huy, Hòn Gai, Hà Tu... Hàng loạt lò khai thác than đã bị ngập nước. Thông báo của TKV còn cho biết nhiều kho than đã bị vỡ đê bao, sạt lở, ngập úng.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của mưa lớn và các sự cố, TKV cho biết đã dừng mọi hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tập trung vào phòng chống mưa lũ. Đặc biệt, TKV cho biết do điều kiện bất khả kháng về thời tiết nên việc cấp than cho các hộ tiêu thụ rất khó khăn, bị chậm và có thể gián đoạn trong những ngày tới. TKV đã có văn bản gửi EVN về việc này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 31-7, ông Lê Minh Chuẩn, chủ tịch HĐQT TKV, cho biết cơn mưa lũ lịch sử đã làm TKV bị thiệt hại nặng nề nhất từ trước đến nay, tất cả công ty thành viên của TKV nằm trong khu vực từ TP Hạ Long - TP Cẩm Phả đều ngưng hoạt động từ sáu ngày nay.

Theo thống kê sơ bộ, mưa lũ đã phá hủy, cắt đứt nhiều tuyến đường vận chuyển huyết mạch của ngành than; gây sạt lở, ngập úng hầu hết khai trường. “Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng ước tính sơ bộ ban đầu ngành than bị thiệt hại khoảng 1.000 tỉ đồng và 800.000 công nhân bị ảnh hưởng công việc” - ông Chuẩn nói. TKV đã quyết định thành lập ban chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai cấp tập đoàn.

Theo ông Chuẩn, nếu thời tiết tạnh ráo thì khoảng ba ngày tới một số mỏ có thể hoạt động trở lại, còn một số mỏ bị ngập sâu như Mông Dương, Quang Hanh ít nhất khoảng một tháng nữa mới có thể tiếp tục sản xuất.

Hiện tại 800.000 công nhân của các công ty than thuộc TKV tại Quảng Ninh đã ngừng việc, chỉ một số ít có kinh nghiệm được huy động tham gia khắc phục hậu quả do mưa lũ.

Tập đoàn có quỹ lương để hỗ trợ công nhân lao động khi gặp thiên tai, trước mắt sẽ trích ra để hỗ trợ đời sống anh em. Với tinh thần tập trung cao khắc phục hậu quả, dự kiến vài ngày tới, sau khi xem xét đủ điều kiện an toàn, các mỏ hoạt động trở lại thì 80% công nhân tiếp tục làm việc bình thường.

Lo các ngành khác 
ảnh hưởng vì thiếu than

Ông Chuẩn cũng lo lắng hoạt động sản xuất than ngưng trệ thì một số ngành khác như nhiệt điện, ximăng cũng gặp khó khăn do thiếu nguồn cung ứng nguyên liệu. TKV có kho than dự trữ khoảng 6 triệu tấn, tuy nhiên do hệ thống đường sắt vận chuyển bị đất đá vùi lấp ở nhiều vị trí nên hiện tại chưa thể đưa than cung cấp cho các đơn vị.

“Trong vài ngày tới, sau khi khai thông được tuyến đường sắt, TKV sẽ mở kho dự trữ để cấp than cho những đơn vị đã có hợp đồng mua than trong năm nay. Khi các mỏ trở lại hoạt động, chúng tôi sẽ có phương án tăng năng suất lao động, khối lượng công việc sẽ phải làm nhiều hơn để đảm bảo cung ứng than cho các đơn vị kinh doanh sản xuất”.

Với câu hỏi thiệt hại trên 1.000 tỉ đồng có phải chủ yếu do trôi mất than không, ông Chuẩn khẳng định là không phải. Thiệt hại, ông Chuẩn nêu, chủ yếu vì phải ngừng sản xuất, hệ thống hạ tầng hư hỏng, dự kiến sẽ phải làm lại; nhiều lò khai thác than, thiết bị khai thác bị nước ngập phải sửa chữa...

Theo ông Chuẩn, than khu vực phía tây vẫn còn 2 triệu tấn trong kho. Do các nhà máy điện quen lấy than từ Cẩm Phả chứ nếu lấy từ khu vực này vẫn đảm bảo cho sản xuất điện. Riêng Nhà máy nhiệt điện Mông Dương trước khi mưa đã che bạt 600.000 tấn nên sẽ đảm bảo.

Ông Chuẩn nêu chỉ lo than vào cho các nhà máy nhiệt điện miền Trung và miền Nam như nhiệt điện Vĩnh Tân, Nghi Sơn, Duyên Hải... Tuy nhiên, nếu thời tiết tốt lên, chỉ 2-3 ngày tới sẽ cấp than trở lại cho các nhà máy điện bình thường.

Lũ bùn đất do... khai thác than?

Tại Quảng Ninh, khi mưa lớn, ở nhiều khu vực từng dòng sông đầy bùn đất, than xuất hiện. Nhiều bãi thải than của TKV trở thành nỗi lo của người dân. Trong thông cáo của TKV cũng công nhận 12g ngày 28-7, do đất đá bãi thải của mỏ Núi Béo trôi gây sạt bờ kè dẫn đến nước tràn vào kho than khiến trôi mất khoảng 7.000 tấn than sạch. Công ty than Hà Tu, tại một số vỉa, toàn bộ hệ thống đường xuống cũng bị đất sạt lở khá mạnh...

Theo ông Phạm Khắc Thừ - phó giám đốc Công ty cổ phần than Hà Lầm, các bãi thải gần như là bắt buộc bởi khi khai thác vào mỏ than, sản phẩm thu được có thể gồm cả than, đá... vì vậy cần có bãi thải để chôn lấp đất, đá, tạp chất trong quá trình khai thác.

Ông Thừ khẳng định các bãi thải muốn tiến hành chôn lấp phải được sự đồng ý, phê duyệt của tỉnh Quảng Ninh và TKV. Với Công ty Hà Lầm, ông Thừ khẳng định qua đợt mưa này chỉ có khoảng 1.000 tấn than trôi từ đỉnh xuống chân đống. Còn bãi thải chủ yếu được tận dụng ngay tại các moong vừa khai thác than xong (có hố sâu để tiến hành chôn lấp - PV).

Với một số công ty có hiện tượng than và đất đá ở bãi thải trôi xuống, ông Thừ cho rằng có thể do địa hình khai thác ở khu vực cao, quá trình khai thác làm nới lỏng lớp đất đá, vì vậy khi mưa to, lâu khiến nước tràn vào rửa trôi và đưa đất đá xuống phía dưới.

Theo số liệu của TKV, số lượng đất đá bóc ra trong quá trình khai thác than cực lớn. Chỉ trong tháng 6-2015, tập đoàn này đã bóc tới 17 triệu m3 đất, đào khoảng 21km hầm lò. Tính chung sáu tháng đầu năm 2015, toàn tập đoàn này đã đào tới 131km hầm lò. Và tổng lượng đất đá bóc lên đạt tới 17 triệu tấn. Vì vậy, không quá khó hiểu khi có mưa lớn, do lượng đất đá bóc lên lớn, khối lượng bị trôi xuống đường sá, sông, cống... rất lớn.

C.V.KÌNH

 

Theo THÂN HOÀNG - NGUYỄN KHÁNH - C.V.KÌNH

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên