EVN có giảm sản xuất điện?
Sản lượng điện sản xuất tháng 2 đạt thấp chỉ là do yếu tố mùa vụ.
Hiện có nhiều ý kiến cho rằng sản lượng điện do EVN sản xuất đang trong xu hướng giảm.
Minh chứng cho quan điểm này là sản lượng điện do EVN sản xuất tháng 2/2013 chỉ đạt 2,95 tỷ kWh (36,2% của 8,142 tỷ kWh sản lượng điện sản xuất và mua của EVN trong tháng 2), giảm rất mạnh so với sản lượng sản xuất 3,883 tỷ kWh trong tháng 1/2013 và 3,839 tỷ kWh trong tháng 11/2012.
Bên cạnh đó, tỷ lệ điện do EVN sản xuất chỉ có 46,44% tổng sản lượng điện sản xuất và mua trong khi điện mua ngoài chiếm đến 53,56%.
Tuy vậy, sản lượng điện do EVN sản xuất không giảm mà vẫn đang tăng, và số liệu quan sát được trong tháng 2 vừa qua chủ yếu là do yếu tố mùa vụ.
Thứ nhất, năm nay kỳ nghỉ Tết kéo dài chín ngày rơi vào tháng 2. Còn nhớ năm 2012, cả nước từng xôn xao trước thông tin giá trị sản xuất công nghiệp tháng 1 năm 2012 giảm tới hơn 15% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng lượng điện sản xuất của EVN trong hai tháng đầu năm 2013 không giảm, mà tăng 100 triệu kWh so với cùng kỳ năm 2012. |
Chuyện chẳng có gì phải hốt hoảng cả, chẳng qua Tết năm 2012 rơi vào tháng 1, cả nước nghỉ 25% số ngày làm việc mà sản lượng chỉ giảm có 15%, chưa nhìn nhận là tích cực thì cũng khó coi đây là số liệu tiêu cực.
Sản lượng điện sản xuất của EVN trong tháng 2 năm nay cũng thế, do nghỉ lễ dài, sức tiêu thụ giảm mạnh (nhu cầu sử dụng điện để sản xuất sẽ giảm công suất do dịp tết), nên sản lượng EVN sản xuất cũng giảm theo.
Để tránh ảnh hưởng của Tết Nguyên đán, thường tính gộp số liệu của hai tháng đầu năm, thay vì tính riêng từng tháng. Nếu tính theo cách này, tổng lượng điện sản xuất của EVN trong hai tháng đầu năm 2013 không giảm, mà tăng 100 triệu kWh so với cùng kỳ năm 2012.
Thứ hai, tỷ lệ điện do EVN sản xuất luôn thấp vào giai đoạn từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau (thường sẽ đạt 35-40%) do đây là mùa khô. EVN sở hữu nhiều nhà máy thủy điện lớn nên sản lượng điện luôn thấp đi trong giai đoạn này.
Trong giai đoạn còn lại của năm, EVN chiếm trung bình một nửa tổng sản lượng điện. Hay như tháng 8/2012, điện EVN sản xuất chiếm tới 56% tổng sản lượng điện mua và sản xuất.
Nếu dùng số liệu của mùa khô để so sánh không thôi, thì vẫn bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết này.
Thứ ba, tăng tỷ lệ điện mua ngoài là phù hợp chiến lược đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư phát điện. Những năm vừa qua, các đơn vị ngoài EVN đã đầu tư cả chục tỷ đôla xây dựng nhà máy điện.
Trong mấy năm trở lại đây, hàng loạt nhà máy điện lớn do các đơn vị khác đầu tư như Nhiệt điện Vũng Áng, Nhơn Trạch, Cà Mau của Tập đoàn Dầu khí, Nhiệt điện Cao Ngạn, Mông Dương, Cẩm Phả của Tập đoàn Than-Khoáng sản đã đi vào hoạt động với tổng công suất cả chục ngàn MW.
Vì thế, tỷ lệ điện do EVN sản xuất giảm là nằm trong xu hướng chung, chứ không phải do EVN “lười”.
Minh Tuấn